Khoảng 20h ngày 9-5-2019, cư dân chung cư An Bình City (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cuống cuồng tìm đường chạy khi có tin báo cháy.
Khói đen xuất hiện từ một căn hộ ở tầng 17 rồi lan đến tầng 23. Chủ căn hộ đi vắng, mọi người tìm cách vào để dập lửa và phát hiện điều khó tin: Đám cháy xuất phát từ hành lang, nơi chủ nhà tập kết hàng trăm viên than tổ ong, hộp các tông để đun nấu....

Cách đó không xa, tại một khu tập thể (KTT) cũ ở Hà Nội, đã lâu lắm rồi người dân không còn biết đến bếp than. Không gian đun nấu chật chội, đa phần khu công trình phụ đều đã được cải tạo lại nhưng không có cảnh để đồ đạc bừa bãi, gây mất an toàn... Và, có lẽ cũng vì thế mà người dân sống ở KTT mấy chục năm tuổi này gần đây vơi hẳn nỗi lo hỏa hoạn.

Hai câu chuyện đơn lẻ tưởng như không liên quan nhiều lắm, nhưng khi đặt chúng trong mối liên hệ về vấn đề phòng, chống cháy nổ, chúng ta dễ dàng nhận ra một vấn đề lớn hơn: Trong một không gian có hàng trăm, hàng nghìn người chung sống, tính kỷ luật, nhận thức về trách nhiệm cá nhân và tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình” ở mỗi người được thể hiện ra sao chính là yếu tố quyết định cuộc sống sinh hoạt có được sự bình yên hay không.

Hóa ra, sự hài lòng, cảm giác bình yên ở các khu nhà cao tầng không hoàn toàn phụ thuộc vào việc công trình xây dựng mới hay cũ, hiện đại hay cũ kỹ, lạc hậu, mà liên quan rất nhiều đến hành vi ứng xử, nếp sinh hoạt của cư dân tại đó. Đôi khi, sự thiếu ý thức, dù chỉ của một người thôi, cũng có thể gây hậu quả khôn lường.

Nhưng ở các KTT và chung cư - cách gọi những khu nhà cao tầng mới được xây dựng trong giai đoạn gần đây, phía sau những bức tường đã ngả màu thời gian hay những ô cửa kính sáng loáng, còn những câu chuyện sinh động khác nữa. Ở đó không chỉ có nỗi lo về hỏa hoạn nói riêng và sự an toàn nói chung của hàng nghìn, hàng vạn người!


Tập thể cũ - chung cư mới. Đó còn là câu chuyện ứng xử giữa người với người, là sự va đập giữa nếp sống cũ và lối sống mới khi cư dân có xuất phát điểm khác nhau, điều kiện kinh tế và hiểu biết cùng tập tục văn hóa khác nhau, từ rất nhiều địa phương khác nhau về sống chung trong một không gian có tính đặc thù - nơi mà các cá nhân không thể “tự tung tự tác” như khi ở nhà riêng dưới mặt đất.

Trên thực tế, dù là với những KTT cũ kỹ hay chung cư hiện đại bậc nhất, cả cư dân, chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý về văn hóa đều đang không ngừng tìm tòi, thiết lập sự tương thích giữa một bên là đời sống vật chất đã được nâng cao hơn cả về thu nhập cũng như sự “lên tầng” về nơi ở, với một bên là lối sống, nếp sống và những quy ước cần có để thiết thực nâng tầm giá trị văn hóa “tối lửa tắt đèn có nhau”. Và Nghị quyết số 26-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố” của Thành ủy Hà Nội, được đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy ký ban hành ngày 28-6-2019, là một trong những bước đi mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa yêu cầu cấp bách này.

Bàn về đời sống cộng đồng với bao nét đẹp văn hóa đậm chất Hà Nội từ thời bao cấp, không thể không nói đến các khu tập thể (KTT) được xây dựng cách đây đã rất lâu. Trong không gian sống chật hẹp, giữa những bức tường đã ngả màu thời gian là ký ức về văn hóa ứng xử một thời, sự va đập giữa cũ và mới, nhưng luôn toát lên tinh thần cộng đồng gắn bó.

