(HNM) - Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT cho biết đã nhận được 50 đề án tuyển sinh từ các trường. Bên cạnh việc thống nhất đưa ra ngưỡng đầu vào để bảo đảm chất lượng thí sinh như yêu cầu của Bộ, các trường, đặc biệt là trường ngoài công lập đã rất linh hoạt trong quy định sơ tuyển,
Trường công: Đổi môn thi, thêm bài đánh giá
Nguồn tuyển không phải là vấn đề đáng ngại với các trường đại học (ĐH) công lập lớn nên phương án tuyển sinh của các trường này thường theo hướng nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Điển hình là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Vòng sơ tuyển, thí sinh có tổng điểm trung bình 3 môn thuộc khối thi đạt từ 21 điểm trở lên mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự thi. ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) thì có thêm kỳ thi đánh giá năng lực chung để chọn vào học một số chương trình đào tạo. Bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực không thiết kế theo các môn thi riêng rẽ, mà tích hợp nội dung kiến thức của các môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên với trọng tâm là những nội dung cơ bản về ngữ văn và toán học tương đương bậc phổ thông. Cách thiết kế này tương tự như cấu trúc và nội dung của các bài thi chuẩn hóa SAT ở bậc ĐH, hay GRE bậc sau ĐH của Mỹ. Phương thức này được coi là tiên tiến, giúp đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh, tránh được việc học tủ, học lệch vì coi trọng khả năng áp dụng kiến thức thay vì năng lực ghi nhớ. Vì vậy, các thí sinh sẽ có lợi thế hơn khi thể hiện sự tự chủ, tham gia nhiều các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, hoạt động nhóm.
Kỳ thi cao đẳng, đại học năm 2014, các trường có nhiều phương thức tuyển sinh nhằm nâng cao nguồn tuyển. Ảnh: Viết Thành |
Các trường có khối thi năng khiếu thì không bó mình trong các khối thi truyền thống đã linh hoạt xây dựng các nhóm môn thi để tổ chức thi hoặc xét tuyển. Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đã quyết định thay đổi môn thi cho các ngành thi tuyển khối V và H trước đây để hình thành khối thi V1 và H1. Ở khối V1, môn vật lý được thay bằng môn ngữ văn; khối H1 gồm các môn toán, vẽ trang trí màu và ngữ văn. Tương tự, ĐH Đà Nẵng đặt ra khối thi V2 cho ngành kiến trúc với môn ngữ văn thay cho môn vật lý. Bên cạnh đó, trường còn xét tuyển điểm trung bình môn văn 5 học kỳ của thí sinh đạt từ 5,5 điểm trở lên.
Không chỉ thí điểm tuyển sinh riêng theo hướng chất lượng cao và các ngành năng khiếu, nhiều trường công lập cho biết sẽ áp dụng với một số ngành khó tuyển. Các ngành này được xét tuyển theo kết quả THPT với ngưỡng tối thiểu của điểm trung bình thấp nhất là từ 5,5 điểm.
Trường tư: Phỏng vấn qua điện thoại, viết luận khi nộp hồ sơ
Phương thức tuyển sinh, xét tuyển ở các trường ngoài công lập được đánh giá là đa dạng nhất. Phần lớn các trường này vẫn muốn có thêm nguồn tuyển từ kỳ thi "3 chung", song vẫn có một số trường xét tuyển với các tiêu chí độc lập với "3 chung". Trường ĐH Công nghệ Đông Á cho biết xét tuyển dựa trên kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp THPT, sẽ có một công thức tính điểm để làm cơ sở xét tuyển. Đặc biệt, trường sẽ tổ chức tuyển sinh riêng 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ GD-ĐT quy định (dự kiến vào tháng 2 và tháng 7).
Trường ĐH dân lập Hải Phòng, ngoài nguồn thí sinh từ "3 chung", có thêm phương thức xét tuyển rất độc đáo: Xét theo cặp môn thi. Ví dụ, ngành CNTT xét tuyển môn toán - ngoại ngữ hoặc toán - vật lý; ngành Việt Nam học xét tuyển cặp môn văn - ngoại ngữ, văn - sử hoặc văn - địa... Điểm xét tuyển bằng trung bình cộng của điểm thi và điểm trung bình học tập của cặp môn này. Tổng điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào hệ ĐH dự kiến là 17 điểm, hệ CĐ dự kiến là 14 điểm.
Trong khi đó, Trường ĐH Phan Châu Trinh cũng kết hợp 2 hình thức tuyển sinh: Xét tuyển theo kỳ thi "3 chung" (30% chỉ tiêu) và xét tuyển theo tiêu chí riêng của nhà trường (70% chỉ tiêu). Năng lực và kiến thức của thí sinh được đánh giá thông qua bài kiểm tra kỹ năng viết và năng lực tư duy, gồm 3 tiêu chí: Kiến thức, đạo đức và năng lực. Đối với những thí sinh có điểm của tiêu chí 1 bằng nhau thì tham dự thêm vòng phỏng vấn (10-15 phút) để xác định trúng tuyển. Đáng chú ý, việc phỏng vấn có thể được thực hiện qua điện thoại hoặc tập trung tại nhà trường, tùy theo sự lựa chọn của thí sinh. Trường đặc biệt chú ý năng lực tư duy của thí sinh, yêu cầu thí sinh phải viết một đơn dự tuyển trong 30 phút, nêu rõ lý do chọn trường, chọn ngành và kế hoạch, mục tiêu học tập. Đơn được viết tự do, không theo bất kỳ mẫu nào, thể hiện kỹ năng viết và trình bày của thí sinh. Ngoài ra, thí sinh phải vận dụng kiến thức của mình để nêu ý kiến (trong khoảng 300 - 600 từ) về một vấn đề cụ thể trong thực tiễn xã hội đương đại hoặc thực tiễn ngành nghề. Bài luận này thực hiện trong 90 phút, ngay khi thí sinh đến trường nộp hồ sơ hoặc vào một thời điểm khác (do thí sinh đăng ký trong một khoảng thời gian do nhà trường quy định).
Các phương án tuyển sinh đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng kể trên đều bám sát yêu cầu của Bộ GD-ĐT và có kèm theo ngưỡng chất lượng tối thiểu. Chậm nhất đến ngày 10-3-2014, thời điểm các thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi, Bộ sẽ công bố các đề án đáp ứng được yêu cầu và có thể áp dụng trong năm 2014.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.