(HNM) - Trong đồ án Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vấn đề tạo không gian xanh mang ý nghĩa quan trọng.
Với Thủ đô, không gian ấy cần có một hành lang xanh - bao gồm khu vực đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt, đặc biệt là hệ thống sông, hồ vốn đã là nét riêng đặc sắc của Thủ đô. Bài học từ việc bảo vệ hệ thống sông, hồ ở Hà Nội trong thời gian qua rất cần được nhìn lại trong thời điểm này khi Thủ đô đang cần một hệ giải pháp cho việc xây dựng hành lang xanh nói chung.
Việc kè cứng bờ khiến tình trạng tái ô nhiễm nguồn nước xảy ra ở nhiều hồ sau cải tạo. Ảnh: Linh Tâm |
Thiên nhiên đã tạo cho nội thành Hà Nội nhiều ao, hồ đó vừa là những nét duyên riêng có, vừa như những chiếc máy điều hòa không khí cho Thủ đô. Thế nhưng, vòng xoáy đô thị hóa đang khiến nét riêng Hà Nội bị phá vỡ một phần, chủ yếu là bởi cách ứng xử có vẻ chưa "thuận" của chính con người. Lối ứng xử thiên về mối lợi trước mắt đang xảy ra với hệ thống sông, hồ của Hà Nội. Tính từ năm 1990 trở lại đây, Hà Nội có tới 21 hồ bị "xóa sổ" và hơn 150ha diện tích mặt nước bị "bốc hơi", một phần đáng kể trong số đó là do tình trạng lấn chiếm đất đai vô tổ chức. Hồ Tây, kể từ năm 1987 đến nay đã "hao" 50ha; hồ Trúc Bạch mất gần 1/4 diện tích. Từ 16 hồ (năm 1983), nay quận Đống Đa chỉ còn 12 hồ…
Ngay cả dòng sông Hồng huyết mạch cũng đang chịu tác động xấu từ vấn nạn xây dựng vô tổ chức, đến mức mà có chuyên gia đã nhận xét rằng "việc xây dựng thành phố trong vùng bãi sông và cảnh quan môi trường ở đó không thể nói gì hơn ngoài hai chữ tồi tệ". Những tầng tầng lớp lớp nhà bê tông trên bãi bờ phải đã hình thành một "công trình hướng dòng khổng lồ bất đắc dĩ". "Hiện trạng này một mặt làm dâng cao mực nước lũ, mặt khác có thể ép dòng chủ lưu mùa lũ sang bờ trái, gây sạt lở nặng nề. Kết quả phân tích số liệu cao trình mặt bãi tại 25 mặt cắt ngang từ năm 1979 đến nay cho thấy, cao độ trung bình bãi sông hiện đã cao hơn 0,7-0,8m ở bờ trái và khoảng 1m ở bờ phải. Hiện tượng hạ thấp mực nước mùa kiệt là một loại thiên tai gây nhiều tổn thất không kém lũ lụt" - GS-TS Lương Phương Hậu (Viện Khoa học Thủy lợi) nhận định.
Trong thực tế, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm "cứu" hệ thống hồ trên địa bàn khỏi bị lấn chiếm, ô nhiễm. Đề án "Cải tạo môi trường các hồ nội thành Hà Nội" đã liệt kê 44 hồ và đưa 1 hồ ở thị xã Sơn Tây vào diện cần cải tạo với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 23 hồ được cải tạo, hướng đến giải quyết tình trạng úng ngập, cải thiện vệ sinh môi trường và cảnh quan. Tuy nhiên, việc cải tạo hồ theo phương pháp nạo vét bùn rồi "cứng hóa" bờ bằng bê tông vẫn còn nhiều ý kiến qua lại. Tại nhiều hội thảo khoa học, giới nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng taluy quá thoải để kè bờ làm giảm thể tích lòng hồ và khả năng thẩm thấu. Tình trạng tái ô nhiễm nguồn nước cũng xảy ra ở nhiều hồ sau cải tạo. Khi trời mưa, do không thẩm thấu được, hồ trở thành ao tù, tích úng cục bộ. Theo một số chuyên gia, thành phố nên có cuộc khảo sát, đánh giá lại phương pháp cải tạo hồ theo lối kè cứng sau vài năm triển khai. Qua nhiều nghiên cứu, PGS-TS Trịnh Thị Thanh (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Hà Nội nên tính đến biện pháp kè hồ theo hướng thân thiện với môi trường. Cụ thể là tạo các khung bê tông trống để hở đất cho cỏ và hoa. Việc này giúp cho hồ thực hiện được chu trình "hít thở" tự nhiên giữa môi trường đất.
Câu chuyện hồ Suối Hai (huyện Ba Vì) cho thấy, việc ứng xử với môi trường tự nhiên không thuần túy chỉ là bài toán kinh tế, chính sự vào cuộc của các nhà khoa học và sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đã giúp giải bài toán cân bằng lợi ích kinh tế và phát triển xanh. Đã có chuyện nhà đầu tư vào Khu du lịch hồ Suối Hai đề nghị thành phố cho hạ mực nước hồ từ cao trình 24,5m xuống còn 23m để lấy đất làm sân golf. PGS-TS Khổng Doãn Điền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cơ học, đã kiên trì quan điểm rằng hồ Suối Hai không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt cảnh quan, mà còn bảo đảm cho Hà Nội và một số tỉnh lân cận chủ động được nguồn nước sạch. Ông nói: "Chúng ta đã trả giá cho hồ Đồng Mô khi chất lượng nước ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng. Nếu hồ Suối Hai tiếp tục bị "xẻ thịt", đặc biệt là sự xuất hiện của sân golf (sẽ phải dùng nhiều phân hóa học, thuốc sâu để dưỡng cỏ, gây ô nhiễm nguồn nước - PV) thì những gì ở Đồng Mô sẽ lặp lại".
Chính quyền các đô thị của Việt Nam, trong đó có Hà Nội cần có cách tiếp cận mới để phát triển đô thị xanh bền vững. Tại hội thảo "Tương lai đô thị Việt Nam - Hành động hôm nay", tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 10-2012, bà Victoria Kwakwa - Trưởng đại diện Ngân hàng Thế giới tại nước ta cho rằng, Việt Nam cần tiếp cận kinh nghiệm quốc tế về phát triển đô thị bền vững. Chiến lược phát triển đô thị xanh của Việt Nam đúng hướng, nhưng cần cụ thể hóa thành giải pháp thiết thực hơn nữa.
Hà Nội được định hướng phát triển thành một đô thị xanh bền vững. Theo quy hoạch chung, về không gian mặt nước, Thủ đô Hà Nội sẽ giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước để cân bằng môi trường sinh thái, thiết lập các tuyến hành lang bảo vệ cho sông, hồ, đập thủy lợi… Muốn thế, những cách làm, lối ứng xử với môi trường sống, môi trường tự nhiên cần được xem xét, nhìn nhận nghiêm túc, khẩn trương hơn trên cơ sở khoa học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.