(HNM) - Quyết tâm giành đa số quá bán trong cuộc bầu cử Thượng viện giữa kỳ nhằm kiểm soát cả hai viện Quốc hội Nhật Bản của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.
Kết quả kiểm phiếu cuối cùng công bố sáng 22-7 cho thấy, liên minh cầm quyền gồm LDP và đảng Công minh mới (NKP) đã giành được 76 trên tổng số 121 ghế Thượng viện phải bầu lại trong cuộc bầu cử này. Trong khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) - đảng đối lập lớn nhất hiện nay - chỉ được 17 ghế so với 44 ghế đã có trước khi bầu cử.
Đảng LDP cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 21-7. |
Như vậy, so với mục tiêu ban đầu được liên minh cầm quyền đặt ra ở mức 63 ghế - vì đã có sẵn 59 ghế không phải bầu lại - việc giành được 76 ghế trong cuộc bầu cử này là thắng lợi ngoài mong đợi của không chỉ với LDP mà cả Thủ tướng S.Abe. Sở hữu 135 (59 ghế có sẵn và 76 ghế vừa bầu lại) trên tổng số 242 ghế tại Thượng viện, liên minh cầm quyền đã ghi dấu bước ngoặt mới trong lịch sử đất nước Mặt trời mọc khi lần đầu tiên trong 6 năm qua giành quyền kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện.
Từng để LDP thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2007 - trong bối cảnh đất nước Nhật Bản lâm vào thế bế tắc với một Quốc hội bị chia rẽ - nhà lãnh đạo S.Abe đã phải rời chiếc ghế thủ tướng khi đó sau không ít chỉ trích từ các thành viên đảng đối lập về chính sách điều hành nền kinh tế không hiệu quả. Trở thành Thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai sau chiến thắng vang dội của LDP trước DPJ trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 12 năm ngoái, những thất bại trong nhiệm kỳ đầu tiên là bài học đắt giá để nhà lãnh đạo 59 tuổi tiếp tục hành trình chinh phục lòng tin của người dân xứ hoa Anh đào.
Tuy mới trở lại nắm quyền hơn 7 tháng, chính sách kinh tế của Thủ tướng S.Abe (còn gọi là Abenomics) nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng sau hai thập kỷ giảm phát ngày càng nhận được sự ủng hộ của dân chúng. Chiến lược "ba mũi tên" - trụ cột của Abenomics - gồm ưu tiên chính sách nới lỏng tiền tệ; tăng các khoản chi khổng lồ cho lĩnh vực công và tìm kiếm tăng trưởng toàn diện. Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng rõ ràng Abenomics đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận khi hai mũi tên đầu đã phát huy tác dụng: Giúp hạ giá đồng yên và khôi phục niềm tin trên thị trường chứng khoán Nhật Bản sau gần 5 năm ảm đạm.
Với 54% cử tri tuyên bố ủng hộ Abenomics trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, nỗ lực vực dậy nền kinh tế Nhật của Thủ tướng S.Abe đã tác động mạnh tới sự lựa chọn của cử tri. Điều đó giải thích vì sao LDP thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa kết thúc. Sự kiện LDP giành được đa số quá bán tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện không chỉ góp phần chấm dứt tình trạng chia rẽ tại Quốc hội mà còn giúp Chính phủ của Thủ tướng S.Abe thuận lợi hơn trong việc thúc đẩy hàng loạt những quyết sách quan trọng trong thời gian tới nhằm đưa Abenomics tới đích.
Không dừng lại ở kinh tế, Thủ tướng S.Abe đang hối thúc cử tri ủng hộ liên minh cầm quyền sửa đổi Hiến pháp cho phép Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn không chỉ trong bảo đảm an ninh khu vực mà còn trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, thái độ cương quyết của đương kim Thủ tướng S.Abe về chủ quyền biển đảo cũng nhận được sự ủng hộ của không ít cử tri. Thế nhưng, kỳ vọng sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng S.Abe xem ra đành phải gác lại, bởi thế lực các nghị sỹ ủng hộ sửa đổi Hiến pháp thuộc ba đảng gồm LDP, đảng Hội Duy Tân Nhật Bản (SRP) và đảng của Bạn (YP) không hội đủ tối đa 100 ghế trong số 121 ghế vừa được bầu lại.
Dẫu vậy, sự kiện LDP vừa "thắng kép" ở cả hai viện không có nghĩa con đường chinh phục lòng tin cử tri của Thủ tướng S.Abe những ngày tới sẽ hoàn toàn phẳng lặng. Trong bối cảnh các đảng đối lập không ngừng phản đối một loạt chính sách quan trọng như tăng thuế tiêu dùng, tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, tình trạng nợ công tăng cao… dự báo xứ Phù tang sẽ phải vượt qua không ít sóng gió.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.