(HNM) - Ngày 9-3, Mỹ đã thay tướng chỉ huy tại châu Phi. Đại tướng William Ward đã bàn giao chức vụ đứng đầu Bộ Chỉ huy Quân sự châu Phi (Africom) của Mỹ tại đại bản doanh của Africom ở thành phố Stuttgart (Đức) cho Đại tướng Carter Ham. Trong bối cảnh nhiều nước châu Phi lâm vào rối ren và "chảo lửa" Libya đang bùng phát dữ dội, cuộc thay tướng Mỹ được xem là một sự kiện đáng chú ý.
Tướng Carter |
Tướng Carter Ham từng là cựu Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Iraq và gần đây nhất là chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu. Trong lễ nhậm chức, tân Tư lệnh Africom C. Ham thừa nhận Mỹ đối mặt với "nhiều thách thức" nhưng cho rằng "Mỹ sẽ thành công, khi giúp tìm ra các giải pháp cho những vấn đề an ninh của châu Phi".
Hiện nay, trước tình hình Trung Đông và Bắc Phi đang có những biến chuyển phức tạp và mau lẹ, giấc mơ xích lại với thế giới Hồi giáo và kiến tạo một nền hòa bình bền vững ở khu vực Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như rất mong manh. Mỹ và đồng minh NATO đang tính toán để biến những cuộc "cách mạng" đường phố ở hàng loạt nước Trung Đông và Bắc Phi thành cơ hội vàng để củng cố vai trò lãnh đạo của Washington trong khu vực. Một trong những toan tính đó là một cuộc can thiệp quân sự.
Kể từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, chính quyền Mỹ đã chú ý nhiều hơn đến châu Phi vì cho rằng nghèo đói và xung đột triền miên ở khu vực này chính là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố phát triển. Trong đó, các nước khu vực Sừng châu Phi và phía nam sa mạc Sahara được tình báo Mỹ đặc biệt quan tâm vì cho rằng đó không chỉ là nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố đang bị truy lùng mà còn là nơi hình thành các trung tâm huấn luyện, đào tạo các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, chính quyền Mỹ còn có tham vọng khác nhiều hơn là chống khủng bố. Ai cũng biết châu Phi là nơi giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, trong đó có dầu mỏ là nguồn năng lượng đang ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Hiện nay, 10% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ là từ châu Phi và dự báo trong những năm tới, con số này sẽ nhanh chóng tăng lên mức 25%. Nhưng so với nhiều nước khác đang tìm cách khai thác châu lục đầy tiềm năng này, Mỹ lại bất lợi hơn bởi các nước châu Phi không thích hình ảnh của một nước Mỹ hiếu chiến luôn hành xử theo ý mình. Đây là lý do khiến Africom bị châu Phi từ chối. Vì vậy, Mỹ phải tìm cách tiếp cận mới đối với châu Phi và nhất là tìm kiếm sự đồng thuận của các chính phủ.
Thành lập từ tháng 2-2007, nhưng phải đến tháng 9-2008, Africom mới đi vào hoạt động và không thể đặt được bản doanh tại châu Phi. Dù các quan chức Mỹ cho rằng sự ra đời Africom là nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa hai bên để tăng cường hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Nhưng thực tế cho thấy, lý do thực sự của Africom là tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại một lục địa ngày càng có vị trí chiến lược quan trọng. Africom ra đời không nằm ngoài mục đích của Mỹ là thiết lập quan hệ quân sự với các nước xuất khẩu dầu mỏ, tranh giành nguồn cung cấp nguyên liệu với các đối thủ tại châu Phi. Africom có nhiệm vụ giám sát tất cả hoạt động quân sự của Mỹ tại châu Phi, ngoại trừ Ai Cập. Không như các bộ tư lệnh khác, Africom không có quân số thường trực. Khi xảy ra vụ việc, Africom sẽ mượn quân của những bộ tư lệnh khác. Africom có khoảng 2.000 người, một nửa là dân sự và chỉ có 100 người thực sự đóng thường trực tại các quốc gia châu Phi. Theo các nhà phân tích, Africom là trung tâm chỉ huy quân sự mạnh và nhanh chóng trở thành Bộ Chỉ huy tiền phương của Mỹ khi ông chủ Nhà Trắng quyết định can dự vào Libya hay một quốc gia nào đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.