Giữa nắng hè oi ả cuối tháng 7-2019, ông Trần Nhất Tiêu, Bí thư chi bộ khu dân cư số 7, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) đang soạn kế hoạch hoạt động tháng 8 cho cư dân khu phố. Nào là kế hoạch tổ chức tham quan cho người cao tuổi, nào là kế hoạch tổ chức khen thưởng các cháu thiếu nhi vì đã tham gia các hoạt động sinh hoạt hè một cách nhiệt tình, hiệu quả…

Ông Tiêu nay đã 81 tuổi, người Nam Định, nhưng đã sống tại KTT Bách Khoa từ năm 1956, khi còn là sinh viên, nghĩa là “gần cả đời người” - như ông nói. Sau khi trở thành cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Bách Khoa, ông được cấp một căn hộ ở khu nhà K8 Bách Khoa - một KTT khá tốt so với tiêu chuẩn nhà tập thể lúc bấy giờ.

“Thời đó, có được một chỗ ở như vậy là rất hạnh phúc, dù không gian sống chật chội và thiếu nhiều thứ so với bây giờ, mọi sinh hoạt đều phải “nhìn nhau”. Hành lang, cầu thang được thiết kế tối giản, nhỏ, hẹp và khá tối. Chúng tôi thấy bất tiện, nhưng chẳng ai phàn nàn”, ông Tiêu nhớ lại.

Các KTT tại Hà Nội bắt đầu được xây dựng từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, nhằm cung cấp nơi ở cho đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức công tác tại các cơ quan Trung ương và Hà Nội.

Trong nỗ lực nhằm xây cất nhà nhiều tầng với phương châm “nhanh - nhiều - tốt - rẻ”, ngành Xây dựng đã áp dụng công nghệ mới về xây dựng và hàng loạt KTT đã ra đời: Lương Yên, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Bách Khoa, Phương Mai, Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Vĩnh Hồ… Khi đó, những khối nhà cao tầng này được nhiều người coi là biểu tượng cho sự phát triển.

Tìm gặp những người đã có khoảng thời gian gắn bó lâu với các KTT như ông Tiêu, điều dễ nhận ra là cả những người còn trụ lại hoặc đã chuyển đi, đa số đều giữ trong mình một cảm giác chung về cuộc sống thiếu thốn nhưng đầy ắp tình người.

Bà Nguyễn Hiền, 78 tuổi, người cũng từng gắn bó với nhà K8 Bách Khoa rồi sau này chuyển sang một căn hộ khác ở nhà E1 Bách Khoa - rộng và hiện đại hơn - kể: “Nhà E1 so với nhà K8 là một bước tiến về thiết kế, xây dựng nhà tập thể ở Hà Nội. Khác nhau là vậy nhưng lúc bấy giờ, mọi người không suy nghĩ nhiều về việc ở nhà tập thể hay nhà riêng mặt đất. Tôi nhớ ở khu nhà K7 có một căn hộ được phân cho con gái của một cán bộ cấp cao. Còn ở khu nhà E1 thì hàng xóm có cả gia đình Thứ trưởng Bộ Tài chính. Vậy mà mọi người qua lại với nhau thân thiện, không có cảm giác xa cách”.

Câu chuyện về KTT cũ thường để lại dư vị ngọt ngào về sự gần gũi giản dị như vậy giữa các cư dân sinh sống. Sự thăm hỏi qua lại, đặc biệt là bầu không khí ấm cúng, vui vẻ khi Tết đến khiến ai cũng nao nao mỗi lần hồi tưởng, bởi vào những ngày cuối năm, đa số các căn hộ vẫn sáng đèn, chứ không như ở các khu chung cư ngày nay, tới kỳ nghỉ lễ dài ngày hay Tết Nguyên đán là kéo nhau về quê hết cả. Các KTT khi đó là nhà, không có cảm giác như một nơi ở tạm để chờ tới ngày rời đi…

Theo thời gian, nhiều KTT có tuổi đời hơn nửa thế kỷ nay đã xuống cấp, tường nhà ngả màu, bong tróc hoặc ít nhiều đã thay đổi hình dạng do các gia đình cơi nới. Trong sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, nếp sống của cư dân các KTT cũng có phần khác. Họ không thể thay đổi không gian sống, nhưng đã thay đổi nếp sinh hoạt, văn hoá ứng xử để phù hợp với sự vận động chung của xã hội.

