(HNMO) - Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, chỉ xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các trang trại, hộ dân tập trung tái đàn, tăng đàn.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tại hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3-9.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước xảy ra 66 ổ dịch do vi rút cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 tại 23 tỉnh, thành phố; số gia cầm phải tiêu hủy là gần 200.000 con (chiếm 0,39% tổng đàn gia cầm của cả nước).
Đối với bệnh Dịch tả lợn châu Phi, năm 2020 có 1.008 ổ dịch (bao gồm 531 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019, 27 ổ dịch phát sinh mới, 450 ổ dịch tái phát) tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 43.150 con lợn, tương đương khoảng 2.157 tấn. Hiện nay, cả nước có 199 xã thuộc 72 huyện của 19 tỉnh, thành phố có bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Đã có 98% số xã công bố hết bệnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong 8 tháng qua, cả nước đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; đặc biệt, hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, chỉ xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các trang trại, hộ dân tập trung tái đàn, tăng đàn.
Từ nay đến cuối năm 2020, nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất cao do thời tiết thay đổi; tổng đàn gia súc, gia cầm gia tăng, mật độ chăn nuôi cao; việc vận chuyển giữa các địa phương tăng lên; tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến, mầm bệnh còn tiềm ẩn trong môi trường..., các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo rà soát, tiêm phòng cho đàn vật nuôi; tổ chức giám sát, cảnh báo nguy cơ các bệnh nguy hiểm như bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng...
Các địa phương triển khai tháng sát trùng, vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin bệnh Dịch tả lợn châu Phi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.