Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

Hà Phong| 19/12/2019 14:32

(HNMO) - Sáng 19-12, Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Tham dự còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo các bộ, ngành. Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn và các đại biểu của thành phố tham dự.

Theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL được nâng lên, công tác tuyên truyền ngày càng đa dạng. Đến nay, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức 60 đoàn kiểm tra tại các bộ, ngành, địa phương.

Kết quả cho thấy, ở cấp cơ sở, ngày càng có nhiều hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực như: Phổ biến pháp luật trực tiếp tại hội nghị; ứng dụng công nghệ thông tin; tư vấn, hướng dẫn thông qua trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; qua câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác; PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Toàn quốc đã tổ chức 211.663 cuộc thi tìm hiểu pháp luật qua hình thức trực tuyến, thi viết, sân khấu hóa, thi trắc nghiệm, vấn đáp với 193.008.539 lượt người tham dự.

Tuy nhiên, báo cáo tổng kết cũng chỉ rõ, ở một số cơ quan, tổ chức, chưa xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, thậm chí còn bị cho là nhiệm vụ của chính quyền các cấp hoặc của riêng ngành tư pháp.

Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL ở các cấp, các ngành mặc dù đã được củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới.

Việc định hướng nội dung PBGDPL đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn, có lúc chưa trọng tâm, trọng điểm. Trong chương trình làm việc, các bộ, ngành, địa phương đã cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có những tác động nhất định đối với nền kinh tế - xã hội cả nước, các bộ, ngành, địa phương thời gian tới tích cực xây dựng, hoàn thiện chính sách; xác định đúng đắn, đầy đủ vai trò tham mưu quản lý nhà nước gắn với điều phối các hoạt động của ngành tư pháp, của tổ chức pháp chế bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên môn thuộc UBND trong quá trình phổ biến pháp luật.

Cùng với đó, các bộ, ngành cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL chất lượng, hiệu quả, bảo đảm cho công tác này ngày càng thực chất, có chiều sâu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nhân dịp này, 16 tập thể, 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.