Khu nhà tập thể Đ14, ngõ 167 Phương Mai (quận Đống Đa) như “thay da đổi thịt” sau khi có “cuộc cách mạng” làm sạch khu phố. Dàn cây xanh với những chậu cây tự chế từ các chai nhựa bỏ đi được treo ở sân chơi chung, dọc cầu thang trông khá vui mắt. Giữa nắng hè oi bức, ngột ngạt, những khoảng xanh nổi bật trên nền mảng tường vàng của KTT có tuổi đời gần 40 năm giữ cho không gian sống dịu lại, bình yên.


Bà Đặng Thị Liên, tổ trưởng tổ 27, cụm 9, phường Phương Mai phấn khởi khoe “công trình thế kỷ” mà cả khu dân cư chung tay thực hiện trong hai năm trở lại đây. Dải cây xanh ở hành lang và cầu thang các tầng đã mang đến cho cư dân một không gian sống sinh động không ngờ.

“Khách đến chơi, ai cũng khen nhà cũ mà sạch, đẹp. Chúng tôi phân công rõ ràng, các hộ ở tầng nào thì có trách nhiệm quét dọn, nhặt rác, trồng cây... ở tầng đó. Người có điều kiện chăm sóc thì trồng hoa hồng, cây phong thuỷ, nhà nào bận bịu thì chọn loại cây dễ sống như vạn niên thanh, sống đời… Chỉ cần giữ không gian luôn xanh, sạch thì tự khắc sẽ thấy nơi mình sống đáng yêu hơn hẳn”, bà Liên nói.

Chị Nguyễn Linh mới chuyển đến KTT Kim Liên được vài năm. Ngày mới dọn đến, chị khá ngạc nhiên khi thấy KTT đã cũ, tường đã rêu mốc nhưng mọi người luôn thể hiện ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Là người mới, chị Linh tự thấy mình cần nhanh chóng “nhập gia”.

“Thứ bảy hằng tuần, cả khu hẹn nhau xuống đường dọn vệ sinh, bóc giấy quảng cáo bị dán ở cột điện. Chúng tôi bảo nhau đổ rác theo hiệu lệnh kẻng, chứ không tiện lúc nào đổ rác bừa bãi lúc đó. Sống ở đâu cũng vậy, dù là KTT cũ hay chung cư sang trọng, nếu mọi người cùng ý thức, chung tay giữ gìn thì sẽ có một không gian chung tốt đẹp”, chị Linh chia sẻ.

Cư dân các KTT vẫn luôn giữ được những nét sinh hoạt cộng đồng ấm áp.

Cùng với Phương Mai, nhiều KTT như Trung Tự, Bách Khoa, Giảng Võ, Thành Công… cũng đang có sự chuyển biến về đời sống văn hoá, dù vẫn phải đối diện với những vấn đề về hạ tầng, khi nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, thậm chí là nhếch nhác. Nhưng sự sáng tạo của người dân nơi đây thì luôn vận động không ngừng. Có nơi được làm đẹp bằng những bức bích hoạ nhiều màu sắc như KTT Phụ nữ Trung ương ở phố Pháo Đài Láng, trở thành điểm “check in” của giới trẻ; có nơi trồng nhiều hoa, cây xanh; có nơi tổ chức quét lại vôi, bóc gỡ giấy quảng cáo trên tường, làm sạch khu phố…

