(HNM) - Tình trạng vi phạm an toàn đê điều đã tồn tại từ năm này qua năm khác, nhưng vẫn chưa được chính quyền cơ sở xử lý đến nơi, đến chốn đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội. Và chính sự "nương tay" của các cơ quan chức năng đã khiến vi phạm diễn biến ngày càng phức tạp. Điệp khúc “thiếu quyết liệt” đã trở nên quen thuộc khi nói về nguyên nhân tồn tại. Câu hỏi đặt ra là: Khi nào chính quyền mới “quyết liệt”? Và hậu quả của cái sự “thiếu quyết liệt” ấy, ai chịu trách nhiệm?
Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống con người. Mưa bão, lũ lụt, nắng nóng, sương giá… đã và đang ảnh hưởng đến từng mái nhà, từng con người và đến sự phát triển của quốc gia. Liên tiếp trong nửa đầu tháng 8, miền Bắc đã đón tới 2 cơn bão mạnh, gây thiệt hại nặng nề cả về người, tài sản. Hà Nội là một trong những địa phương chịu thiệt hại đáng kể. Và những trận mưa to, gió lớn đang tiếp tục mang hiểm họa cuộn theo dòng nước, đe dọa đời sống của người dân dọc theo những con sông. Nếu như các cơ quan chức năng vẫn cứ giữ mãi điệp khúc “thiếu quyết liệt” và không có ai phải chịu trách nhiệm về sự “thiếu quyết liệt” đó thì xảy tới hậu quả đáng tiếc là hoàn toàn có thể.
Theo thông tin từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tại 17 quận, huyện, thị xã của Thủ đô có sông Hồng chảy qua đều để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều với các mức độ khác nhau, trong đó báo động là tình trạng xây dựng công trình, đổ phế thải, tập kết kho bãi… trong hành lang thoát lũ. Nhiều công trình xây dựng quy mô, những nhà hàng, khu sinh thái hoành tráng vi phạm rõ mười mươi và hoạt động rầm rộ từ năm này qua năm khác, nhưng chính quyền cơ sở chưa xử lý, hoặc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm xử lý. Dù thực tế các địa phương có đầy đủ lực lượng để ngăn chặn các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi.
Theo quy định của Luật Đê điều, cá nhân vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; với tổ chức là đình chỉ hoạt động. Còn theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, nếu người có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về đê điều nhưng không xử lý nghiêm, dứt điểm theo quy định của pháp luật, hoặc không kịp thời xử lý để vi phạm phát triển vượt quá thẩm quyền, phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm lên cấp trên xử lý thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, thực tế chưa có trường hợp “người có thẩm quyền” nào bị xử lý kỷ luật một cách nghiêm túc và nghiêm khắc, dù số vụ vi phạm mới vẫn tăng theo thời gian, những vụ việc cũ vẫn được báo cáo năm này qua năm khác.
Trong khi cơ quan chuyên trách quản lý đê miệt mài lập biên bản, miệt mài kiến nghị thì chính quyền địa phương... không kiên quyết. Còn những cá nhân, tổ chức vi phạm thì ngày càng “nhờn” luật. Và rồi, những con đê vẫn cứ phải oằn mình chống chọi và số đông cư dân sinh sống ven sông cứ nơm nớp, nếu một ngày chẳng may...
Để bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, thông thoáng dòng chảy và quan trọng hơn là bảo đảm an toàn cho con người, đã đến lúc phải làm rõ trách nhiệm, ngay cả trách nhiệm với sự “thiếu quyết liệt” của cá nhân, cơ quan “có trách nhiệm”. Không thể để tình trạng cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đùn đẩy, né tránh hay viện lý do khách quan để thoái thác trách nhiệm. Thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt, sẽ còn nhiều vi phạm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.