(HNM) - Đó là cú
Cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua đưa Syria trở thành bãi chiến trường ngổn ngang. |
Theo Ngoại trưởng Anh William Hague, quyết định của EU nhằm "gửi đi một thông điệp mạnh mẽ từ Châu Âu tới chế độ hiện nay của Damascus". Ngoại trưởng W.Hague cũng cho biết, London và các nước đồng minh có thể cung cấp vũ khí cho các nhóm đối lập ở Syria ngay lập tức nếu cảm thấy việc đó là cần thiết. Trước đó, các nhà ngoại giao EU cũng thông báo, liên minh đã đạt được thỏa thuận gia hạn một năm các biện pháp trừng phạt tài chính và kinh tế của EU nhằm vào Syria...
Trong bối cảnh dư luận thế giới vừa dấy lên hy vọng khi hội nghị quốc tế tại Geneva (Thụy Sĩ), theo sáng kiến của Nga và Mỹ, sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, có thể tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria thì quyết định của EU chẳng khác nào "gáo nước lạnh" dập tắt hy vọng vừa nhen nhóm. Ngay sau quyết định từng gây tranh cãi trong nội bộ EU, ngày 28-5, Chính phủ Syria đã lên án và xem đây là hành động "cản trở" nỗ lực giải quyết cuộc xung đột bằng giải pháp hòa bình. Trước đó, Nga cũng bày tỏ quan điểm rằng, quyết định của EU sẽ phá hỏng các cơ hội tiến hành đối thoại hòa bình mà Nga và Mỹ đang cố gắng tổ chức. Ngoại trưởng Canada John Baird cảnh báo, nếu EU vũ trang cho phe nổi dậy Syria, tình trạng bạo lực, chết chóc và tàn phá tại quốc gia Trung Đông này sẽ càng gia tăng; nhiều nguy cơ sẽ lan sang các nước láng giềng và giải pháp chính trị là cách duy nhất để chấm dứt nỗi thống khổ của người dân Syria hiện nay.
Trong khi đó, tại EU, sự đồng thuận cho vấn đề này cũng không cao. Trong khi Anh và Pháp chủ trương duy trì lệnh cấm vận vũ khí với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad song lại "bật đèn xanh" cho Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), lực lượng đối lập chính tại Syria thì Áo, Thụy Điển, Phần Lan và Cộng hòa Séc lại phản đối quyết liệt việc liên minh đổ thêm vũ khí vào cuộc xung đột đã làm hơn 80 nghìn người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải tị nạn. Ngoại trưởng Áo Michael Spindelegger cho rằng, đây là hành động "đi ngược lại các nguyên tắc" của Châu Âu. Chính sự chia rẽ sâu sắc trong quan điểm của các nước thành viên EU đã và đang khiến cuộc khủng hoảng tại Syria xuất hiện thêm nguy cơ mới. Dư luận lo ngại, nếu vũ khí được đổ vào quốc gia Trung Đông này và do SNC quản lý, khó có thể bảo đảm được rằng nó không rơi vào tay các nhóm khủng bố. Và như thế, cuộc xung đột kéo dài 27 tháng qua tại Syria được dự báo sẽ leo thang nguy hiểm.
Trong một diễn biến khác, trong khi cả Nga và Syria phản đối EU dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho phe đối lập tại Syria thì Mỹ lại ủng hộ. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng, quyết định này sẽ cho phép các thành viên EU linh hoạt hơn trong hỗ trợ phe đối lập Syria nếu thấy thích hợp. Washington cũng chỉ trích kế hoạch của Mátxcơva chuyển giao tên lửa phòng không S-300 cho Damascus, khẳng định việc làm đó sẽ không đưa Nga và Mỹ xích lại gần nhau hơn với kế hoạch chuyển giao chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Về phần mình, ngày 28-5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, các tên lửa phòng không hiện đại S-300 chuyển giao cho chính quyền Syria liên quan đến một hợp đồng được hai bên ký từ vài năm trước. Hơn nữa, việc làm này nhằm tạo nhân tố ổn định, ngăn chặn bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá.
Hiện tại, giới quan sát cho rằng, cùng sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ EU về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho phe đối lập tại Syria, sự bất đồng Nga - Mỹ trong vấn đề này cho thấy kế hoạch thành lập chính phủ chuyển tiếp, có đủ quyền lực để người dân Syria tự quyết tương lai trở nên khó khăn hơn. Những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên liên quan đã và đang đẩy Syria đến một giới hạn khó vượt ngay trước thềm một hội nghị quốc tế nhằm vãn hồi hòa bình cho xứ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.