Vẫn biết, rồi sẽ đến một ngày, các KTT chỉ còn là ký ức một thời với người Hà Nội, khi mà kế hoạch cải tạo, xây mới các khu nhà này đang được thành phố quyết liệt triển khai để bảo đảm an toàn cho cư dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện mỹ quan đô thị. Nhưng khi nơi đây vẫn là mái nhà chung của hàng nghìn, hàng vạn con người, thì mỗi cư dân tập thể cũ vẫn chuyên tâm gìn giữ nơi mình ở luôn là một môi trường văn hoá, xanh, sạch, đẹp. Để nếp sống ấy truyền cảm hứng cho người mới chuyển đến, hay theo chân người chuyển sang các chung cư hiện đại, là cơ sở gieo những “mầm” thanh lịch, văn minh.

Những khối chung cư mới hàng chục tầng mọc lên ở khắp các quận, huyện đang lấn át hình ảnh những khu tập thể cũ chỉ vài ba tầng. Sống ở chung cư dần trở thành xu thế phù hợp với sự phát triển, nhất là với những cặp vợ chồng trẻ. Nhưng khi “nâng” tầng cao hơn, đời sống lại mang đến nhiều cảm xúc, khi vui, khi buồn.

Trong rất nhiều hình ảnh được đăng trên tài khoản mạng xã hội của cá nhân cũng như trong các câu chuyện phiếm với bạn bè, đồng nghiệp, chị Thanh Hương (sống tại chung cư Royal City, quận Thanh Xuân) thường xuyên “khoe” nơi mình sống. Không chỉ là cả gia đình được chung sống trên một mặt bằng, khu chung cư có nhiều tiện ích “trong mơ” như công viên, hồ bơi, siêu thị, phòng tập gym..., mà nơi chị ở luôn có các hoạt động cộng đồng sôi động. Phụ nữ lập “hội nhóm” sinh hoạt văn hóa hằng ngày, cùng tập nhảy, cắm hoa, nấu ăn. Cánh đàn ông tham gia các buổi liên hoan văn nghệ, trẻ con thì thi đấu thể thao, cùng nhau đi dã ngoại mỗi dịp cuối tuần...

Với anh Đăng Khoa, sống tại chung cư Mulberry Lane (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông), việc lựa chọn một căn hộ chung cư có hạ tầng cơ sở tốt là lựa chọn đúng đắn, bởi không chỉ vợ chồng anh luôn thấy vui vẻ khi tham gia các hoạt động cộng đồng, mà các con anh cũng hồ hởi vì có sân chơi để vui đùa hằng ngày với bạn bè trong khu.

“Nhiều lúc ngồi trong chung cư mà ngỡ như đang ngồi ở resort nào đó. 9h sáng, mọi người đã đi làm hết. Cả mấy dãy nhà khá yên lặng. Nhìn cây cối, hoa lá tươi xanh xung quanh, các bác cao tuổi thư thái dắt tay nhau dạo bộ trong khuôn viên chung cư, tôi thấy cuộc sống thật sự thanh bình”, anh Khoa chia sẻ.

Tuy không sống trong những chung cư cao cấp như chị Hương, anh Khoa, bà Ngô Kim Thuỷ, 64 tuổi, sống ở chung cư The Light (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) đã gần chục năm nay cũng luôn tự hào khi nói về nếp sống văn hoá nơi mình ở.

“Sáng nào, tôi cũng tham gia thể dục với hội người cao tuổi. Chúng tôi hướng dẫn cho nhau những bài tập thể thao, rồi cùng học khiêu vũ. Bên cạnh niềm vui chăm sóc con cái, chúng tôi còn tự tạo thêm niềm vui cho mình bằng việc tổ chức những chuyến đi dã ngoại, tổ chức sinh nhật cho nhau, gặp gỡ nhau hằng ngày, đôi khi chỉ là để chia sẻ bí quyết nấu một món ăn ngon”, bà Thuỷ kể về các hoạt động sôi nổi của cư dân.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như bà Thuỷ, chị Hương, anh Khoa, “chọn” được những người hàng xóm tuyệt vời, giàu nhiệt huyết xây dựng cộng đồng đoàn kết, gắn bó và đáng sống. Bởi ngay cả ở những khu chung cư tưởng như “trong mơ” với cơ sở hạ tầng hiện đại, sang trọng, thi thoảng cũng vẫn vang lên những thanh âm buồn...

