Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa dạng hình thức hoạt động

Thuận Thi| 26/04/2011 07:01

(HNM) - Đồng hành với Báo Hànộimới đã 7 năm, đến nay Công ty BAT Việt Nam đã cùng Hànộimới triển khai nhiều dự án nhân đạo cho nông dân nghèo vay vốn không lấy lãi để phát triển sản xuất; hỗ trợ những gia đình bị thiên tai; tuyên truyền phòng, chống buôn lậu qua biên giới và xóa "cầu khỉ" tại các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Từ hỗ trợ sản xuất...

Tháng 4 năm 2004, BAT chính thức cùng Báo Hànộimới triển khai dự án "Quỹ hỗ trợ giảm nghèo" đầu tiên tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. 83 hộ dân của các xã nghèo nhất huyện được vay tiền mua bò. Sau 4 năm thu hồi dự án, nhiều hộ nhờ đó đã bớt khó khăn. Từ thành công ban đầu, hai bên tiếp tục hợp tác để phát triển dự án tại các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Điện Biên, Quảng Ninh, xã Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội). Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án và các địa phương thì "dự án có nhiều yếu tố ưu việt mà hầu hết các địa phương chưa từng có cơ hội tiếp cận". Ở những nơi thực hiện dự án, nhận thức của người dân được nâng lên. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững và cũng nhờ đó nhiều trẻ nhỏ tiếp tục được đến trường, không phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

... đến xóa "cầu khỉ" và phòng, chống buôn lậu

Sau 6 năm thực hiện các dự án "Quỹ hỗ trợ giảm nghèo", đầu năm 2010, BAT và Hànộimới đã cải thiện hình thức thực hiện dự án sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế ở từng địa phương. Lần này, dự án được thực hiện ở 4 tỉnh miền Tây Nam bộ là Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Long An và 1 tỉnh ở miền Trung là Quảng Trị. Sau nhiều tháng khảo sát và chọn lựa, cuối cùng chúng tôi quyết định, tại Kiên Giang và Cà Mau là hỗ trợ không hoàn lại để giúp địa phương thực hiện chương trình xóa "cầu khỉ". Đó là 5 cây cầu: 2 cây ở Cà Mau và 3 cây ở Kiên Giang. Những địa điểm xây cầu đều gần trường học (nhằm hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ khi phải đi trên những cây cầu khỉ), giao thông không thuận lợi. Ông Bùi Đặng Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho biết: "Người dân ở các địa phương được xây cầu rất phấn khởi, bởi họ và con em không còn phải đi "cầu khỉ" nữa.

Còn với 3 địa phương có các xã giáp biên giới được vay vốn cũng có những nét mới: đó là lồng ghép việc giáo dục người dân về Luật Biên giới, Luật Phòng, chống buôn lậu qua biên giới... nhằm trang bị cho họ những kiến thức góp phần nâng cao ý thức bảo vệ đường biên và hạn chế việc buôn lậu qua biên giới.

Tại tỉnh Quảng Trị, dự án đã kết hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo. Thiếu tá, Đồn trưởng Trần Xuân Lạn cho hay, biên phòng cửa khẩu đã mở nhiều lớp nói chuyện, tập huấn giúp người dân hiểu rõ hơn về luật pháp. Với 16,5km đường biên, trong đó có 10,5km đường sông và 6km trên bộ thì việc giáo dục này đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng buôn lậu trên sông và trên bộ. Ở các địa phương như Long An, An Giang, dự án cũng phát huy hiệu quả, vừa giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vừa nâng cao nhận thức và hạn chế được tình trạng buôn lậu.

Hơn 4 tháng thực hiện, tính hiệu quả của dự án được khẳng định sẽ là cơ sở để BAT và Hànộimới quyết định tiến hành những chu kỳ tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hình thức hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.