(HNMO) - Sáng 9-8, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến với các quận, huyện, thị xã. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và các thành viên Ban Chỉ đạo.
Mới lấy được hơn 1000 mẫu xét nghiệm RT- PCR
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, giai đoạn 2 ghi nhận 29 ca mắc, trong đó có 22 trường hợp cách ly chưa ra cộng đồng (21 bệnh nhân trở về từ Guinea Xích đạo, 1 bệnh nhân tại khu cách ly tập trung) và 7 bệnh nhân (BN) mắc mới ngoài cộng đồng: BN447, BN459, BN714, BN751, BN752, BN785, mới nhất là BN812 (là F1 của BN447) - nhân viên giao hàng tại cửa hàng pizza.
Phân tích cụ thể về ca bệnh 812, ca thứ phát từ BN 447, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, BN này có thời gian tiếp xúc trong 9 ngày với BN 447, từ ngày 16-7 đến 24-7, trong đó quan trọng nhất là ngày 23 và 24-7, ngày BN 447 khởi bệnh. " Đây là thế hệ thứ 2 liên quan đến người từ Đà Nẵng về cho thấy nguy cơ lây lan bệnh là cao", ông Khổng Minh Tuấn nhận định.
Về các hoạt động phòng, chống dịch, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, đến nay thành phố đã rà soát được 366 trường hợp F1, đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, có kết quả 305 trường hợp (trong đó 304 mẫu âm tính và 1 mẫu dương tính là BN812). Tổng số F2 là 1.993 người, đang được cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục rà soát những người từ Đà Nẵng về, hiện là 98.160 người, trong đó có 74.167 người đi từ ngày 15-7. Hiện số người cách ly tập trung là 1.489 người.
Thông tin về việc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR trong ngày 8-8, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đã lấy được 1.024 mẫu. Theo CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cấp thêm 2000 kít xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, cùng với 9.000 kít do Bệnh viên Tâm Anh tài trợ, Hà Nội hiện có 11000 kít để triển khai công tác lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.
Người từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7 đến nay phải chờ kết quả xét nghiệm khẳng định mới hết cách ly
Về việc khoanh vùng, rà soát các trường hợp liên quan đến những ca bệnh mới, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương thông tin thêm về trường hợp BN812 (F1 của BN714). Hiện người thân của bệnh nhân này trở thành F1, đã cho tiến hành cách ly tập trung. Ngoài ra, quận đã cho khoanh vùng, điều tra số người liên quan đến bệnh nhân này, tiến hành phun khử khuẩn khu vực bệnh nhân sống.
Liên quan đến BN714, quận Bắc Từ Liêm đã rà soát được 15 trường hợp F1, 197 trường hợp F2, đã thực hiện cách ly theo quy định. Quận đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR, 100% âm tính. Hiện, quận Bắc Từ Liêm có 4.393 người đi từ Đà Nẵng về, đã tiến hành lấy xét nghiệm RT-PCR những người đi từ ngày 15-7, hiện chưa có kết quả.
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh thông tin, quận đã rà soát được 54 trường hợp F1. Các trường hợp đi từ Đà Nẵng về là 6.074 người, số người đi từ ngày 15-7 là hơn 4.000 người. Quận đã tiến hành lấy được 241 mẫu xét nghiệm RT-PCR.
Liên quan đến BN751 (Quân chủng Phòng không - Không quân), Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, quận đã rà soát 180 trường hợp liên quan đến bệnh nhân này. Hiện có 8 trường hợp đang cách ly tại Quân chủng Phòng không - Không quân; có 4 trường hợp F1 ở ngoài doanh trại do quận quản lý đang được cách ly tập trung; 148 trường hợp F2 đã được cách ly tại nhà. Đến 17h ngày 8-8, quận đã lấy đủ 100 mẫu RT-PCR.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện quận Hà Đông cho biết, đã rà soát thêm được 5 trường hợp F1 của các ca bệnh mới, lấy mẫu và đang chờ kết quả. Hà Đông đã thực hiện cách ly 79 người tại Khách sạn Mường Thanh và chuẩn bị có 29 người hết thời gian cách ly.
