Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cứu sống bé trai 10 tháng tuổi ngạt nước trong khoảng 10 phút

Tuệ Diễm| 06/11/2015 14:40

(HNMO) - Đây là một trong những trường hợp hy hữu được cứu sống, do thời gian trẻ bị ngâm trong nước quá lâu.


Sáng 6-11, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Nhi đồng 1 - TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi H.Đ.H.P bị ngã vào xô nước, người tím tái, hôn mê sâu. Ngay lập tức ê kíp đã tiến hành cấp cứu bằng cách bóp bóng để bệnh nhân dễ thở. Sau đó tiến hành hút đàm nhớt mũi miệng, đặt ống nội khí quản, chống co giật, và dùng thêm thuốc kháng sinh điều trị kháng viêm”. 

Sau một tuần nằm viện điều trị, đến nay sức khỏe cháu P đã ổn định, hiện bé trai đã tỉnh. Khi nhập viện bé phải dùng máy thở, hiện tại bệnh nhân đã được bác sĩ cho cai máy thở.

Cháu P đã tỉnh táo nhưng vẫn phải nằm điều trị trong phòng cách ly.


Trước đó vào ngày 29-10, bé P 10 (chưa biết đi) nằm chơi ở nền nhà, mẹ cháu P tranh thủ đi nấu ăn, cháu P đã tự bò vào nhà vệ sinh, mò mẫn vào xô nước và té lộn đầu vào trong xô đang chứa nước. Khoảng 10 phút sau, mẹ cháu P chạy ra thì không thấy con, chạy vào nhà vệ sinh thì phát hiện P bị té vào xô nước. Do mất bình tĩnh, thay vì phải hà hơi, thổi ngạt và ấn ngực cấp cứu cho con, mẹ cháu P đã ấn vào bụng và dốc ngược con để tìm cách đẩy nước ra ngoài. Sau một hồi cháu P vẫn bất tỉnh và không có phản ứng, chị mới kêu cứu và được hàng xóm chạy đến ấn tim, hô hấp nhân tạo cho bé và đưa đến bệnh viện quận, sau đó bệnh nhi được chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 1.

Bác sĩ Tiến cho biết, hàng năm bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận cấp cứu nhiều ca tai nạn trẻ bị ngạt nước trong các trường hợp: Trẻ bị ngã vào xô, chậu nước, bồn cầu, té giếng, và các miệng cống. Đa số trẻ bị cấp cứu sai cách.

Bác sĩ Tiến cho biết, đối với trường hợp ngạt nước, phụ huynh phải cấp cứu bằng cách ấn tim, hà hơi thổi ngạt, không phải ấn vào bụng vì lúc này nạn nhân đã uống no nước, ấn vào bụng sẽ làm dịch vị dạ dày trào ngược gây nguy hiểm. Đối với trẻ từ 1- 8 tuổi ta chỉ dùng 1 bàn tay của người lớn, ấn 30 lần sau đó tiến hành hô hấp 2 cái, rồi lại lặp lại quy trình. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân có dấu hiệu phản ứng lại, hoặc không tỉnh lại cũng phải lập tức đưa đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cứu sống bé trai 10 tháng tuổi ngạt nước trong khoảng 10 phút

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.