(HNM) - Quá trình pháp lý đầy phức tạp xét xử kỹ sư Noshir Gowadia người Mỹ gốc Ấn Độ, vì đã bán các bí mật quân sự cho Trung Quốc kết thúc vào ngày 24-1 vừa qua với bản án 32 năm dành cho đương sự.
Kỹ sư 66 tuổi đã tham gia chương trình chế tạo máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ bị kết án với 14 tội danh, trong đó có tội cung cấp bí mật quân sự cho nước ngoài và vi phạm Luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí. Theo cáo trạng của Viện Công tố, từ năm 2003 đến 2005, ông Gowadia đã 6 lần bí mật tới Trung Quốc và trao đổi thông tin giúp các kỹ sư quốc phòng nước này thiết kế một loại tên lửa hành trình có thể tránh được các cuộc tiến công của tên lửa tầm nhiệt. Hệ thống xả khí của loại tên lửa hành trình được thiết kế đặc biệt giúp giảm mạnh nhiệt độ của bộ phận xả khiến hệ thống dẫn đường của loại tên lửa hiện đại trên rất khó phát hiện để tấn công. Tòa án tại Hawaii khẳng định ông Gowadia đã nhận thù lao 110.000 USD gửi vào các tài khoản của ông ở Ngân hàng Thụy Sĩ nhằm tránh bị các cơ quan an ninh Mỹ phát hiện. Tuy nhiên, các luật sư biện hộ cho rằng thân chủ mình chỉ cung cấp những thông tin được phép công bố rộng rãi. Thế nhưng, nhà chức trách Hoa Kỳ cho rằng kỹ sư nhiều kinh nghiệm này phải chịu án vì đã vi phạm lời thề trung thành với đất nước.
Sinh ra tại Ấn Độ, ông Gowadia tới Mỹ vào những năm 1960 và chính thức trở thành công dân Mỹ khoảng 10 năm sau đó. Ông gia nhập Tập đoàn Northdrup vào tháng 11-1968 và làm việc ở đó cho đến năm 1986 ở vị trí kỹ sư thiết kế. Tham gia nhóm nghiên cứu phát triển hệ thống đẩy đặc biệt cho máy bay ném bom tàng hình B-2, ông Gowadia được xem là cha đẻ của công nghệ bảo vệ các máy bay ném bom hiện đại này khỏi các tên lửa tầm nhiệt. Kết thúc hợp đồng với Northrup, Gowadia vẫn có quan hệ với một số dự án quân sự với tư cách một chủ thầu cá nhân, đặc biệt sau khi thành lập Công ty N.S. Gowadia, Inc vào năm 1999.
Rắc rối bắt đầu vào tháng 10-2005 khi kỹ sư Gowadia bị nhà chức trách thẩm vấn 2 lần để sau đó ngôi nhà nhiều triệu USD của ông tại Maui, Hawaii bị lục soát. Cùng tháng này, ông bị bắt với tội danh bán thông tin bí mật quân sự cho nước ngoài. Người ta còn tìm thấy rằng ít nhất 8 quốc gia có những tài liệu liên quan đến công nghệ tàng hình của B-2.
Hai năm sau khi bị bắt mà không được quyền bảo lãnh, phiên tòa đầu tiên diễn ra ngày 10-7-2007 và kéo dài cho đến ngày 12-2 năm sau khi Bộ Tư pháp Mỹ phải xem xét việc có cho bị cáo sử dụng những thông tin mật như bằng chứng trước tòa hay không vì lý do an ninh. Việc xét xử bị hoãn lại cho đến tháng 10-2008 và lại một lần nữa không thể diễn ra cho đến tháng 1-2009 vì rất nhiều lý do, từ những tranh cãi trong lĩnh vực nhạy cảm này đến sức khỏe của ông Gowadia.
Cuối cùng, phiên tòa bắt đầu vào tháng 11-2009 đã kết thúc hành trình xét xử dài đằng đẵng tới 3 năm. Việc tranh tụng của bồi thẩm đoàn trong 39 ngày đã gỡ bỏ bản án chung thân mà nhiều ý kiến tin rằng đã đợi sẵn Gowadia. Song đây cũng chẳng phải là án phạt dễ chịu đối với vị kỹ sư đã ở tuổi gần thất thập. Cho dù được trừ đi 5 năm đã bị giam giữ, ông vẫn sẽ tiếp tục "bóc lịch" trong nhà tù tới 27 năm nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.