Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cứu ngay kẻo mất

Minh Ngọc| 10/08/2011 06:51

(HNM) - Đời sống, nếp sinh hoạt, phong tục tập quán… của dân tộc thiểu số Ba Vì mang những sắc thái riêng, tạo nên sức hấp dẫn và sự phong phú cho văn hóa Thủ đô nhưng đáng tiếc là nét văn hóa đặc sắc này đang bị mai một...

Biểu diễn cồng chiêng của Đội văn nghệ xã Minh Quang (huyện Ba Vì). Ảnh: Lê Hoàn



Thực trạng báo động

Bản sắc văn hóa của các dân tộc là một khái niệm khá trừu tượng và những biểu hiện bên ngoài như tiếng nói, chữ viết, trang phục, công cụ lao động, nghi lễ, phong tục, tập quán, thiết chế văn hóa… là những sắc thái văn hóa. Với 7 xã miền núi huyện Ba Vì, dù là cảm nhận hay cân, đo, đong, đếm, tất thảy đều có chung một kết luận là bản sắc văn hóa các dân tộc đang bị mai một, lẫn lộn, hòa trộn với văn hóa của người Kinh.

Xã Minh Quang vừa thực hiện một cuộc khảo sát và kết quả cho thấy, toàn xã chỉ có 98 trong số hơn 8.000 người DTTS vẫn sử dụng trang phục truyền thống, còn lại đều mang trang phục người Kinh. Nhà sàn - một nét văn hóa độc đáo của người Mường ở Minh Quang cũng không còn nữa, thay vào đó là nhà mái bằng hay nhà ngói đỏ tươi. Tương tự, xã Yên Bài trước đây rộn rã tiếng cồng chiêng mỗi dịp tết đến, xuân về, hay khi bản làng có lễ hội thì nay vào những dịp này phải mời đội cồng chiêng ở xã Ba Trại sang biểu diễn. Trang phục, tiếng nói, nhà sàn của người Mường ở Yên Bài hôm nay chỉ còn là hoài niệm. Khi đề cập đến những vấn đề thuộc về bản sắc dân tộc mình, ông Khuất Cao Nhuệ, cán bộ văn hóa xã Yên Bài ngậm ngùi: "Nhìn đồng bào háo hức xem cồng chiêng, biểu lộ cảm xúc theo tiếng nhạc, rồi rất nhiều người ngẩn ngơ, tiếc nuối, trầm trồ trước những ngôi nhà sàn "cách tân" mới được dựng lên tôi rất đau lòng". Ông Nhuệ cho biết thêm, Yên Bài từng được coi là điểm sáng văn hóa của người Mường ở Ba Vì, nhưng hiện nay số người mang trang phục dân tộc trong ngày lễ, tết không quá con số 100, gần một nửa số dân không bao giờ dùng tiếng dân tộc nữa… Ngay ở xã Khánh Thượng, xã xa nhất của thành phố Hà Nội, hiện còn lưu giữ được hai đội cồng chiêng, nhưng không đủ bộ và số người biết chơi cũng không nhiều. Nét sinh hoạt văn hóa của người Dao ở xã Ba Vì thì còn đậm hơn với tết nhảy, lễ cấp sắc… nhưng tiếng nói và chữ viết cũng đang bị mai một.

Khẩn cấp bảo tồn

Trước thực trạng trên, huyện Ba Vì đã giao cho Phòng Dân tộc khảo sát, đánh giá, nghiên cứu về bản sắc văn hóa ở 7 xã miền núi, gồm: Tản Lĩnh, Ba Trại, Yên Bài, Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa và Ba Vì. Dựa trên kết quả nghiên cứu, huyện đang xây dựng "Đề án bảo tồn bản sắc văn hóa DTTS huyện Ba Vì đến năm 2015 và những năm tiếp theo". Một trong những nội dung cơ bản của đề án là khôi phục không gian sinh hoạt văn hóa, tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán cho đồng bào.

Theo ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì, mỗi xã sẽ có 2-3 nhà sàn, không phải để ở mà là "bảo tàng", là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào. Ở đó, mỗi dịp tết đến, xuân về, hội làng, hội xóm sẽ tưng bừng các trò chơi dân gian, sẽ có hát đối, nhảy sạp, sẽ rộn rã tiếng cồng chiêng, người già dạy trẻ em nói tiếng dân tộc, chơi nhạc cụ của dân tộc mình. Đây cũng sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu các nhạc cụ, công cụ lao động sản xuất, trang phục dân tộc...

Khi biết có những dự án này, người dân các xã tỏ ra rất hào hứng. Ông Nguyễn Quang Khang, cán bộ văn hóa xã Khánh Thượng nhận định: "Hiện nay, đồng bào đã có ý thức gìn giữ, phát huy nhưng không còn nhiều để gìn giữ. Nếu được khôi phục, tôi tin những thứ đã mất sẽ sớm trở lại với cộng đồng". Lạc quan với tính khả thi của các dự án, song ông Lê Khắc Nhu vẫn thấy lo lắng bởi nguồn kinh phí dành cho các dự án không nhỏ. Nỗi lo này rất thật nhưng liệu có đáng để người DTTS phải lo? Câu trả lời xin được dành cho các cơ quan quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cứu ngay kẻo mất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.