(HNM) - 10 ngày sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) công bố kế hoạch chi tiết về vấn đề người di cư, cuộc tranh cãi
Vấn nạn người nhập cư bất hợp pháp đang gây tranh cãi trong EU. |
Theo kế hoạch của EC, tất cả 28 nước thành viên, bao gồm cả Anh, sẽ phải tiếp nhận 40.000 người tị nạn đến từ Syria và Eritrea, hiện đang lưu trú tại Italia và Hy Lạp, những nước cửa ngõ vào Cựu lục địa đang phải gồng mình để đối phó với làn sóng người nhập cư trái phép. Theo đó, những người tị nạn Syria và Eritrea đến Italia và Hy Lạp sau ngày 15-4 năm nay sẽ được đưa tới các nước thành viên EU trong vòng 2 năm. Việc phân bổ người tị nạn dựa vào 4 tiêu chí gồm: Tổng sản lượng quốc gia (GNP), dân số, tỷ lệ thất nghiệp và số người yêu cầu tị nạn đã đăng ký tại nước đó. Ngoài ra, EC cũng đề nghị các nước thành viên tiếp nhận 20.000 người đến từ các nước thứ ba thực sự có nhu cầu nhận được sự bảo vệ từ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, kế hoạch đầy tính nhân văn của EC này đã vấp phải sự phản đối không hề nhẹ từ phía các nước thành viên trong EU. Ngay từ đầu, Anh đã thẳng thừng tuyên bố không tham gia chương trình này. Theo Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế Anh, ông Justine Greening, việc tiếp nhận số người nhập cư sẽ khuyến khích làn sóng di cư trái phép sẵn sàng lênh đênh vượt biển để mong thay đổi cuộc sống. Ngoài ra, số người nhập cư vào Anh mỗi năm có thể tăng gấp đôi, từ mức 30.000 người/năm hiện nay lên hơn 60.000 người/năm - ngang với nước láng giềng như Pháp. Đức và Pháp sẽ phải tiếp nhận gần 40% số người di cư cũng không mặn mà gì với kế hoạch này. Mặc dù không phản ứng gay gắt như Anh nhưng tuyên bố chung của Bộ trưởng Nội vụ Pháp và Đức cũng kêu gọi thảo luận sâu trên toàn EU nhằm cân đối hai nguyên tắc "trách nhiệm" và "sự chia sẻ" trong vấn đề tiếp nhận người di cư. Theo Thủ tướng Pháp Manuel Valls, EU cần phải đi xa hơn bằng việc tạo ra một hệ thống kiểm soát biên giới Châu Âu, bởi nếu không thì giải pháp trả người tị nạn lại quê nhà cũng không hiệu quả vì họ vẫn có thể tiếp tục đưa tiền cho các tổ chức buôn người để được vượt biên lần nữa.
Ngay cả những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu như Anh, Pháp, Đức còn thấy lao đao trước con số người nhập cư phải tiếp nhận thì việc các nước được xếp vào hạng nghèo nhất của EU như Hungary, Romania "giãy nảy" lên với kế hoạch của EC cũng không phải là chuyện lạ. Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Hungary Janos Lazar cho rằng, không có lý do gì buộc Hungary phải chấp nhận người nhập cư theo hạn ngạch mà EC đưa ra. Trong 3 năm qua, Hungary đã nhận được 2.700 đơn xin tị nạn nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, con số này đã lên tới 43.000 người. Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Hungary nhấn mạnh, việc này ngoài tầm kiểm soát và khả năng thực hiện của Budapest.
Sự tranh cãi ở các nước thành viên về chủ trương này chắc chắn sẽ làm trì hoãn việc triển khai bất kỳ giải pháp mới nào để giải quyết khủng hoảng người nhập cư. Trong khi đó, theo các nhà phân tích, sự hỗn loạn tại các quốc gia Trung Đông và Châu Phi trong những năm gần đây đã đẩy người dân vào thế buộc phải ra đi. Vì vậy, tất cả những biện pháp EU đưa ra để đối phó với nạn di cư bất hợp pháp sẽ không đem đến những hiệu quả mang tính dài hạn. Hay nói một cách khác, các nhà lãnh đạo EU sẽ còn phải đau đầu với tình trạng người nhập cư liên tục gia tăng đến lục địa được nhiều người dân ở các quốc gia nghèo xem như "miền đất hứa".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.