Từ đầu năm 2019 đến nay, báo chí cả nước đã có ít nhất 4 lần “phát sốt” về câu chuyện văn hóa chung cư tại Thủ đô.

Vụ việc đầu tiên là vào tháng 3-2019, tại chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) xảy ra màn “cưỡng hôn” trong thang máy của một gã đàn ông trung niên với cô gái trẻ sống cùng tòa nhà. Người có hành vi cưỡng hôn sau đó bị xử phạt hành chính 200.000 đồng, nhưng dư âm của vụ việc được cộng đồng mạng xã hội bàn tán trong suốt khoảng thời gian dài.

Tiếp đó, vào tháng 5-2019, một hộ dân ở tầng 17, chung cư An Bình City (quận Bắc Từ Liêm) đã dùng than tổ ong để đun nấu và gây hỏa hoạn. Điều làm người dân choáng váng là cảnh tượng nhếch nhác, bẩn thỉu ở nơi đun nấu với hàng trăm viên than tổ ong được tập kết tại đây. Không một ai có thể tin rằng, đó là hình ảnh về giá trị cuộc sống ở một chung cư chất lượng cao.

Những hình ảnh chưa đẹp tại một số chung cư trên địa bàn thành phố. Nguồn ảnh: Internet
Những hình ảnh chưa đẹp tại một số chung cư trên địa bàn thành phố. Nguồn ảnh: Internet

Và mới đây thôi, người dân Thủ đô thêm một phen khá “sốc” về vụ việc hai phụ nữ khi đứng chờ trong thang máy nhà PL06, thuộc toà nhà CT2B, đơn nguyên 2, chung cư Gelexia Riverside (quận Hoàng Mai) đã lấy mũ bảo hiểm che camera giám sát để... tiểu tiện. Hay vụ việc bảo vệ khu nhà CT2-D2, chung cư VOV (quận Nam Từ Liêm) có hành vi sàm sỡ hai bé gái trong thang máy vào ngày 1-8 vừa qua…

Những trường hợp kể trên có lẽ mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Còn có rất nhiều câu chuyện không được đưa lên mặt báo. Những câu chuyện có vẻ vụn vặt, nhưng tái diễn hằng ngày, xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, trong các hội nhóm kín của cư dân các khu chung cư khiến cuộc sống của họ thêm phần mệt mỏi.

Chỉ riêng chuyện thang máy ở các chung cư thôi cũng có vô số tình huống “dở khóc, dở cười”, thậm chí là nỗi ám ảnh của không ít gia đình.

Anh Tạ Văn Long, quê Vĩnh Phúc, nhưng lập gia đình và sinh sống tại Hà Nội. Ngày còn ở chung cư Văn Khê (quận Hà Đông), anh chứng kiến không ít chuyện buồn về ý thức của người dân trong việc giữ gìn không gian chung.

“Có lần, vào thang máy, tôi thấy một bác cho bé gái liên tiếp bấm số trên bảng điều khiển thang máy chỉ với mục đích dỗ cho đứa bé ăn hết bát cháo. Tôi nhắc đừng làm thế, hỏng thang, thì bác nhìn tôi đầy thách thức và nói: “Có phải thang máy nhà anh đâu mà giữ”!? Nể người có tuổi, nên tôi không nói thêm nữa, nhưng những chuyện như vậy khiến cuộc sống lắm khi trở nên ngột ngạt”, anh Long kể.

Còn cư dân chung cư 283 Khương Trung (quận Thanh Xuân) từng bức xúc trước hình ảnh một chiếc quần của trẻ nhỏ treo lơ lửng ở màn hình quảng cáo đặt trong thang máy. Khi hình ảnh này được đăng trên nhóm kín của cư dân, không ai nhận lