Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã nên đánh thuế nhà?

Hà Phong| 25/01/2010 07:02

(HNM) - Theo kế hoạch, Luật Thuế nhà, đất sẽ được Quốc hội (QH) xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2010) và có hiệu lực từ ngày 1-1-2012. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền, không ít đại biểu QH chưa


Cơ quan soạn thảo, thẩm tra bảo lưu quan điểm

Luật Thuế nhà, đất sẽ được Quốc hội xem xét.    Ảnh: Trung Kiên


Mặc dù vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH (đơn vị thẩm tra dự án Luật Thuế nhà, đất) và cơ quan soạn thảo bảo lưu quan điểm đưa nhà vào đối tượng chịu thuế với lý do: Đưa nhà vào chịu thuế sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, từng bước kiểm soát, điều tiết hợp lý nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Việc thu thuế nhà còn góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, nhất là chung cư. Mức thuế suất quy định trong dự thảo luật là không cao, đối tượng áp dụng hẹp nên đa số người dân chưa chịu tác động của thuế. Áp dụng thu thuế đối với nhà cũng không dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế vì bản chất thuế nhà, đất là thuế tài sản mang tính độc lập với các sắc thuế khác.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đưa ra hai phương án: Chỉ thu thuế đối với người sở hữu nhà thứ hai trở lên với mức áp dụng chỉ 0,03%. Phương án này bảo đảm cho mỗi người dân có một căn nhà. Phương án hai là tính thuế ngay từ nhà đầu tiên, nhưng nâng mức khởi điểm của giá trị nhà chịu thuế lên 1 tỷ đồng - thay vì 500 triệu đồng như dự thảo Luật Thuế nhà, đất đã trình QH. Với phương án này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh tính toán, đại bộ phận người có quyền sở hữu nhà ở nông thôn, ở đô thị với diện tích khoảng 400m2 đối với nhà cấp I hoặc rộng hơn nữa nếu là nhà cấp II sẽ không phải chịu thuế.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, đọc kỹ 15 điều trong dự thảo Luật Thuế nhà, đất thấy Ban soạn thảo xây dựng dự án luật này chưa tính đến mức sống, điều kiện sinh hoạt của người dân hiện nay. Việc xây dựng luật được đặt ra với một trong những mục đích là hạn chế đầu cơ nhà, đất nhưng thực chất chưa có nhiều điều khoản "đánh" vào giới đầu cơ mà nhắm vào số đông người dân. Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH TP Hồ Chí Minh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đánh thuế đối với nhà chưa thể thực hiện được trong thời điểm này, thậm chí 10 năm tới cũng chưa chắc được, vì thu nhập bình quân hằng năm của người dân còn thấp, chỉ khoảng 1.000 USD.

Sau khi đưa ra phân tích cụ thể về cả 2 phương án mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đề xuất, Trưởng ban Dân nguyện của QH Trần Thế Vượng cũng thấy còn nhiều băn khoăn. Theo ông, phương án thứ nhất sẽ thu thuế từ căn nhà thứ hai, tuy nhiên thực tế có người chỉ sở hữu một căn nhà nhưng giá trị bằng cả chục căn nhà ở của người khác thì phương án này sẽ cho thấy ngay sự bất hợp lý. Còn về phương án thứ hai, đánh thuế căn cứ vào giá trị nhà sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, như việc định giá… "Định giá ngôi nhà A đầu năm là 1 tỷ đồng, cuối năm thị trường bất động sản đóng băng nên giảm chỉ còn 700 triệu đồng thôi thì tính như thế nào… Tôi lo rằng quy định này khi thực hiện sẽ phát sinh rất nhiều khiếu nại".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền thì lên tiếng bày tỏ: "Đời sống của nhân dân ta chưa cao, thu nhập của cán bộ cũng chưa cao, cho nên cần bớt các khoản thu…".

Để giải quyết hợp tình, hợp lý việc thu thuế nhà, đất, TS - Luật sư Lê Nết, thành viên Công ty Luật LCT Lawyers hiến kế, Nhà nước chỉ nên thu thuế nhà đối với giới kinh doanh để giảm nạn đầu cơ làm thị trường nhà đất bị "bong bóng". Cụ thể, nên đánh thuế nặng đối với những người mua đi bán lại nhà, đất nhiều lần. Nếu thời gian giữa việc bán/mua càng gần nhau thì đánh thuế càng cao. Ví dụ, có một người sở hữu một mảnh đất. Thay vì bán ngay để kiếm lời, Nhà nước có thể tìm cách hạn chế việc mua bán đất đai quá nóng bằng cách đánh thuế cao đối với lần chuyển nhượng xảy ra trong vòng 1 năm (50% chênh lệch giá mua và bán). Nếu việc mua bán được tiến hành năm thứ hai, thuế suất sẽ là 30% và cứ thế giảm dần". Làm được như vậy, việc mua bán đất theo kiểu "lướt sóng" sẽ giảm. Trong tương lai, khi mức sống của dân đã cao hơn mới nên thu thuế nhà đại trà từ căn nhà thứ 2 trở đi. Vì khi Luật Thuế thu nhập cá nhân đã đi vào cuộc sống, thì nhà ở là loại tài sản trên đất được tạo lập từ khoản thu nhập còn lại của mỗi cá nhân sau khi đã chịu thuế thu nhập. Nếu đánh thuế vào những căn nhà ở duy nhất thì "thuế chồng lên thuế" là tất yếu. Nhưng khi thu thuế của căn nhà thứ 2 trở đi, cũng không nên đưa định mức diện tích nhà để tính thuế, mà nên thu dựa trên vị trí của từng căn nhà. Bởi lẽ, đặc điểm nhà ở Việt Nam nói chung, đặc biệt nhà ở đô thị, khu thị tứ… vị trí nhà quyết định giá trị của căn nhà. Một căn nhà 100m2 ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chắc sẽ bằng cả chục căn nhà tương tự ở huyện Đông Anh.

Tài sản nhà, đất là vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến mỗi người dân, việc áp dụng thêm một sắc thuế có thể sẽ gây tâm lý không đồng thuận. Một vấn đề nữa là trên thực tế, việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp, trong khi các điều kiện thực hiện lại chưa sẵn sàng. Do vậy, trước mắt chỉ nên thu thuế đối với đất; chưa áp dụng thuế đối với nhà. Đây cũng là ý kiến của Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội Đặng Việt Quân.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã nên đánh thuế nhà?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.