(HNM) - 6 ngày, 5 đêm cùng các doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội khảo sát tuyến điểm du lịch tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đã cho tôi nhiều trải nghiệm. Những đặc trưng về vùng đất và con người Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi thật sự lôi cuốn những ai một lần ghé qua.
Thiên nhiên kỳ thú luôn hấp dẫn du khách và là “mỏ vàng” của ngành “công nghiệp không khói”. Ảnh: |
Chia sẻ để phát triển
Tham gia đoàn khảo sát là các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ. Có đơn vị đã có tiếng trên thị trường khách nội địa và quốc tế với nhiều năm kinh nghiệm, nhưng cũng có công ty chỉ mới bước vào kinh doanh lữ hành được một vài năm, song họ có chung một quan điểm làm nghề: Thay vì cạnh tranh giá, họ sẽ hợp tác với nhau để cùng phát triển. Không giống như các đơn vị lữ hành lớn, thường có văn phòng đại diện ở các tỉnh để tổ chức hoạt động phát triển tuyến du lịch, các đơn vị lữ hành nhỏ và vừa đã chọn cách tự nguyện tập hợp nhau trong một tổ chức nghề nghiệp - Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội và mỗi năm họ cùng nhau tự khảo sát các vùng đất mới, với sự hỗ trợ đầy trách nhiệm của Sở VH,TT&DL. Với sự "đỡ đầu" của cơ quan quản lý, sự gặp gỡ với các đồng nghiệp tại địa phương nơi đoàn đến trở nên thuận tiện hơn. Các đơn vị lữ hành của các địa phương cũng xem đây là cơ hội để giới thiệu các "đặc sản" vùng miền, từ các điểm tham quan, du lịch đầy lý thú đến các món ăn dân dã nhưng là riêng có của mỗi nơi. Họ cũng chia sẻ những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhân lực ngành du lịch - những điều kiện tất yếu để làm nên một sản phẩm du lịch có chất lượng. Nói như Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng, "thông tin và mối quan hệ hợp tác giữa các công ty du lịch là điều quan trọng nhất để phát triển hoạt động du lịch" và những chuyến đi như vừa qua đã đem lại điều đó.
Với những người làm nghề, những chuyến đi theo hành trình như một du khách giúp họ thấu hiểu hơn người đi du lịch mong muốn điều gì và các đơn vị lữ hành cần làm gì để đáp ứng nhu cầu của đối tượng họ phục vụ. Tranh thủ khám phá những điều kỳ thú của vùng sông nước những ngày cuối cùng của mùa mưa, nhà quản lý công ty lữ hành không quên quan sát, tìm hiểu về cơ sở lưu trú, nhà hàng, lộ trình và chi phí chuyến đến… để có thể xây dựng những sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng, dù là khách nội địa luôn đòi hỏi tour giá phải chăng nhưng chất lượng tốt, hay là khách quốc tế luôn thích khám phá những điều mới mẻ. Không chỉ có thế, dịp này, họ còn chia sẻ với đồng nghiệp ở các tỉnh những kinh nghiệm làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, những điều cần cải thiện, thay đổi để khách đến sẽ hài lòng và còn muốn trở lại. Không ít giám đốc doanh nghiệp lữ hành đã chia sẻ, dù vẫn bán tour đi Đồng bằng sông Cửu Long cho khách có nhu cầu nhưng lâu nay họ bán "chay". Nay đã tự mình trải nghiệm, chắc chắn sản phẩm sau này của đơn vị sẽ có sự đổi mới, hợp lý hơn và chất lượng hơn. Cũng dịp này, các doanh nghiệp đã giới thiệu về du lịch Hà Nội để có thêm ngày càng nhiều bà con Đồng bằng sông Cửu Long chọn Thủ đô làm điểm đến.
Hợp tác cùng có lợi
Vùng đất phía Nam Tổ quốc gắn với mùa nước nổi có nhiều điều thú vị, chắc chắn người Hà Nội sẽ có hứng thú đến thăm là cảm nhận chung của các thành viên trong đoàn. Những điểm đến như Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, di tích quốc gia đặc biệt, lưu giữ những kỷ vật về cuộc đời của vị lãnh tụ dân tộc; rừng tràm Trà Sư, khu rừng ngập nước tiêu biểu của vùng tây sông Hậu với vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã; miếu Bà Chúa Xứ, địa danh phản ánh đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân không chỉ ở An Giang, Châu Đốc; danh thắng chùa Hang của Hà Tiên; rừng Tràm Chim hoang sơ nơi khách có thể tìm hiểu về loài lúa Trời và nhiều loài chim có tên trong sách đỏ… cho thấy đây là những vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Song để những nơi này trở thành điểm đến đầy hấp dẫn cần có vai trò của các đơn vị làm du lịch. Ngành du lịch của Cần Thơ, Long Xuyên, Kiên Giang, Đồng Tháp cũng đã có nhiều nỗ lực để biến tiềm năng ấy thành nguồn lợi mang lại cho địa phương nguồn thu không nhỏ. Họ cũng đã biết không chỉ tận hưởng nguồn lợi thủy sản và phù sa mà nước lũ mang lại mà còn biến mùa nước nổi thành "thương hiệu" cho du lịch bằng những sản phẩm đặc sắc như tour khám phá những nét độc đáo trong đời sống thường ngày của người dân vùng sông nước như hái bông điên điển, bẻ ấu, đổ lợp, đổ dớn bắt cá ở Vàm Nao; du lịch nông dân tổ chức cho bà con xã Ô Lâm, Tri Tô tham gia làm du lịch để giới thiệu với khách phương xa cách làm cốm dẹp; hay thả lưới bắt cá, gặt lúa Trời ở điểm du lịch sinh thái Tràm Chim...
Tuy nhiên, như Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL An Giang Phạm Thế Triều chia sẻ, dù địa phương đã có nhiều cố gắng tăng số lượng khách du lịch nhưng doanh thu vẫn còn thấp. An Giang chưa đủ đầy các điều kiện để phát triển du lịch thực sự. Vì thế, du lịch địa phương rất cần những hoạt động xúc tiến, kết nối. Sau chuyến khảo sát của các công ty lữ hành Hà Nội, tin rằng, những sản phẩm này sẽ đến được với ngày càng nhiều khách trong nước và quốc tế. Đúng như Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng nhận định trong buổi làm việc với Đồng Tháp, địa phương đã ký kết thỏa thuận hợp tác về du lịch với Hà Nội trong 3 năm qua: "Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành trao đổi thông tin, tìm hiểu về các tiềm năng du lịch, chất lượng dịch vụ là điều kiện cần và đủ để biến sự hợp tác thành sự phát triển của cả hai bên".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.