Các quận, huyện: Hoàng Mai, Phúc Thọ, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai... cũng thông tin, đã tập trung rà soát, khoanh vùng các trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca bệnh; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, cách ly đúng quy định. Các địa phương cũng bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch tại các điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý lưu ý, các địa phương, đơn vị cần tập trung làm 3 việc: Rà soát, truy vết các trường hợp F1, F2; tiến hành tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm RT-PCR; thực hiện nghiêm túc việc cách ly. Những trường hợp từ Đà Nẵng về từ 15-7 đến nay, chưa qua đủ 14 ngày thì phải cách ly theo quy định; với những người đã cách ly đủ 14 ngày nhưng chưa có kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định âm tính thì vẫn phải tiếp tục cách ly, khi nào có kết quả âm tính mới có thể tạm yên tâm.
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, khoanh vùng trên tinh thần bình tĩnh nhưng không chủ quan
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung biểu dương nỗ lực của các quận, huyện, Ban Chỉ đạo các cấp đã nghiêm túc thực hiện triển khai các công việc phòng, chống dịch như chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, Thường trực Thành ủy... Đồng chí Nguyễn Đức Chung đánh giá, tình hình dịch tại Việt Nam và Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Hiện dịch đã lan ra hơn 40 tỉnh, thành phố; có 10 trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, có 7 ca mắc mới, có lịch trình di chuyển phức tạp tại cộng đồng. Đặc biệt, ca bệnh mới (bệnh nhân 812) là trường hợp thứ phát, lây từ BN447, đã 2 lần xét nghiệm RT-PCR âm tính, lần thứ ba phát hiện dương tính.
"Dịch ngày càng phức tạp, điều này đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn, tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ hơn, cần phải chạy đua với thời gian trong việc khoanh vùng, dập dịch", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Từ những đánh giá, nhận định trên, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các quận, huyện, thị xã phải tổ chức mua sắm đủ vật tư y tế cho các cơ sở y tế địa phương. Địa phương nào chưa kịp mua sắm thì liên hệ với CDC Hà Nội để nhận dụng cụ y tế như găng tay, bảo hộ, sát khuẩn... Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tập trung rà soát các trường hợp F1, F2 của tất cả bệnh nhân trên địa bàn Hà Nội và các trường hợp bệnh nhân các tỉnh, thành khác có đi đến Hà Nội. Tất cả trường hợp F1 phải lập tức cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ngay khi cách ly và trước khi hết thời hạn cách ly 14 ngày; F2 phải được theo dõi, cách ly tại nhà và cũng được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, lúc này công tác lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR rất quan trọng để có thể kịp thời phát hiện ca bệnh, ngăn chặn nguồn lây. Hiện nay, ngoài CDC Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã liên hệ được 4 bệnh viện của trung ương có thể tiến hành xét nghiệm RT-PCR là: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Nhi, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương 2.
"Tất cả trường hợp đi Đà Nẵng về từ ngày 15-7 phải được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Tất cả trường hợp từ ngày 7-7 đến 15-7 thì lấy mẫu máu để xét nghiệm Elisa", đồng chí Nguyễn Đức Chung chỉ đạo.
Chủ tịch UBND thành phố giao Công an thành phố Hà Nội tiếp tục quản lý xuất nhập cảnh; xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang. Sở Y tế Hà Nội đôn đốc các bệnh viện trên địa bàn quản lý chặt chẽ công tác phân luồng khám, chữa bệnh, đặc biệt tại các khoa có trường hợp bệnh nền nặng, như: Chạy thận, đái tháo đường...; bảo đảm đủ trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch. Các bệnh viện phải kiểm soát người thăm thân, chỉ cho một người nhà vào chăm bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa người vào thăm.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền cài đặt phần mềm Bluezone để quản lý, xác định trường hợp tiếp xúc; nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng; tất cả toà nhà chung cư, trung tâm thương mại, cửa hàng, cơ quan phải có nước khử khuẩn, đo thân nhiệt...
Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý, hôm nay và ngày mai (10-8) là cao điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các địa phương cần tập trung bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các điểm thi. Các đơn vị cần tập hợp số liệu về công tác thi gửi Văn phòng UBND thành phố để báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Không loại trừ khả năng thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát hiện các ca bệnh mới. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, khoanh vùng trên tinh thần bình tĩnh nhưng không chủ quan, lo lắng. Ca bệnh ở đâu thì nhanh chóng truy vết, dập dịch tại đó. Phấn đấu từ ngày 15 cho đến 20-8 có thể khoanh vùng dập dịch được", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.