(HNM) - Hiện thành phố Đà Nẵng có 70.000 công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó khoảng 28.000 công nhân đang phải thuê nhà ở. Nhu cầu về nhà ở xã hội tại Đà Nẵng rất lớn, trong khi nguồn cung lại chưa đáp ứng được. Thành phố Đà Nẵng đã, đang thực hiện nhiều giải pháp để giải "bài toán" về nhà ở xã hội.
Đủ kiểu khó với người có nhu cầu
Năm 2020, chị Phạm Kiều Trang, công nhân Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, được duyệt mua nhà ở xã hội tại chung cư khu E3, E4 (Khu công nghiệp Hòa Khánh). Tuy nhiên, đến cuối tháng 5-2023, chị vẫn chưa được nhận nhà. “Gia đình tôi vay mượn để đóng hơn 400 triệu đồng mua nhà. Theo hợp đồng, gia đình tôi nhận nhà trong năm 2021. Đến nay, đã quá thời hạn mà nhà thì vẫn chưa thấy đâu”, chị Trang nói.
Đại diện nhà đầu tư dự án trên (Công ty Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước) cho biết, công trình chậm hoàn thành do nhiều nguyên nhân như dịch Covid-19, giá nguyên vật liệu tăng cao, nguồn vốn đầu tư có hạn… Công ty đang đẩy nhanh tiến độ, nỗ lực hoàn thành dự án để sớm bàn giao căn hộ cho khách hàng.
Một số công nhân tại Đà Nẵng đã nhận nhà ở xã hội, nhưng lại gặp khó khăn khác. Anh Vương Nghĩa Thắng, công nhân Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam cho biết, gia đình anh đã được mua căn hộ tại khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm. Diện tích căn hộ chỉ 16m2, quá bé để 3 người trong gia đình sinh hoạt. “Căn hộ quá nhỏ, tòa nhà không có thang máy, mọi sinh hoạt đều bất tiện. Chúng tôi mong chính quyền giải quyết vấn đề này”, anh Thắng đề nghị.
Nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân thành phố Đà Nẵng là rất lớn. Hiện có khoảng 28.000 công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp ở Đà Nẵng phải thuê nhà ở. Chưa an cư, khó lạc nghiệp, nhiều công nhân mong mỏi có nơi ở ổn định. Đầu tháng 5-2023, khi chủ đầu tư mở bán chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), đã có hơn 200 người xếp hàng từ 4h sáng, chờ đến 8h30 để nộp hồ sơ mua nhà.
Trong đợt 1 mở bán, có 207 căn hộ nhà ở xã hội với diện tích 45-70m2 được đưa vào giỏ hàng. Giá bán căn hộ (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì) từ 737 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng/căn hộ. Đợt 2 dự kiến mở bán trong tháng 6-2023 với 285 căn hộ. Tuy nhiên, điều kiện mua nhà ở xã hội rất khó khăn. Anh Vũ Trung Trang đang làm thuê cho một xưởng sản xuất vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng cho biết, những người làm ngoài khu công nghiệp như anh không thuộc diện mua nhà ở xã hội. Kể cả khi được mua thì thu nhập của gia đình anh phải dưới ngưỡng nộp thuế thu nhập (hơn 11 triệu đồng/tháng). Mức thu nhập này không đủ trang trải cuộc sống và trả lãi vay mua nhà. Ngoài ra, gia đình anh phải chứng minh đã tạm trú tại địa phương 1 năm, mới được xem xét. Đây là những quy định gây khó cho công nhân tiếp cận mua nhà ở xã hội.
Nỗ lực giải quyết nơi ở cho công nhân
Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác đang gặp khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội do một số nguyên nhân chính như: Việc quy định khống chế lãi 10% và thủ tục triển khai phức tạp khiến nhiều chủ đầu tư không mặn mà làm dự án nhà ở xã hội; quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội chưa nhiều; phần 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội chưa được các chủ đầu tư chú trọng thực hiện…
Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận đầy đủ những vấn đề bất cập, vướng mắc trên để tổng hợp, chuyển đến cơ quan chức năng, kiến nghị Quốc hội để xây dựng chính sách, bảo đảm nhu cầu chính đáng của công nhân, người lao động.
Về vấn đề trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành chủ động gỡ vướng một số vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của mình. Cụ thể, với việc chủ đầu tư chậm bàn giao nhà ở xã hội tại chung cư khu E3, E4 (Khu công nghiệp Hòa Khánh), Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Trần Văn Hoàng cho biết: “Sở đã yêu cầu chủ đầu tư chậm nhất ngày 31-8-2023 phải bàn giao nhà cho người mua. Nếu không, sẽ có cơ chế bắt chủ đầu tư hỗ trợ tiền thuê nhà cho khách hàng”.
Với dự án khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị cải tạo, nới rộng diện tích mỗi căn hộ từ 16m2 lên 32m2, đồng thời, lắp đặt thang máy cho tất cả tòa nhà với tổng kinh phí khoảng 15,8 tỷ đồng. Đề xuất đang được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến thông tin, thành phố đã đề nghị Chính phủ cho phép chuyển công năng sử dụng khu ký túc xá phía Tây Đà Nẵng (quy mô hơn 10.000 chỗ ở) thành nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà giá rẻ, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho công nhân ngoài 3 dự án nhà ở xã hội đang xây dựng tại thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.