Báo cáo của Trung tâm PCLB khu vực miền Trung sáng 9/11 cho biết, trước diễn biến của bão HaiYan, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận đã nhận và triển khai nghiêm túc các Công điện số 1816/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Công điện số 87/CĐ-TW và số 88/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương- Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN).
Các phương tiện tàu thuyền được ngư dân Đà Nẵng đưa lên bờ để tránh bão |
Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Ninh Thuận tiếp tục có công điện, thông báo chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn về công tác chủ động triển khai ứng phó với siêu bão HaiYan, mưa lũ. Đồng thời, các tỉnh này cũng đã lên phương án sơ tán, di dời dân khi có bão, mưa lớn, lũ. Trong đó, tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi đang sẵn sàng di dời, sơ tán cho 43.707 hộ/169.377 nhân khẩu từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Cụ thể, tại TP Đà Nẵng là 19.388 hộ/73.384 khẩu; tỉnh Quảng Ngãi là 24.319 hộ/95.933 khẩu.
Trong khi đó, báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận, đến 06 giờ ngày 09/11, đã thông báo, hướng dẫn tổng số 38.756 tàu/166.697 lao động (LĐ) biết vị trí, hướng di chuyển của bão HaiYan để chủ động trú tránh.
Cụ thể, tại khu vực từ Vĩ tuyến 8-16 và đông Kinh tuyến 112, tổng số tàu đang hoạt động là 117 tàu với 1.635 LĐ. Trong đó, Đà Nẵng có 01 tàu/33LĐ; Quảng Ngãi có 66 tàu/1.165 LĐ (bao gồm 55 tàu/ 1.055 lao động đã vào các đảo trú tránh, 11 tàu/110 lao động đang vào bờ); Bình Định có 33 tàu/297 LĐ (Các tàu đang neo đậu tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa như Song Tử Tây: 27 tàu; Đá Thị: 02 tàu; An Bang: 02 tàu; Đá Tây: 02 tàu); Phú Yên có 17 tàu/140 LĐ (05 tàu/39LĐ neo đậu ở đảo Song Tử Tây, 12 tàu/105LĐ đang di chuyển xuống phía nam).
Bên cạnh đó, hoạt động tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa còn có 24 tàu/215 LĐ (bao gồm tỉnh Quảng Nam có 02 tàu/28 LĐ, tỉnh Quảng Ngãi có 22 tàu/187 LĐ) và các khu vực khác có 3.062 tàu/25.315LĐ.
Ngoài ra, hiện số tàu đang neo đậu tại bến, hoạt động ven bờ đi về trong ngày là 35.553 tàu/139.532LĐ.
Về tình hình mưa, theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung thì, tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 05/11 đến 19 giờ ngày 08/11, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biến từ 300-400mm, mưa lớn tập trung ngày 06, 07/11; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa phổ biến 70-100mm. Các tỉnh khác có lượng mưa phổ biến từ 30-60mm.
Dự báo từ ngày 09/11 do ảnh hưởng của bão HaiYan, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 250-300mm, có nơi trên 500mm.
Tuy có mưa nhưng theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên đang tiếp tục xuống. Mực nước lúc 01h ngày 09/11, trên một số sông chính như sau: Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 2,58m, trên báo động (BĐ) 1: 0,08m; Sông Hương tại Kim Long: 1,77m, trên BĐ1: 0,77m; Sông Bồ tại Phú Ốc: 4,01m, dưới BĐ3: 0,49m; Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 7,26m, dưới BĐ2: 0,78m; Sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 1,50m, dưới BĐ1: 0,5m; Sông Ba tại Củng Sơn: 32,02m, trên BĐ2: 0,02m và tại Phú Lâm: 2,61m, dưới BĐ2: 0,09m; Sông Cái Ninh Hòa tại Ninh Hòa: 4,08m, trên BĐ1: 0,08m.
Dự báo, lũ trên các sông khác từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống. Chiều và đêm 10/11, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên dao động ở mức BĐ1, một số nơi còn trên mức BĐ1.
Từ đêm ngày 10/11, do ảnh hưởng mưa của cơn bão, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn ở mức BĐ3, có sông trên BĐ3.
Trong khi đó, tại các hồ chứa vừa và lớn thuộc các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đang vận hành bình thường; dung tích hồ các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam phổ biến đạt khoảng 85% so với thiết kế; các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận đang tích nước từ 50-60% so với thiết kế.
