Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã mắc sốt xuất huyết, liệu có bị lại?

Hương Thủy| 05/10/2015 14:11

(HNMO) – Đây là câu hỏi nhiều người quan tâm, đặc biệt khi mà dịch bệnh này đang ở đỉnh điểm với hơn 43.000 trường hợp mắc tại 53 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 trường hợp tử vong.

(HNMO) – Đây là câu hỏi nhiều người quan tâm, đặc biệt khi mà dịch bệnh này đang ở đỉnh điểm với hơn 43.000 trường hợp mắc tại 53 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 trường hợp tử vong.


Tại buổi giao lưu về phòng chống dịch sốt xuất huyết diễn ra sáng nay (5/10) do báo Tuổi trẻ tổ chức, giải đáp thắc mắc của độc giả về dấu hiệu của sốt xuất huyết, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm có những đặc điểm riêng về dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm.

Người ta thường nghĩ đến bệnh nhân bị mắc bệnh sốt xuất huyết khi người đó đang sống trong vùng có dịch và xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao đột ngột, liên tục, kéo dài từ 2 -7 ngày.

Từ ngày thứ ba, bắt đầu xuất hiện các biểu hiện xuất huyết như xuất huyết dạng chấm trên da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu củng mạc mắt.

Một số trường hợp có thể có rong kinh hoặc hành kinh sớm trước kì kinh. Nặng hơn có thể xuất huyết ở các nội tạng như: xuất huyết tiêu hóa.

Một số trường hợp có thể xuất hiện tràn dịch ở màng bụng, màng phổi do thoát quản dịch khỏi lòng mạch có thể dẫn tới sốc nếu không được điều trị kịp thời có thể bị tử vong.

Xét nghiệm có thể thấy tiểu cầu hạ, men gan tăng hoặc các biểu hiện xét nghiệm liên quan đến sốc.

Trong ba ngày đầu, người ta có thể làm xét nghiệm tìm kháng nguyên, sau đó có thể làm xét nghiệm tìm IgM để khẳng định bị sốt xuất huyết Dengue hay không.

Với câu hỏi của độc giả về về mùa sốt xuất huyết và khi bệnh vào mùa bệnh viện có tăng cường bác sỹ, nhân viên y tế?, ông Nguyễn Văn Kính trả lời: Bệnh sốt xuất huyết Dengue đã trở thành bệnh dịch lưu hành ở nước ta nên nó xuất hiện quanh năm. Tuy nhiên vào mùa mưa thì số ca mắc bệnh có vẻ tăng lên vì điều kiện cho muỗi vằn đẻ trứng sau mưa tăng.

Hiện nay khung biên chế của bệnh viện được Chính phủ quy định cho nên dù có dịch hay không thì số cán bộ, nhân viên không tăng nhưng bệnh viện sẽ bố trí làm thêm ca, thêm giờ để phục vụ bệnh nhân. Hiện nay, bệnh viện chưa thực hiện dịch vụ bác sĩ gia đình.

Về nguyên nhân sốt xuất huyết ở người lớn tăng mạnh thời gian qua có phải do tác nhân gây bệnh có biến đổi, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW  cung cấp thông tin, cho đến nay tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết không có gì thay đổi. Tuy nhiên, do thay đổi về môi sinh, thay đổi về lối sống và đặc biệt thay đổi về vi khí hậu làm cho trái đất nóng lên, vệ sinh môi trường không được đảm bảo, tạo nhiều cơ hội cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển.

Một bệnh nhân sốt xuất huyết may mắn được điều trị kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch (ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết lại chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cơ hội để muỗi truyền bệnh từ người mắc bệnh sang người lành rất dễ dàng làm thay đổi diện mạo dịch tễ của bệnh.

Hơn nữa, sốt xuất huyết không gây ra miễn dịch bền vững, bệnh lại có nhiều thứ nhóm khác nhau. Vì vậy, dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở tất cả mọi lứa tuổi và có xu hướng tăng lên ở người lớn”, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương nói.

Ông Nguyễn Văn Kính cũng đưa ra lời khuyên, chỉ điều trị tại nhà đối với những bệnh nhân sốt xuất huyết có triệu chứng mắc bệnh nhẹ, nếu có những dấu hiệu cảnh báo như: sốt cao liên tục 39 độ C trở lên, nhức đầu nhiều, mệt mỏi dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều hoặc tiêu chảy, đau tức vùng gan, xuất huyết ở các niêm mạc (mắt, mũi, miệng...) thì cần phải đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Giải đáp thắc mắc của độc giả về chế độ dinh dưỡng đối với người bị sốt xuất huyết;  nếu phát hiện trễ thì có để lại di chứng gì sau bệnh không? Bà mẹ mai thai bị sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Ông Nguyễn Văn Kính cho biết, người bị bệnh sốt xuất huyết không phải kiêng khem gì về ăn uống nên sau khi hết sốt người bệnh có thể ăn thỏa thích các thứ mình muốn nhưng tập trung ăn những thức ăn nhiều chất bổ dưỡng như thịt, cá, trứng... Bệnh khỏi không để lại di chứng gì dù được phát hiện muộn hay sớm.

