(HNM) - Gần đây, trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều những chiêu trò, những màn thể hiện quá lố của giới trẻ. Nào là tung ảnh, tung phát ngôn gây sốc, nào là tung clip phản cảm.
Rồi khi có một sự kiện, hiện tượng "không giống mình" xảy ra, thiên hạ thi nhau "ném đá hội đồng" và coi đó là trò vui. Văn hóa sử dụng mạng xã hội dường như chưa bao giờ trở nên đáng quan tâm như hiện nay. Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) về vấn đề trên.
Sử dụng mạng xã hội thiếu văn hóa sẽ mang lại những hậu quả khó lường. |
- Nhắc đến văn hóa mạng xã hội, không thể không nhắc đến văn hóa bình luận trên mạng khi hiện nay, không ít người coi “ném đá” là niềm vui. Đấy là chưa kể đến việc sử dụng thứ ngôn ngữ chợ búa. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
- Hiện nay có một bộ phận không nhỏ giới trẻ tham gia vào những bình luận mà chúng ta hay gọi là “ném đá”, “ném đá hội đồng”. Điều này xuất phát từ việc họ chưa hiểu biết về văn hóa mạng xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội thoạt trông có vẻ dễ dàng nhưng không phải vậy. Nó rất dễ dẫn đến sự hiểu lầm, những phản ứng không đáng có hoặc là hối thúc tập hợp một đám đông quần chúng có thể là xa lạ để cùng tẩy trừ, cùng phản ứng một quan niệm của một cá nhân nào đó. Điều này đáng phê phán bởi hậu quả nó mang lại không nhỏ. Điển hình, sự “ném đá” sẽ kích động giới trẻ và dễ đưa họ đến thái độ chống đối hoặc bị ảnh hưởng tâm lý một cách nặng nề, thậm chí bị stress.
- Có một hiện tượng là không ít giới trẻ sử dụng mạng xã hội như là cách để thể hiện “cái tôi” của mình, để nổi tiếng, để tạo ra sự khác biệt thông qua những phát ngôn, hình ảnh, clip gây sốc. Với tư cách là một nhà xã hội học, suy nghĩ của ông về vấn đề này như thế nào?
- Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng những hiện tượng như vậy sẽ ngày càng nhiều và xem chừng xu hướng bắt chước nhau ngày một dày lên. Điều đó cho thấy sự cá nhân hóa, sự thể hiện cái tôi bây giờ thoải mái và dường như nó đang trở thành một giá trị để người ta theo đuổi, đặc biệt là những người muốn nổi tiếng bằng mọi giá. Với một bộ phận giới trẻ, đôi khi họ không có ý niệm về việc “lộ hàng” như vậy là có đáng xấu hổ hay không bởi với họ được thể hiện cái tôi của mình và “nhấm nháp” một cách sung sướng “thành quả” ấy là thích rồi. Trong nhiều trường hợp, không hẳn “khoe hàng” đã là suy nghĩ của họ mà họ chỉ phỏng chừng là cộng đồng có thể có những phản ứng như vậy, thì họ “bắn”, họ “thả” ý tưởng để cộng đồng đẩy tới hơn nữa và họ cảm thấy sung sướng hơn mà thôi.
- Nguyên nhân của hiện tượng này là gì thưa TS?
- Có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có thể kể đến nguyên nhân quan trọng chính là sự “ném đá” của cộng đồng mạng xã hội. Cứ có việc gì là người ta xúm lại lên án, chỉ trích và điều này khiến người trẻ thấy rằng việc gây được sự chú ý của mọi người chẳng khó khăn gì. Chỉ cần nói một câu gì đó “khác người” là cộng đồng xúm vào bình luận và đôi khi với sự tham gia của giới truyền thông, cá nhân ấy bỗng trở nên “nổi tiếng”. Một nguyên nhân khác là tâm lý và nhân cách chưa hoàn thiện của giới trẻ. Và giới trẻ cũng chưa ý thức hết được sự nguy hiểm của việc thể hiện những gì có tính chất riêng tư trên mạng.
- Sử dụng mạng xã hội mà thiếu văn hóa sẽ mang lại những hậu quả gì thưa ông?
- Hậu quả đầu tiên là ai đó thiếu văn hóa sẽ bị cộng đồng mạng xã hội nhìn nhận là xấu và người ta sẽ “ném đá”. Tuy nhiên điều tai hại hơn là nếu như cộng đồng đó là “cộng đồng lầm lạc” thì những phát biểu, sự thể hiện thiếu văn hóa sẽ nhân tính chất “lầm lạc” của nó lên.
- Được biết, ở nước ngoài, giới trẻ được dạy những cách ứng xử tối thiểu trên mạng thậm chí là cách trao đổi với bạn bè, với mọi người khi tham gia mạng xã hội? Còn ở ta thì sao, thưa TS?
- Hiện nay ta chưa đặt ra vấn đề này bởi vì lâu nay chúng ta còn đang thiếu hụt nhiều thứ. Điển hình là việc giáo huấn luân lý cá nhân. Vài chục năm gần đây, chúng ta chỉ giáo dục về đạo đức tập thể, tinh thần tập thể, chủ nghĩa tập thể, đánh đồng cá nhân trong cộng đồng. Đến gần đây, việc coi trọng cái tôi, cá nhân mới được nhìn nhận lại.
- Vậy theo ông, phải làm gì để nâng cao văn hóa sử dụng mạng xã hội?
- Có một thực tế hiện nay là giới quản lý thường kỳ thị mạng xã hội, coi đó là nơi phát xuất ra những tư tưởng quái đản, những ý nghĩ điên rồ, hay thái độ kệch cỡm, lố lăng... Mặc dù điều đó là có thật nhưng những người quản lý không nên suy nghĩ một cách giáo điều và cứng nhắc như vậy mà nên tham gia vào nó với tư cách thành viên. Cùng chia sẻ, cùng thể hiện, cùng tương tác và thông qua việc chia sẻ tương tác một cách mẫu mực thì họ có thể đưa ra sự điều chỉnh, tạo ra những định hướng phù hợp cho giới trẻ.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.