Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc tái thiết nhiều khó khăn

Vân Khanh| 17/09/2011 05:56

(HNM) - Những dòng chữ "Merci Sarkozy" và "Thank you Britain" viết theo phong cách graffiti xuất hiện trên nhiều bức tường của đường phố thủ đô Tripoli được xem như lời chào mừng nhiều ý nghĩa cho chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tới Libya vào ngày 15-9.

Thủ tướng Anh D.Cameron và Tổng thống Pháp N.Sarkozy tới thành trì của NTC tại Benghazi.

Gặp các lãnh đạo Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC), tới thăm nhiều địa điểm tại Tripoli và cả thành trì Benghazi, sự xuất hiện của hai nguyên thủ quốc gia đi đầu trong các nỗ lực hạ bệ nhà lãnh đạo 42 năm cầm quyền Muammar Gaddafi là một chiến thắng biểu tượng cho đại diện còn non trẻ của Libya. Là hai nguyên thủ đầu tiên đặt chân tới quốc gia Bắc Phi, lãnh đạo Anh, Pháp đã khẳng định lại sự ủng hộ và cam kết sát cánh cùng chính quyền mới ở Libya trong nỗ lực tái thiết cực kỳ khó khăn. Sẽ phải bắt đầu gây dựng gần như từ đầu hệ thống chính trị cùng những đổ nát sau giao chiến căng thẳng trong điều kiện nguồn vốn dắt lưng chưa có gì ngoài những cơ sở dầu mỏ vẫn chưa thể vận hành đầy đủ. Do vậy, tuyên bố sẽ thúc giục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua bản dự thảo nhằm dỡ bỏ cấm vận đối với Tổng công ty Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) cũng như ngân hàng trung ương của nước này mà Anh soạn thảo như một món quà quý mà Thủ tướng D.Cameron mang đến đất nước Bắc Phi xa xôi. Khoản viện trợ lập tức 790 triệu USD để NTC chi trả lương bổng cho các nhân viên công quyền và thực hiện một số dự án tái thiết cần kíp nhất từ ông chủ số 10 Phố Downing đã khiến các lãnh đạo NTC yên lòng rằng, những nhà bảo trợ từ châu Âu sẽ không để Libya một mình một ngựa trên sa mạc với chặng đường đầy khó khăn phía trước.

Chuyến đi gần như được giữ bí mật đến phút chót cũng có ý nghĩa quan trọng đối với hai lãnh đạo Anh, Pháp. Dù chưa thực sự bước vào thời kỳ hậu chiến khi giao tranh vẫn đang tiếp tục diễn ra ở một số nơi, nhưng lần công cán này đã đánh dấu thành công bước đầu về chính sách Libya với cá nhân ông D.Cameron và N.Sarkozy. Khi đã có không ít hoài nghi về khả năng sa lầy vào một cuộc chiến hao tài tốn của và chưa biết ngày khải hoàn thì sự có mặt của hai nhà tài trợ chính cho các chiến dịch của NATO tại đất nước sa mạc là một thông điệp chiến thắng. Chuyến thăm tuy ngắn ngủi đã chốt lại một chương khởi đầu của trò chơi chiến tranh đầy may rủi mà thế trận đến thời điểm này đã thuộc về NATO và NTC. Mở rộng ảnh hưởng của đất nước tại vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng với châu Âu trên cả bình diện địa-chính trị lẫn địa-kinh tế, đây cũng được xem như một cơ hội để bộ đôi D.Cameron - N.Sarkozy củng cố uy tín chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng nơi quê nhà vốn đang bất mãn trước thực trạng kinh tế kém tươi sáng.

Mặc dù vậy, khói súng tan bớt cũng không có nghĩa rằng Libya đã bước vào quỹ đạo hòa bình thuận lợi. Tung tích của nhà lãnh đạo bị lật đổ Gaddafi hiện vẫn là một ẩn số; cuộc chống trả quyết liệt của những người trung thành với chế độ cũ tại thành trì cuối cùng như Sirte và Banni Walid đang là thách thức đáng kể trước thành quả còn mong manh của NTC tại Libya. Tìm được ban lãnh đạo có khả năng quản lý đất nước nhằm hướng tới thể chế dân chủ như cam kết và thực hiện các kế hoạch tái thiết... cũng là một bài toán khó với NATO. Nếu không có một chiến lược hợp lý, không dễ bảo đảm rằng một chính phủ mới ở quốc gia Bắc Phi sẽ theo đúng trật tự như phương Tây mong muốn. Đã xuất hiện những cảnh báo về sự có mặt của các nhân vật có tư tưởng Hồi giáo cực đoan trong hàng ngũ lực lượng sẽ nắm quyền ở Libya. Mới đây nhất, Lầu Năm góc đã thừa nhận các phần tử Al-Qaeda đang lợi dụng sự bất ổn an ninh để thiết lập cơ sở và phát triển mạng lưới tại đất nước sa mạc. Nguy cơ Libya biến thành một thiên đường mới của chủ nghĩa khủng bố quốc tế là mối đe dọa cận kề đối với các lợi ích của phương Tây.

Theo lộ trình do NTC đặt ra, quá trình chuyển tiếp ở Libya sẽ kéo dài khoảng 20 tháng. Trong 8 tháng tới một Quốc hội lập hiến gồm 200 thành viên sẽ ra đời để soạn thảo Hiến pháp và thực hiện trưng cầu dân ý trước khi tổng tuyển cử và bầu Tổng thống mới. Có vẻ như, một tiến trình dân chủ đã sẵn sàng ở Libya. Thế nhưng, con đường đến thành công đang phủ đầy gai góc và một giai đoạn hậu Gaddafi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mới chỉ bắt đầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc tái thiết nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.