(HNM) - Với sự đa dạng, phong phú về điều kiện tự nhiên cùng kinh nghiệm lâu năm của nhiều làng nghề, dư địa phát triển mặt hàng sinh vật cảnh của Hà Nội hiện rất lớn.
Mô hình ươm giống hoa lan ở Sóc Sơn cho thu nhập cao. |
Giàu đẹp từ sinh vật cảnh
Làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) lâu nay cũng được biết tới về phát triển cây cảnh. Theo chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Gia Hiền - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội: Triều Khúc còn vài chục người làm nghề cây cảnh; có gia đình mấy đời đều theo nghề. Một vườn cây cảnh đẹp ở Triều Khúc tuy chỉ rộng vài trăm mét vuông nhưng giá trị hàng chục tỷ đồng.
Tương tự, làng Cơ Giáo (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) cũng có tiếng về cây cảnh. Anh Nguyễn Văn Chí, một trong những “tỷ phú cây cảnh” chia sẻ: Với diện tích hơn 6.000m2, 2 cơ sở của gia đình anh đang sở hữu nhiều cây cảnh giá trị hàng tỷ đồng. Không chỉ gia đình anh Nguyễn Văn Chí, tại xã Hồng Vân còn nhiều vườn cây cảnh có giá trị lớn. Trung bình, thu nhập từ cây cảnh của các hộ từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm… Hồng Vân đang đẩy mạnh chuyển đổi các xứ đồng sang trồng các loại cây cảnh, cây hoa phổ thông (hoa mười giờ, hoa hồng, hoa giấy…) tạo việc làm cho hàng trăm gia đình với thu nhập cao. “Tận dụng thế mạnh từ cây cảnh, Hồng Vân chọn hướng phát triển du lịch sinh thái đồng quê. Với nỗ lực trong quy hoạch đường làng, phát triển hệ thống cây xanh, năm 2018, xã Hồng Vân được cơ quan chức năng công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh với diện tích 128ha. Năm 2018, xã đón hàng vạn lượt khách tham quan làng nghề sinh vật cảnh” - ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho hay.
Theo Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội Nguyễn Gia Thọ: Nghề sinh vật cảnh ở Hà Nội có từ hàng nghìn năm nay và là nơi hội tụ của nhiều nghệ nhân, thợ giỏi và những người đam mê sinh vật cảnh tại nhiều làng hoa nổi tiếng. Trong xu hướng phát triển đô thị, sinh thái hiện nay, nghề sinh vật cảnh không chỉ duy trì mà còn được đầu tư, phát triển bài bản, chuyên canh với sản phẩm giá trị cao (quất cảnh, đào cổ thụ…).
Hiện, nhiều vùng ngoại thành: Thường Tín, Thanh Trì, Gia Lâm, Phúc Thọ… đều có làng nghề sinh vật cảnh nổi tiếng và xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú từ nghề này. Ngoài ra, một số khu vực còn phát triển mô hình sinh vật cảnh theo hướng công nghệ cao: Trồng hoa lan, hoa ly… trong nhà lưới, nhà kính, cho thu nhập hàng tỷ đồng/héc ta. “Riêng Hội Sinh vật cảnh thành phố đã có 11.000 hội viên cùng số lao động làm nghề khoảng hơn 100.000 người. Nghề sinh vật cảnh đang góp phần hình thành nhiều vùng quê xanh ở ngoại thành Hà Nội và giúp nhiều hộ làm giàu, có điều kiện đóng góp trong xây dựng nông thôn mới” - ông Nguyễn Gia Thọ khẳng định.
Quy hoạch theo thế mạnh làng nghề
Hiện, nhu cầu về cây cảnh của người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận rất lớn. Nhờ nghề này, nhiều gia đình có cuộc sống sung túc… Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn thành phố có khoảng 3.000ha cây cảnh các loại và hàng nghìn vườn cảnh quy mô lớn, giá trị cao. Tuy là thế mạnh trong phát triển kinh tế tại các địa phương, song nghề sinh vật cảnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn như: Các làng nghề còn ở tình trạng tự phát, chưa được quy hoạch bài bản và chủ yếu “tự sản - tự tiêu”... Ngoài ra, các vấn đề: Mặt bằng, vốn sản xuất, truyền nghề, dạy nghề chưa ổn định, chưa chuyên sâu… phần nào đang cản trở sự phát triển nghề sinh vật cảnh.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội Nguyễn Gia Thọ cho rằng, những tồn tại, khó khăn trên chủ yếu do nhiều làng nghề chưa đón đầu được xu thế thị trường; chưa quy hoạch phù hợp nên chưa phát huy được giá trị tương xứng… Để khắc phục, theo ông Nguyễn Gia Thọ, các địa phương có làng nghề sinh vật cảnh cần đặc biệt quan tâm đến mặt bằng sản xuất; đồng thời, nên quy hoạch và đầu tư hệ thống giao thông, phát triển điểm trưng bày sản phẩm nhằm thu hút du khách và quảng bá sản phẩm. Đơn cử, tại làng nghề sinh vật cảnh An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì), Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Bùi Văn Quân cho hay, từ lợi thế của làng nghề, địa phương mong muốn An Hòa được quy hoạch là làng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển hoa - cây cảnh, trong đó chủ lực là cây mai trắng. UBND xã đã đề xuất, kiến nghị UBND huyện Ba Vì và các sở, ngành thành phố hỗ trợ An Hòa quy hoạch giao thông, sản xuất theo hướng làng nghề sinh vật cảnh kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch vùng núi Tản…
Để làng nghề sinh vật cảnh phát triển có trọng tâm, đúng định hướng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Xuân Đại khẳng định, Sở NN&PTNT tiến hành rà soát từng làng nghề sinh vật cảnh, qua đó, có kế hoạch, quy hoạch cụ thể, phù hợp với thế mạnh từng làng nghề; đặc biệt, tránh sản xuất tự phát, ồ ạt… Ví dụ, đối với làng cây cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín) cần tập trung vào cây cảnh; đối với làng nghề An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) nên phát triển cây mai trắng; một số làng nghề ở huyện Hoài Đức, Thường Tín… nên hướng vào cây cảnh đặc trưng (quất cảnh, hoa đào, hoa lan…). Mặt khác, cùng với tổ chức hội nghị, hội chợ về sinh vật cảnh, Sở sẽ hỗ trợ người làm nghề vay vốn thông qua nguồn Quỹ Khuyến nông Hà Nội hoặc thông qua các hệ thống tổ chức, tín dụng để hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.