Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã đến lúc

Nguyễn Triều| 27/02/2011 06:54

(HNM) - Trước những biến động phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. 7 nhóm giải pháp được đưa ra, với thông điệp mạnh mẽ: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt; mạnh tay cắt giảm đầu tư công.

Trong nhiều năm tăng trưởng liên tục và cuộc sống mỗi năm một tốt hơn, chúng ta đôi khi quên rằng trên đường phát triển có những thời điểm cần dừng lại để nhìn nhận những gì đã đạt được và cả những bài học kinh nghiệm để từ đó đưa ra những quyết định đúng hơn, những hướng đi phù hợp hơn để tới được mục đích đặt ra.

Qua nghiên cứu, Bộ Tài chính cho rằng đã đến lúc cần tăng giá một số mặt hàng cơ bản như điện, xăng dầu... Tất nhiên các nhà chiến lược kinh tế, giá cả cũng biết rõ hậu quả là mặt bằng giá trên toàn thị trường sẽ tăng, và chắc họ đã có những biện pháp dự phòng, những phương án giải quyết để bảo đảm mức sống bình thường của người dân, nhất là nông dân, những người làm công ăn  lương nhà nước và tầng lớp hưu trí...

Một trong những giải pháp đầu tiên là Chính phủ đã tách bạch rõ ràng Chi tiêu công và Đầu tư công để kiểm soát chi tiêu và đầu tư...

Nghĩa là đã đến lúc chi tiêu công không thể cứ dựa vào chữ Công mà muốn sao tiêu nấy. Nghĩa là đã đến lúc không chỉ đòi hỏi mọi đầu tư công phải có hiệu quả tương ứng với số tiền bỏ ra mà những người  được giao nhiệm vụ quản lý những đầu tư ấy phải chịu trách nhiệm công khai trước Đảng, trước dân về việc bảo quản, sử dụng và phát triển số đầu tư ấy sao cho có lợi nhất. Và những người hoạch định chiến lược cũng vậy. Đã đến lúc phân định rạch ròi, không thể cứ chung chung - chủ trương đúng, thực hiện sai.

Như từ nay ngành điện, cũng như nhiều ngành khác, không chỉ đòi hỏi tăng giá cho ngang thế giới. Họ sẽ phải trả lời về chất lượng dịch vụ; bồi thường mọi tổn thất do họ gây ra. Đã đến lúc họ không chỉ nghĩ đến giá thế giới mà quên mất trách nhiệm và danh dự mà thế giới coi trọng và thực hiện nghiêm túc, bằng không sẽ phải đối mặt với pháp luật.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ buộc phải tăng giá một số ngành hàng đặc biệt… Người tiêu dùng, dù không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận, ít nhất cũng như là để chia sẻ cùng Chính phủ trong những lúc khó khăn… Nhưng Chính phủ và người tiêu dùng có quyền đòi hỏi: Chất lượng hàng hóa và dịch vụ "hậu mãi" cũng phải tăng như giá.

Đã đến lúc như vậy. Và có như vậy mới có thể ổn định được hoạt động kinh tế. Ở tầm vĩ mô cũng như vi mô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã đến lúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.