Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cười hay… khóc?

Thái Sơn| 14/07/2015 06:18

(HNM) - Chương trình Chuyển động 24h của VTV1 ngày 12-7 vừa đưa một clip với nội dung phỏng vấn một số học sinh câu hỏi


Và khán giả hoàn toàn bất ngờ khi các học sinh được hỏi đều không nhớ chính xác hoặc hiểu sai hoàn toàn về Hoàng đế Quang Trung. Có em cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố - con, lại có học sinh nói đây là hai anh em, hoặc là bạn chiến đấu… nhưng ấn tượng nhất vẫn là câu trả lời của một học sinh: "Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung".

Đúng là từ bất ngờ này tới… bất ngờ khác. Tuy nhiên với một số chuyên gia, nhà giáo dục thì chuyện đó không có gì là lạ.

Theo số liệu thống kê, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, toàn quốc có 910.831 học sinh đăng ký dự thi, môn có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất trong 4 môn tự chọn là môn lịch sử với 104.959 học sinh, chiếm 11,52%. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, môn lịch sử cũng có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất, với 153.688 em đăng ký (chiếm 15,3% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi); có những trường chỉ có một thí sinh thi môn lịch sử, có những điểm thi cũng chỉ có một học sinh thi môn lịch sử… Như vậy có thể thấy học sinh hiện nay khá thờ ơ,

lạnh nhạt với môn lịch sử. Và theo logic, điều đó khiến người ta nghĩ ngay lỗi thuộc về những người đứng trên bục giảng, không truyền thụ được cảm hứng cho học sinh. Song, như nhận định của GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nói lỗi này do học sinh, do giáo viên, hay do cách dạy đều đúng nhưng chưa đủ.

Phải câu hỏi: "Lịch sử là một thứ rất hay, dạy cho chúng ta nhiều điều, chứa đầy sự ly kỳ hấp dẫn, lẽ ra chúng ta phải thích mới đúng, nhưng tại sao lại không thích?". Trả lời được câu hỏi này sẽ biết rõ căn nguyên của vấn đề. Còn ông Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc điều hành của Eton Grammar School lại cho rằng: "Lịch sử đáng lẽ ra là một môn rất hấp dẫn nhưng ở Việt Nam nó lại trở thành một món cơm nguội vừa khô vừa cứng"…

Nghe mà buồn nhưng sự thật là vậy. Như phân tích của nhiều chuyên gia, nhà giáo dục thì ở Việt Nam môn lịch sử được tiếp cận với tư cách không phải là một môn khoa học có đầy đủ trong đó phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu khoa học, và các loại hình tư duy: Tổng hợp, phân tích, tranh luận và phản biện.

Dạy học theo phương pháp tiếp cận nội dung như hiện nay là bắt học sinh phải nhồi nhét vào đầu hàng loạt thông tin khó nhớ như sự kiện, con số, ngày tháng… thành ra chỉ còn cách thuộc lòng những kiến thức dài dằng dặc. Chính điều đó làm khô cứng một môn học lẽ ra rất sinh động, khiến học sinh không còn hứng thú với lịch sử. Đó không phải là lỗi của giáo viên mà là lỗi... hệ thống, từ nhà quản lý tới thiết kế chương trình.

Lịch sử là một ngành khoa học, mà khoa học là sáng tạo và đòi hỏi sự khách quan. Do đó cần truyền thụ cho học sinh cảm hứng và niềm đam mê tiếp cận, khám phá môn học này bằng nhiều phương pháp khác nhau nhằm rèn luyện tư duy, kiến thức lịch sử. Đây chính là những điều từ sách giáo khoa tới cách dạy và học môn lịch sử ở ta đang thiếu. Giải quyết được vấn đề này cũng chính là thiết thực góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chứ loay hoay mãi mà kiến thức lịch sử của học sinh về Quang Trung và Nguyễn Huệ như đã nêu ở trên thì quá đau lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cười hay… khóc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.