(HNMO) – Một ngày sau hạn chót của tòa án, ông Lula đồng ý ra trình diện trước cảnh sát nhưng vẫn khẳng định bản thân vô tội và gọi cáo buộc tham nhũng là tội ác chính trị.
“Tôi sẽ làm theo lệnh của tòa. Tôi không đứng trên pháp luật. Nếu không tin vào luật pháp, tôi đã phát động một cuộc cách mạng, thay vì thành lập một đảng chính trị”, cựu Tổng thống Lula nói với đám đông ủng hộ tại thành phố Sao Bernardo do Campo (bang Sao Paulo).
Việc ông Lula “đầu hàng cảnh sát” đã loại khỏi chính trường Brazil nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất, cũng là ứng viên hàng đầu cho cương vị Tổng thống nước này tại cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 10 năm nay. Theo giới phân tích và các nhà chính trị, vấp ngã của cựu Tổng thống 72 tuổi làm tăng cơ hội đắc cử đối với các ứng viên theo chủ trương ôn hòa.
Cựu Tổng thống Brazil ra trình diện cảnh sát theo lệnh của tòa nhưng vẫn khẳng định vô tội. Ảnh: Reuters |
Ông Lula là cựu Tổng thống Brazil bị truy tố và kết án hồi tháng 7 năm ngoái vì nhận 1,1 triệu USD tiền hối lộ từ Công ty xây dựng OAS. Tới đầu năm 2018, tòa án tiếp tục đưa vụ việc ra xét xử và tuyên án 12 năm tù giam đối với ông Lula.
Ngày 5-4, thẩm phán liên bang Brazil phát lệnh bắt giam đối với cựu Tổng thống Lula vì tội danh tham nhũng. Lệnh nêu rõ ông Lula có hạn chót để “đầu hàng cảnh sát” vào lúc 5 giờ chiều ngày 6-4 (theo giờ địa phương), tại thành phố Curitiba ở phía Nam nước này.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Brazil đến thời hạn vẫn không xuất hiện. Thay vào đó, ông tiếp tục ở lại thành phố Sao Bernardo do Campo (bang Sao Paulo), cũng là địa điểm diễn ra cuộc biểu tình của các nhóm ủng hộ cựu Tổng thống 72 tuổi.
Không lâu trước hạn chót, Tòa án tối cao Brazil đã bác đơn xin tại ngoại trong thời gian kháng cáo của ông Lula, theo CNN. Tòa cũng ra lệnh cựu Tổng thống phải chấp hành án 12 năm tù ngay lập tức, hình phạt có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của người từng nắm quyền điều hành đất nước giai đoạn 2003-2011.
Theo Luật Bầu cử Brazil, một ứng viên sẽ bị cấm ra tranh cử Tổng thống trong thời hạn 8 năm nếu bị kết luật có tội. Trong quá khứ từng xuất hiện vài trường hợp ngoại lệ và quyết định cuối cùng thuộc về Tòa Bầu cử tối cao Brazil.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.