(HNMO) - Thay vì phải sử dụng nhiều loại sổ khám chữa bệnh, sổ tiêm chủng khác nhau… các bà mẹ mang thai hay nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi chỉ cần sử dụng một cuốn sổ duy nhất có tên “Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em” (TDSKBMTE).
Chiều nay chị Lò Thị Nhung, người dân tộc Thái, ở thôn Liên Thành, xã Luận Thành (huyện Thường Xuân-Thanh Hóa) cùng hơn 100 chị em khác có mặt rất sớm tại hội trường UBND xã để tham dự lễ phát động chiến dịch truyền thông về cách sử dụng sổ TDSKBMTE. Vợ chồng chị Nhung có một con gái 5 tuổi và chuẩn bị sinh cháu thứ hai. Không giấu được niềm vui chị Nhung chia sẻ: “Tháng 7 vừa qua em được trạm y tế xã phát cho sổ TDSKBMTE. Em thấy cuốn sổ có nhiều thông tin hữu ích, từ các ghi chép trong quá trình chăm sóc thai nghén, trong và sau đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh, đến cách theo dõi tiêm chủng trẻ em và biểu đồ tăng trưởng của trẻ từ sơ sinh tới 6 tuổi… Thích nhất là không phải mua nhiều sổ khám mỗi khi đến bệnh viện hay phòng khám như trước đây, giờ em chỉ cần dùng cuốn sổ này đi khám ở các bệnh viện trong tỉnh, vừa tiết kiệm chi phí lại tiện ích”.
Chị Nhung là một trong số hơn 450 chị em đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi tại xã Luận Thành được phát miễn phí sổ TDSKBMTE. Bác sĩ Đỗ Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban quản lý dự án tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự án được chia thành 3 giai đoạn: năm 2011 triển khai ở 8 huyện, trong đó có 1 huyện miền núi; năm 2012 triển khai ở 10 huyện, trong đó có 5 huyện miền núi; năm 2013 triển khai ở 9 huyện còn lại, trong đó có 5 huyện miền núi. Đến nay toàn tỉnh phát được 58.190 cuốn sổ, và việc dùng sổ đã được phổ biến tại 100% huyện thị xã, thành phố và 637 xã phường, thị trấn.
Là người tham gia lớp tập huấn đầu tiên về sử dụng sổ TDSKBMTE để hướng dẫn lại cho các cán bộ, y bác sĩ của tỉnh, bác sĩ Đỗ Quang Vinh chia sẻ: “Cuốn sổ xuất phát từ đất nước Nhật Bản – một quốc gia phát triển về khoa học công nghệ - tuy nhỏ nhưng giá trị lớn vì nó góp phần giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Với 93 trang và khoảng 200 chỉ số về sức khỏe của bà mẹ từ khi mang thai đến khi con 6 tuổi, cuốn sổ đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của các bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ”.
Sổ TDSKBMTE còn có tác dụng giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh. Bác sĩ Lê Thị Minh Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: “Với góc độ chuyên môn, chúng tôi thấy sổ TDSKBMTE cung cấp thông tin về tiền sử sản khoa, về cuộc đẻ, về những tiếng khóc đầu đời của bé sơ sinh, sự phát triển và các bệnh lý của bé đã gặp, giúp chúng tôi có nhiều thời gian hơn cho việc thăm khám và đưa ra các chỉ định đúng đắn cho các bé khi mà số lượng bệnh nhân ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, sổ còn cung cấp những thông tin cơ bản về cách xử lý cấp cứu ban đầu cho trẻ, một điều vô giá với nhiều gia đình ở miền núi không có điều kiện tiếp cận với thông tin đại chúng”.
Kinh nghiệm thành công từ Nhật Bản
Việc nâng cao nhận thức của các bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ khi dùng sổ TDSKBMTE là hoạt động trong khuôn khổ dự án viện trợ kỹ thuật không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện. Dự án đã thành lập Ban quản lý Dự án Trung ương tại Bộ Y tế gồm Vụ Sức khoẻ Bà mẹ Trẻ em làm đầu mối, với sự tham gia của các đơn vị liên quan. Dự án cũng thành lập Nhóm công tác kỹ thuật gồm các chuyên gia đầu ngành về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em của Bộ Y tế, các bệnh viện đầu ngành sản, nhi để hỗ trợ dự án nhằm bảo đảm tính chính xác trong quá trình thí điểm, chỉnh sửa sổ TDSKBMTE. Sau khi triển khai thí điểm ở 4 tỉnh và tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện trong nước, Bộ Y tế có kế hoạch nhân rộng sổ trên phạm vi toàn quốc.
Bác sĩ Lê Thị Minh Châu hướng dẫn bà mẹ nuôi con nhỏ cách sử dụng sổ TDSKBMTE. |
Ông Aiga Hirotsugu, Cố vấn trưởng dự án triển khai sổ TDSKBMTE tại Việt Nam chia sẻ: “Năm 1942, trong Chiến tranh Thế giới II, sổ TDSKBMTE lần đầu tiên được giới thiệu tại Nhật Bản. Sau nhiều năm thử nghiệm, rồi chỉnh sửa nhiều lần, đến năm 1966 việc sử dụng sổ TDSKBMTE mới được quy định trong Luật bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em của Nhật Bản. Việc sử dụng sổ TDSKBMTE trên toàn quốc và bảo hiểm y tế toàn dân (gần 100%) đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần giảm mạnh tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi tại Nhật Bản từ 20 vào năm 1966 xuống còn 4,3/1000 trẻ vào năm 2000”.
