(HNM) - Quê nội ven sông Đáy cuối năm gió hanh heo thổi. Nước sông lành lạnh run rẩy cả cuống lá, rung rinh hàng rào dâm bụt dẫn vào sân nhà vẫn còn dáng bà nội già nua.
(HNM) - Quê nội ven sông Đáy cuối năm gió hanh heo thổi. Nước sông lành lạnh run rẩy cả cuống lá, rung rinh hàng rào dâm bụt dẫn vào sân nhà vẫn còn dáng bà nội già nua. Con ngõ mùa trăng, tỏa nồng nàn hương đồng nội, hương rơm mới, hương hoa trà góc vườn, lại lích chích tiếng chim đêm, tiếng con cu gáy gù mùa gọi bạn. Cuối năm tiết trời giục lòng cồn cào nhớ sông, nhớ những đồng bãi ven sông biêng biếc lúa khoai và bạt ngàn nương dâu. Những câu thơ đẹp đến nao lòng của nhà thơ Quang Dũng dội về, như mây trắng xứ Đoài xa xăm nhoi nhói trong tim.
Ảnh: Trần Anh |
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Lên núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Trong những ngày chờ Tết Nguyên đán, bao giờ làng tôi, làng Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai) cũng nhộn nhịp chuẩn bị cho mùa thu hoạch lá dong gói bánh chưng. Lá dong Tràng Cát nổi tiếng cả nước, có thời kỳ là nguồn thu nhập chính của các gia đình. Chất đất pha cát nơi này là yếu tố cơ bản cho những ruộng lá dong xanh bạt ngàn phủ kín thôn xóm. Cánh đồng lá dong có từ khi nào không ai còn nhớ chính xác, nhưng nó đã gắn bó với dân Tràng Cát như chính cuộc sống lao động của người dân. Do nằm trong bãi bồi của sông Đáy nên hằng năm cứ đến mùa mưa lũ, nước ngập lênh láng. Có lẽ vì vậy mà “trời bù” cho vùng đất ấy một loại cây ưa nước và mang lại giá trị kinh tế cao mỗi khi Tết đến. Và những vườn lá dong Tràng Cát như "mảng phù sa xanh", ngày ngày mang lại no ấm cho người dân.
Vườn nhà nội tôi khá rộng, ngoài những cây ăn trái còn có một khu vực để trồng cây dong. Do con cháu ở xa, sức bà nội không đủ để làm cho ngôi vườn trở nên sinh động như những ngôi vườn khác, vì thế khi tôi về quê lúc nào cũng có cảm giác vườn nội khá buồn. Và nó chỉ nhộn vui lên khi cuối năm, con cháu về thăm, chờ đón Tết. Rồi ít ngày nữa, trong chiều tắm tất niên, thể nào chúng tôi cũng được bà nhờ xách nước cho bà gội đầu bằng bồ kết. Khi tóc bà lốm đốm bạc, chúng tôi vẫn hay khóc nhè. Giờ tôi hơn ba mươi. Tóc bà đã gội đủ sương gió, nắng mưa, gội cả dòng sông và bao nỗi nhọc nhằn đồng quê. Sự chuyển đổi mái tóc bà trắng như vôi làm tôi cứ ngỡ đó là một giấc mộng. Một giấc mộng nghẹn ngào. Tôi cứ muốn bà trẻ mãi, để kể chuyện về các vì sao, đứa cháu bay vi vu cùng gió, cùng mây. Bà kể lại cho tôi nghe chuyện làng, chuyện nước, những chuyện từ đời nảo đời nào đứa cháu vẫn nghe. Nhưng thật thú vị, qua những chuyện vui đó, hình ảnh đó, tôi nhận mặt lại những hình ảnh trong ấu thơ một thời của mình. Này là con trâu, kia là cái cày. Cánh đồng khơi chôn giấu tiếng cười vang của những đứa trẻ chăn trâu cắt cỏ, mùa tát giòn nhảy xuống mương kiếm cá rô đồng mang về nấu canh. Mỗi xâu cá rô là một xâu cười dài thật dài, nổ tanh tách trong veo trẻ thơ. Tôi biết là, tất cả những điều đó như một bức tranh ký ức đẹp vô cùng, đã được cất giấu nơi tim, không bao giờ quên của một vùng quê ven sông thanh bình.
Quê mình đã trải qua bao mùa, hàng vạn ngày nắng mưa, từng đàn chim én trôi trên nền trời báo hiệu mùa ấm, mùa xuân. Đâu đó ở cánh đồng, vẫn có những cánh cò trắng, chứng kiến nỗi vất vả của bà, của mẹ và chị. Quê mình nghèo nhưng đẹp bà nhỉ. Và chỉ có những bàn tay hay lam hay làm mới cảm nhận được sự quý giá của bát cơm, của những giọt mồ hôi mặn.
Đêm nay, trăng quê nội chênh chếch trên đầu. Tôi chạy một vòng lên đê để hà hít hơi thở ruộng đồng, nghe gió ào ào hát ven đê, nghe nhịp đập châu thổ nghìn đời kết tinh cả một vùng văn hóa, lan tỏa trong từng ước mơ nhỏ nhoi của những đứa con xa quê. Tôi lại về vườn của nội, đứng bên gốc dừa xạc xào, có chiếc chum lớn đựng nước mưa. Bắt một con đom đóm. Bà vẫn ngồi đếm sao, nhưng đã lẫn rồi. Bà đếm mãi cũng không vượt qua con số một trăm. Tôi cười, xua đi chút vắng lặng của đêm nhưng chợt thấy cay mắt và thương bà quá. Bà cũng bỏm bẻm cười, nụ cười vẫn hiền như xưa.
Vào cữ này, vùng quê sẽ có nhiều phiên chợ, những phiên chợ tết cuối năm sẽ trở nên nhộn nhịp, đặc sắc hơn. Những con người thật thà chất phác đến đây, mang theo những nông sản, con vật nuôi do mình làm ra đổi lại là những nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hằng ngày. Có khi đến chợ cũng chẳng mua gì nhiều, chỉ miếng trầu, miếng cau nhưng cốt yếu là để “mua” những thanh âm quê nhà. Chúng tôi lại ào vào những phiên chợ đó để tìm lại cảm giác của tuổi thơ mình, dẫu chợ đã khác xưa một chút, nhưng những âm thanh bình dị thì chẳng thể nào mất được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.