(HNMO) - Nếu Ngân hàng Nhà nước không ra hạn, hết tháng 12/2014, hầu hết doanh nghiệp không được vay ngoại tệ. Một số chuyên cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để hạn chế cho vay ngoại tệ.
Theo Thông tư 29/2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách vay là người cư trú, có 4 nhóm nhu cầu vốn được vay ngoại tệ; trong đó cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu năm 2014, và cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2014, tức chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa.
Huy động-cho vay USD sẽ dần chuyển sang mua-bán USD. (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Tuy nhiên, đến thời điểm này, NHNN chưa có động thái gì về việc việc liệu có gia hạn hay không. Nếu NHNN không gia hạn, đối tượng được vay ngoại tệ co hẹp lại rất nhiều, chỉ còn có thể được áp dụng với cho vay để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Thực ra, chủ trương giảm cho vay ngoại tệ đã được đưa ra từ vài ba năm trước nhằm chống đô la hóa, nhưng NHNN đã hai lần hoãn, bởi những ưu điểm mà cho vay mang ngoại tệ mang lại. Đó là, chính sách này đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Khi mà lãi suất cho vay USD thấp hơn đáng kể so với VND và sự kỳ vọng vào việc ổn định của tỷ giá bởi NHNN cam kết chỉ tăng tỷ giá tối đa 2% mỗi năm trong vài ba năm qua, các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngoại tệ giá rẻ mà không lo về rủi ro biến động giá, từ đó giảm nhiều chi phí đầu vào. Chính vì sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay VND và USD, nhiều doanh nghiệp đã vay USD để chuyển sang VND. Chỉ làm một phép tính nhỏ, lãi suất cho vay bằng USD ngắn hạn ở mức 4,5% trong khi lãi suất bằng VND cùng kỳ hạn là 8%/năm đã cho thấy những lợi ích khi doanh nghiệp vay USD. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều nhà băng cũng đã tung ra các gói tín dụng USD với lãi suất ưu đãi, chỉ từ 3%/năm và giảm nhiều loại phí để hút khách.
Với lợi thế về lãi suất, thời gian qua, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ đạt mức cao, góp phần vào tăng trưởng tín dụng nói chung. Chẳng hạn, 8 tháng đầu năm 2014, tín dụng tăng trưởng 4,33% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, các khoản vay bằng USD tăng đã tăng 10,56%, tăng gấp 3 lần so với các khoản vay VND (3,06%).
Tuy nhiên, lần này, có lẽ NHNN sẽ không gia hạn thêm nữa. Theo một số chuyên gia, việc không gia hạn thêm là đúng, bởi đây là thời điểm thích hợp để thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ nhằm chuyển dần quan hệ huy động- cho vay USD sang quan hệ mua-bán USD, từ đó giảm bớt tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD và nâng vị thế của VND. Cũng phải nói thêm, để thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế, trước đó, NHNN đã thực hiện tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, giảm lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ về một mức lãi suất nhất định chứ không theo “đường cong lãi suất” như tiền gửi VND.
Một lý do nữa để giảm cho vay ngoại tệ là chủ trương này đã hơn 1 lần được hoãn và các doanh nghiệp đã có nhiều thời gian chuẩn bị. “Nếu cứ gia hạn sẽ tạo tiền lệ xấu là cứ có quy định nào vừa được đưa ra là nghĩ ngay đến việc hoãn thực hiện để có thêm thời gian thích nghi” - Một chuyên gia nhấn mạnh. Hơn nữa, nguồn ngoại tệ của nước ta dồi dào với nguồn vốn FDI lớn, kiều hối chảy về Việt Nam luôn thuộc top 10 quốc gia có nguồn kiều hối lớn nhất, và năm nay dự kiến là khoảng 11 tỷ USD.
Trước băn khoăn về việc giảm bớt cho vay ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia cho rằng, điều này không đáng lo ngại vì tín dụng ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 15% tổng dự nợ.
Mới đây, trả lời báo chí về việc chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu vay nhập khẩu xăng dầu và vay xuất khẩu kể từ đầu năm 2015, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho rằng, NHNN có hạn chế đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ không ảnh hưởng đến nhập khẩu của các doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Về phía các ngân hàng thương mại, hiện nay nguồn vốn cả ngoại tệ và VND đều có khả năng đáp ứng được cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. “Tuy nhiên, để bảo đảm chính sách quản lý ngoại hối và các cán cân vĩ mô khác thì việc hạn chế cho vay ngoại tệ lúc này là cần thiết” - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.