Vậy đâu là chìa khóa dẫn tới thành công trong dự án triển khai sổ TDSKBMTE ở Nhật Bản? Ông Aiga Hirotsugu cho biết, ở Nhật Bản khi phụ nữ có thai đều phải đến cơ quan y tế xã-phường đăng ký. Khi đó họ không chỉ được cấp sổ mà còn được hưởng lợi từ nhiều dịch vụ miễn phí đi kèm như các phiếu tiêm phòng… Đây là một trong những lý do vì sao phụ nữ Nhật Bản sử dụng cuốn sổ này cẩn thận, đặc biệt sau khi trở thành luật bắt buộc. Vậy Việt Nam mất khoảng bao nhiêu năm để làm được điều tương tự như ở Nhật Bản? Ông Aiga Hirotsugu nhấn mạnh: “Dự án được triển khai nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào các cơ quan chức năng của Việt Nam. Cụ thể ở đây là Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành đến cả hệ thống y tế từ địa phương đến cấp tỉnh cũng như ý thức của mỗi của người dân”. Ông Aiga Hirotsugu cho rằng, việc triển khai sổ tại Nhật Bản mất nhiều thời gian hơn bởi nhiều khó khăn sau chiến tranh. So với Nhật Bản khi đó, Việt Nam hiện có cơ sở hạ tầng tốt hơn, thừa hưởng những kinh nghiệm của Nhật Bản nên việc triển khai chắc chắn sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Vấn đề mấu chốt của Việt Nam hiện nay là chính sách.
Ông Aiga Hirotsugu cho biết, một trong những tiêu chí được dự án tính đến khi triển khai sổ TDSKBMTE tại Việt Nam là càng đơn giản, thân thiện càng tốt để mọi người đều có thể sử dụng được. “Trong hơn 3 năm qua, chúng tôi đã 3 lần chỉnh sửa lớn cho phù hợp với Việt Nam. Chúng tôi còn một lần chỉnh sửa nhỏ nữa trước khi đệ trình lên lãnh đạo Bộ Y tế - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến – vào tháng 11 tới. Chúng tôi hy vọng rằng đệ trình sẽ nhận được ý kiến tích cực từ phía Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến.
Những rào cản cần vượt qua
Theo dự kiến sổ TDSKBMTE sẽ được triển khai nhân rộng tại 63 tỉnh, thành của Việt Nam sau khi Bộ Y tế có ý kiến chính thức. Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế của phóng viên tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho thấy, ít chị em phụ nữ mang thai hay nuôi con nhỏ mang sổ TDSKBMTE khi đi khám chữa bệnh. Một trong những nguyên nhân là do các cán bộ tập huấn chưa kỹ nên một số chị em vẫn chưa hiểu rằng, chỉ cần mang một cuốn sổ TDSKBMTE có thể đi khám được ở tất cả các bệnh viện cũng như phòng khám trong tỉnh. Bác sĩ Lê Thị Minh Châu thừa nhận, do chưa nhận thức về lợi ích của việc sử dụng sổ đối với phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc chưa cao nên nhiều gia đình bệnh nhân chưa mang sổ đến khám hoặc làm đánh mất sổ. Điều này đã làm mất nhiều thông tin cần thiết về các bà mẹ và em bé.
Sau hơn 3 năm triển khai, thành công của dự án tại Thanh Hóa cũng như 3 tỉnh thí điểm là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn không ít rào cản, thách thức khi dự án được nhân rộng ra cả nước. Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, chuyên gia dự án của Bộ Y tế cho biết, việc triển khai thí điểm tại 4 tỉnh với những đặc điểm, khó khăn, thuận lợi khác nhau là cách để chúng ta hiểu được thực tế cũng như những rào cản có thể gặp phải khi nhân rộng sổ TDSKBMTE trong phạm vi cả nước. Đây cũng là điều mà Bộ Y tế sẽ cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Aiga Hirotsugu khẳng định: “Để dự án được triển khai nhân rộng, chúng tôi đã cân nhắc đến tính khả thi về chuyên môn kỹ thuật và tài chính. Sau hơn 3 năm triển khai thí điểm tại 4 tỉnh, cuốn sổ này đã chứng minh cho tính khả thi cao về mặt chuyên môn kỹ thuật. Về vấn đề tài chính, chúng tôi dự tính hết khoảng 2,3 triệu USD/năm tiền mua sổ cho 63 tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên chúng tôi sẽ chia ra làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn một năm triển khai ở 20 tỉnh. Chúng tôi cũng tính đến việc kêu gọi các công ty tài trợ, đăng quảng cáo trên sổ để giảm chi phí công in; hoặc giải pháp chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính cho những tỉnh miền núi khó khăn; hoặc giải pháp Bộ Y tế và các tỉnh, thành cũng như người dân cùng chia sẻ chi phí tiền in sổ”.
Bác sĩ Đỗ Quang Vinh cho biết, trong khi chờ Bộ Y tế sớm đưa ra quyết định áp dụng quyển sổ này trong toàn quốc để chúng ta có một mẫu chung nhất, có tính chất pháp lý nhất, Thanh Hóa dự kiến sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai việc thực hiện sổ TDSKBMTE trong phạm vi toàn tỉnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.