Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cứu đã vất, giữ càng khó!

Đoàn Nam| 30/03/2010 07:11

(HNM) - Hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đang quyết liệt triển khai chiến dịch cứu các hồ nội thành. Đã có 4 hồ, hào được "cứu", chưa kể hàng chục hồ trên địa bàn thành phố được cải tạo thời gian qua.

Thế nhưng, việc duy trì cảnh quan môi trường sau khi cải tạo hồ lại không đơn giản, cần sự vào cuộc thường xuyên, kiên quyết của chính quyền cơ sở và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Báo Hànộimới xin trích đăng ý kiến của một số bạn đọc xung quanh vấn đề này...

Ông Trần Hoa, số nhà 21/29 đường Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình):
Cần chỉnh trang cảnh quan những hồ đã cải tạo từ trước

Tôi sống gần hồ Ngọc Khánh đã hơn mười năm. Hồi mới được cải tạo, đường dạo ven hồ thông thoáng, mặt nước sạch sẽ, nhưng nay thì cảnh quan đã xấu đi nhiều. Đường dạo thành nơi kê bàn ghế, để xe máy của các hàng quán cà phê, người đi bộ buộc phải xuống lòng đường. Ngại nhất là tuyến phố Phạm Huy Thông, phố nhỏ, quán hàng chen chúc, người qua lại đông đúc, gốc cây, bờ hồ chả còn chỗ trống nào, rác thải nhiều vô kể. Bất kỳ cuộc họp hay tiếp xúc cử tri nào, người dân cũng phản ánh tình trạng trên, nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa mấy thay đổi. Tôi mong rằng đang trên đà chiến dịch cứu hồ, TP nên "xốc" lại việc chỉnh trang cảnh quan những hồ đã được cải tạo trước đây.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Tổ trưởng tổ 44 phường Kim Liên (quận Đống Đa):
Đã cứu hồ, cần cứu đồng bộ

Việc cải tạo hồ lớn Kim Liên đã được hoàn thiện cách đây nửa năm, người dân khu vực chưa kịp mừng đã lo vì nước ô nhiễm từ hồ nhỏ chưa được cải tạo hằng ngày vẫn tràn sang. Chúng tôi không hiểu tại sao cùng trong một dự án cải tạo hồ Kim Liên mà cái lớn được làm, cái nhỏ bỏ đó. Thực tế hồ nhỏ Kim Liên giờ chỉ còn như một cái ao đầy bùn đất, nước thải; đứng xa hàng chục mét vẫn thấy mùi hôi. Vì nước ô nhiễm nên cơ quan chức năng đã phải thả bèo tây nhằm cải thiện môi trường nước hồ lớn. Nhưng nước hồ vẫn đen ngòm mà muỗi từ các đám bèo tây thì nhiều vô kể, ẩn chứa nguy cơ dịch bệnh. Một trạm thu để xử lý nước thải công suất quá nhỏ, chỉ bằng 1/3 lưu lượng nước tuần hoàn qua hồ. Đường dạo ven hồ còn một đoạn khá dài chưa hoàn thiện, cỏ trồng không được chăm sóc nay chết gần hết; người dân tận dụng trồng rau, bắc giàn mướp, trông rất nhếch nhác. Thành phố đã đầu tư khoản kinh phí lớn để cải tạo hồ lớn, nay mắc ở khâu nào mà để tình trạng ô nhiễm, mất mỹ quan còn kéo dài tại khu vực này?

Anh Trần Văn Hoan, ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên (Đống Đa):
Đẩy nhanh tiến độ kè hồ Linh Quang

Hồ Linh Quang "nổi tiếng" từ năm 2008 khi cơ quan chức năng phát hiện nước hồ có chứa phẩy khuẩn tả. Cũng từ đó, kế hoạch cải tạo hồ mới được gấp rút triển khai. Phải nói rằng hồ Linh Quang đang ô nhiễm vào bậc nhất trong số các hồ nội thành, vì hồ không chỉ là nơi chứa nước thải sinh hoạt mà còn là "đầu ra" của một chợ cóc ở dọc ngõ Văn Chương. Nhưng nay cảnh quan đã khác rất nhiều. Để tránh ô nhiễm cho khu dân cư, đơn vị thi công đã ngăn cách công trường bằng những tấm tôn kín, cao quá đầu người. Máy móc vào ra qua một cổng đều được rửa sạch bùn đất, không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hiện nay, công trình này đang tôn cao bờ, nhưng cũng chỉ mới được hơn một trăm mét dài vì ít máy móc, nhân công. Rất mong đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ để đến Đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội một nghìn tuổi, sự "nổi tiếng" vì ô nhiễm của hồ Linh Quang được thay thế bằng niềm vui của bà con khu vực.

Bà Nguyễn Thị Oanh, thôn Trù II, xã Cổ Nhuế (Từ Liêm):
Các hồ, ao ngoại thành cũng cần được "cứu" !

Trước mắt, việc triển khai chiến dịch cứu các hồ nội thành là cần thiết. Tuy nhiên, tôi mong rằng thời gian tới, các ao hồ ngoại thành cũng sẽ được cứu. Hiện nay, do công tác quản lý diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản tại các địa phương ngoại thành còn bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ nên hàng loạt ao, hồ đang bị san lấp với tốc độ chóng mặt. Các ao, hồ ở vùng ngoại thành đang "âm thầm" biến mất hoặc bị "gặm nhấm", lấn chiếm từng ngày, trong khi hệ thống thoát nước thải chưa có hoặc chưa hoàn thiện, khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, nếu chiến dịch cứu hồ chưa "với tay" ra đến các xã ngoại thành thì chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra một quy hoạch chi tiết nhằm gìn giữ những "lá phổi xanh" cho các vùng quê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cứu đã vất, giữ càng khó!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.