Với bà mẹ mang thai khi bị sốt xuất huyết, bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai không có gì khác biệt so với những người khác bị bệnh, trừ khi bệnh nhân bị sốt cao liên tục, có xuất huyết ở trong tử cung có thể dẫn tới sẩy thai hoặc đẻ non.

"Theo quan niệm dân gian, đã bị sốt xuất huyết một lần rồi thì hiếm khi bệnh lại, có phải như vậy không?” Trả lời câu hỏi này của độc giả, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay, vi rút dengue gây bệnh sốt xuất huyết có tổng cộng 4 tuýp khác nhau. Khi nhiễm bất kỳ một tuýp vi rút dengue nào, cơ thể sẽ miễn nhiễm suốt đời và không mắc bệnh lại với chỉ tuýp đó, nhưng các tuýp vi rút dengue khác thì không.

Do vậy, về lý thuyết, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. Nếu một người mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm ba lần nữa bởi các tuýp vi rút dengue”. PGS.TS Phan Trọng Lân nói.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Việt Nam nằm ở khu vực có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, là điều kiện lý tưởng cho muỗi và tác nhân gây bệnh sinh sôi và phát triển quanh năm.

Nơi đâu có muỗi vằn, có lăng quăng là có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Với tốc độ giao thương phát triển nhanh như hiện nay, muỗi vằn cũng di chuyển xa hơn bằng các phương tiện giao thông của con người, do đó, nơi nào có vật chứa nước sẽ trở thành nơi có nguy cơ bị lây truyền sốt xuất huyết.

Người dân ở khắp mọi miền đất nước cần cảnh giác với bệnh chứ không chỉ ở khu vực cao điểm hay điểm nóng. Mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình và cộng đồng cần kiên trì, thường xuyên dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và phát hiện lăng quăng ở các vật chứa nước, vật linh tinh, phế thải trong nhà, quanh nhà, và khu vực công cộng, như vậy, bạn đã góp phần vào phòng ngừa sốt xuất huyết cho cộng đồng.

Ổ chứa lăng quăng rất đa dạng bao gồm vật chứa nước sinh hoạt (lu, hồ, khạp, hầm nước), vật chứa nước khác (bình hoa, chậu kiểng, chân chén) và vật phế thải (vỏ xe, vỏ dừa, lon nước, vỏ hộp cơm).

Ở ngoại thành, ổ chứa lăng quăng chủ yếu là vật chứa nước sinh hoạt và vật chứa nước khác. Ở nội thành, chủ yếu là vật chứa nước khác như bình hoa, chậu kiểng, vật phế thải ở khu vực công viên, công trường xây dựng.

Đối với khu vực trọng điểm, có dịch, người dân cần phối hợp với chính quyền các cấp, mở cửa khi nhân viên đến phun hóa chất nhằm diệt hết các quần thể muỗi nhiễm, ngăn chặn lây lan dịch.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ diệt được muỗi trưởng thành, sau 7 ngày lại sinh ra muỗi từ lăng quăng.

Vì vậy, để giải quyết gốc rễ, cần phải loại bỏ lăng quăng, không để có cơ hội phát triển thành muỗi, và việc này cần sự tham gia của xã hội và cộng đồng.

Đối với chính quyền, chính quyền các cấp chỉ đạo việc cải tạo vệ sinh môi trường, không để tồn đọng các vũng nước đọng, thu gom vật phế thải từ các nhà dân,… phát động các phong trào vệ sinh môi trường phòng bệnh.

Đối với cộng đồng, mỗi tuần, mỗi gia đình hãy dành 10 phút để thực hiện:
- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy nắp kín các lu, khạp;

- Thay nước ở các bình bông; thả muối vào chén nước kê chân chạn;

- Dọn dẹp, loại bỏ vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, không để lăng quăng phát triển, nguy cơ lan truyền bệnh SXH.

- Trong nhà: Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo bừa bộn để giảm bớt chỗ cư ngụ của muỗi; Cho trẻ mặc áo dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày; làm lưới che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà; dùng nhang xua muỗi, bình xịt diệt côn trùng, vợt điện trong những giờ cao điểm muỗi thường hoạt động (sáng sớm và chiều tối); phun diệt muỗi trên phạm vi rộng lớn (tổ, ấp, khu phố...) chỉ thực hiện khi đúng chỉ định của cơ quan y tế địa phương và do cơ quan y tế thực hiện.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã mắc sốt xuất huyết, liệu có bị lại?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.