Hiện có 13/44 hồ chứa hồ đã đầy và qua tràn như: Tiên Lang, Vực Nồi, Minh Cầm (Quảng Bình); Nghĩa Hy, Phú Dụng (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế); Hòa Trung (Đà Nẵng); Khe Tân, Thạch Bàn, Phước Hà, Hố Giang (Quảng Nam), Suối Trầu (Khánh Hòa), hồ Tân Giang (Ninh Thuận).
Một số hồ chứa có nguy cơ cần lưu ý về an toàn trong mùa mưa bão, như hồ Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định).
Hồ chứa vừa và lớn tại các tỉnh Tây Nguyên (từ Kon Tum đến Đắk Nông) cũng đang vận hành bình thường. Dung tích hồ đang ở mức cao, nhiều hồ đã đầy nước. Hiện có 06/15 hồ lớn đã đầy và qua tràn như: Đăk Uy (Kon Tum); Biển Hồ, Ayun Hạ, Ia Ring (Gia Lai); Buôn Yong, Ea Kao (Đăk Lăk); Đăk Săk (Đăk Nông).
Một số hồ chứa có nguy cơ cần lưu ý về an toàn trong mùa mưa bão, như hồ Đắk Hnia, Đắk Hniêng (Kon Tum), Đội 4, Hà Tam (Gia Lai), Đội 14 (Đắk Lắk).
Đối với các hồ thủy điện lớn trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên, tính đến 06 giờ ngày 09/11 đã có 15 hồ thủy điện xả tràn, trong đó có 09 hồ xả tràn với lưu lượng từ 500-4.400m3/s. Cụ thể, thuỷ điện Bình Điền: 901m3/s, Hương Điền: 1.114m3/s, Sông Ba Hạ: 4.400m3/s; Yaly: 1.149m3/s, PleiKrong: 489m3/s, Đắk Mi 4A: 346m3/s, Sê San 3: 1.044m3/s; Sê San 4: 1.627m3/s; Sê San 4A: 1.743m3/s.
Về tình hình thiệt hại ban đầu do mưa bão gây ra, theo báo cáo nhanh từ các địa phương khu vực miền Trung, tính đến 17h ngày 07/11/2013 tại Thừa Thiên Huế đã có 1 người chết (là em Trần Thị Thanh Nhơn, 16 tuổi, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền bị lũ cuốn trôi trên đường đi học về); 3 người mất tích (trong đó Quảng Ngãi: 02 người, Khánh Hoà: 01 người); 01 người bị thương (tại Quảng Ngãi); 13 nhà bị đổ, sập, trôi (Quảng Ngãi: 04 nhà; Khánh Hoà: 09 nhà); 142 nhà bị tốc mái (Quảng Trị: 33 nhà, Quảng Ngãi: 61 nhà; Khánh Hoà: 14 nhà; Ninh Thuận: 34 nhà); 115 nhà bị ngập (Khánh Hoà: 20 nhà, Gia Lai: 95 nhà); 1.882 ha lúa (Khánh Hoà: 1.102 ha; Ninh Thuận: 780 ha) và 172,02 ha hoa màu bị úng ngập, hư hỏng (Khánh Hoà: 172 ha; Ninh Thuận: 0,2 ha).
Về tình hình ngập lụt, theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nước trên các triền sông đang dâng cao kết hợp với triều cường đã gây ngập lụt cho một số vùng như: thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, huyện Phong Điền. Hiện nay nước đang rút dần.
Trong khi đó tại tỉnh Khánh Hoà, lũ gây ngập tại một số xã thuộc các huyện như Khánh Linh: Nước ngập gây chia cắt một số xã gồm Liên Sang, Giang Lý, Khánh Thượng, Khánh Đông và Khánh Hiệp; huyện Vạn Ninh: 20 hộ dân thuộc thôn Tân Đức Đông, xã Vạn Lương bị ngập; huyện Khánh Sơn: thôn 4 xã Thành Sơn bị cô lập; Thành phố Nha Trang: Tuyến đường liên thôn của một số xã như Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thái cũng đang bị ngập.
Với tỉnh Gia Lai, báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh này cho biết, mưa lớn đã gây ngập tại Quốc lộ 19 ở một số vị trí thuộc thị xã An Khuê; 02 thôn tại xã Ia Broai, 01 thôn tại xã Kim Tân thuộc huyện Ayun Pa. Hiện nay nước đã xuống và việc giao thông đi lại đã trở lại bình thường./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.