Theo dõi Báo Hànộimới trên

Da cam - nỗi đau không nguôi

Nguyễn Linh| 23/07/2011 06:52

(HNM) - Nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2011), từ ngày 26-7 đến 26-8, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Thư viện Quân đội, Bảo tàng Hóa học, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trưng bày chuyên đề


Hơn 300 hiện vật cùng với hàng trăm tác phẩm, công trình nghiên cứu, sách, báo chí, tài liệu, báo cáo, luận văn… đã nói lên phần nào về nỗi đau dai dẳng suốt nửa thế kỷ qua, nay vẫn đang hàng ngày, hàng giờ hành hạ nạn nhân chất độc hóa học.


Một bức ảnh tại triển lãm về hai em Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Thị Quyên bị dị tật do di chứng chất độc da cam, hiện đang sống tại Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM

Lần trưng bày này, triển lãm sách báo tuyển chọn hơn 300 tác phẩm, sách, báo chí, công trình nghiên cứu khoa học, luận văn, báo cáo khoa học… chia làm 3 phần: Thảm họa da cam, Chiến tranh hóa học và hậu quả, Tài liệu, sách báo nước ngoài về chất độc da cam ở Việt Nam. Qua phần triển lãm, có thể cảm nhận hàng loạt nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam, ở nhiều thế hệ, ở nhiều vùng miền, những nỗi đau không thể bày tỏ bằng lời. Người xem gặp lại gia đình CCB Đỗ Đức Địu - cựu TNXP Nguyễn Thị Nức (ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Thời tuổi trẻ, họ sôi nổi lên đường chống Mỹ cứu nước. Đến khi lập gia đình, khát vọng về những đứa con khỏe mạnh của họ đã liên tục bị hành hạ, giày vò. Sinh 15 người con thì 14 người bị chất độc da cam làm cho biến dạng, què quặt, thành ngớ ngẩn, thiểu năng trí tuệ. Hai vợ chồng người CCB ấy đã 12 lần đau đớn đào cát tự tay chôn những đứa con dị dạng, không được làm người. Phần còn lại của cuộc đời, họ dành để chăm sóc 2 người con tật nguyền. Chiến tranh đã qua đi từ lâu lắm, nhưng nỗi đau, bệnh tật do chất độc da cam vẫn hằng ngày giày vò các thế hệ. Vợ chồng anh chị Địu - Nức rất lo, khi họ nhắm mắt xuôi tay, ai sẽ là người chăm lo cho 2 đứa con đau yếu, dại khờ, ai sẽ hương hỏa cho những đứa con thiệt phận đang nằm ngoài bãi cát? Thời gian đang trôi đi và họ vẫn đang khắc khoải. Cùng với nỗi đau thương tật chiến tranh, họ đang chạy ngược chạy xuôi nuôi dưỡng những đứa con, đứa cháu dị tật. Rất nhiều người vẫn vượt mọi khó khăn, lặng lẽ cống hiến cho đời. Trên rất nhiều báo, chí, tài liệu… các tổ chức chính trị, xã hội, từ thiện nhân đạo đã dành tình cảm, sự chăm sóc nạn nhân chất độc da cam.

Sau hơn hai tháng trực tiếp sưu tầm, tuyển chọn, Thiếu tá, Trợ lý Phòng trưng bày - tuyên truyền (Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) Thành Minh Tuấn cho biết, có hai phần trưng bày: hiện vật và triển lãm sách báo. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hoàn thành phần trưng bày chứng tích chiến tranh với hơn 300 hiện vật lớn, gồm tranh, ảnh, sản phẩm… chia làm 3 phần: Quân đội Mỹ gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam, Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc da cam, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Nửa thế kỷ đã trôi qua, chứng tích về nỗi đau da cam vẫn còn rất nhiều, bảo tàng chỉ lựa chọn một phần tiêu biểu từ những hiện vật có sẵn, với sự giúp sức của Bảo tàng Hóa học và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Theo thiếu tá Thành Minh Tuấn, trưng bày lần này có nhiều tư liệu lần đầu tiên được ra mắt công chúng. Trong đó có tài liệu tuyệt mật của Phòng 3 Bộ tổng tham mưu quân lực Việt Nam cộng hòa mang tên Chương trình và kế hoạch khai quang của quân lực Việt Nam cộng hòa niên khóa 1969, tấm bản đồ triển khai kế hoạch khai quang thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, có chữ ký của tỉnh trưởng tại các mục tiêu phun rải chất độc hóa học trên bản đồ. Đây là những vật chứng tố cáo tội ác hủy diệt môi trường của Mỹ tại Việt Nam đã được thế giới gọi đích danh là "thảm họa chất độc hóa học lớn nhất của loài người".

Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống diện tích 3,06 triệu hécta, trên gần 26.000 thôn, bản của người Việt Nam. Rừng bị hủy diệt nặng nề. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người, làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Da cam - nỗi đau không nguôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.