(HNM) - Rừng đặc dụng (RĐD) có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và các hệ sinh thái tự nhiên ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, RĐD còn góp phần quan trọng trong việc ứng phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Tuy nhiên, việc tổ chức, quản lý hệ thống RĐD còn không ít vấn đề. Ngày 28-2, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 117/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống RĐD.
Hài hòa lợi ích
Theo thống kê của Tổng cục Kiểm lâm, hiện cả nước có trên 13 triệu hécta rừng, hệ thống RĐD bao gồm 164 khu, trong đó có 30 vườn quốc gia, 69 khu bảo tồn thiên nhiên, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng cả trên cạn, đất ngập nước và ven biển. TS Ngô Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Kiểm lâm) cho biết, hiện các khu RĐD đều bị suy thoái ĐDSH ở những mức độ khác nhau. Các hoạt động khai thác gỗ, thu hái lâm sản, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đã dẫn đến tình trạng nhiều loài quý hiếm sống trong rừng đang giảm sút hoặc có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. TS. Hà Công Tuấn, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, vấn đề đáng lưu ý hiện nay là công tác tổ chức và quản lý các khu RĐD không thống nhất, phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý chưa rõ ràng. Chính sách quản lý, đầu tư RĐD trong cả nước hiện nay còn thiếu nhất quán và đồng bộ.
Thực tế, hệ thống RĐD phân bố ở hầu hết vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất và đời sống dân cư nơi đây còn nhiều khó khăn. Để sớm hình thành và phát triển bền vững các khu RĐD đòi hỏi phải có khung pháp lý đặc thù về cơ chế chính sách. Theo ông Hà Công Tuấn, chỉ khi có khung pháp lý như vậy thì RĐD mới phát triển các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, hệ sinh thái, ĐDSH, nguồn gen sinh vật, văn hóa, cảnh quan. Đồng thời, góp phần cung ứng dịch vụ môi trường rừng, góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của BĐKH và bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Trước những bất cập trên, sự ra đời của Nghị định 117/NĐ-CP của Chính phủ được coi là giải pháp hữu hiệu để tổ chức, quản lý, phát triển RĐD trong hoàn cảnh hiện nay. Nói như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị, Nghị định 117/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành là dấu mốc quan trọng về chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc quản lý hệ thống RĐD. Đồng thời, bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với công ước quốc tế; khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các quy định về quản lý tài nguyên thiên nhiên; gắn quyền lợi, lợi ích của các bên liên quan cũng như thúc đẩy sự hợp tác và phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo PGS.TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, mối quan hệ giữa RĐD và BĐKH rất chặt chẽ. RĐD có thể giảm thiểu BĐKH bằng cách hấp thụ carbon và ngược lại có thể thúc đẩy nhanh quá trình BĐKH nếu chúng bị suy thoái hay tàn phá. RĐD là nơi ngăn cản những thảm họa thiên nhiên, có nguồn tài nguyên bền vững. Đặc biệt, nếu phát triển tốt RĐD sẽ bảo vệ con người trước những diễn biến bất ngờ của khí hậu, hạn chế lũ lụt, hạn hán và nhiều tai họa từ thiên nhiên. "Một cách gián tiếp, RĐD góp phần hỗ trợ nền kinh tế thích ứng với BĐKH bằng cách giảm giá thành của những tác động tiêu cực liên quan đến khí hậu." - ông Lê Xuân Cảnh nhấn mạnh. Thực tế, nếu khu vực sống tự nhiên của một quốc gia bị ảnh hưởng do BĐKH thì kinh tế của nước đó cũng sẽ bị thiệt hại. Đơn cử như ở nước ta, theo dự báo khi nước biển dâng cao 1m vào năm 2100 sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng cho những vùng đất thấp ở phía nam châu thổ sông Mê Công và phía bắc châu thổ sông Hồng. Riêng châu thổ Mê Công có khoảng 1,7 triệu hécta đất sẽ bị nhiễm mặn, lượng nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất sẽ thiếu nghiêm trọng.
RĐD có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp: cung cấp nước cho sản xuất, là kho dự trữ nguồn tài nguyên di truyền, đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ có giá trị cho người dân địa phương có rừng. Những giá trị chúng ta có thể nhìn thấy như, RĐD giúp tái tạo đất, chu trình dinh dưỡng… Những dịch vụ đó khó có thể lượng hóa nhưng giá trị nó mang lại rất to lớn. Ông Lê Xuân Cảnh lấy ví dụ, khi số lượng chim tăng thì số lượng châu chấu giảm vì chim sử dụng châu chấu làm thức ăn. Điều đó góp phần giảm thiểu một tác hại cho ngành nông nghiệp. Trước những tác động tích cực đó, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị yêu cầu các địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể; các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; các nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế hãy thể hiện những hành động cụ thể, thiết thực góp phần vào việc bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH hệ sinh thái rừng nói chung và RĐD nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.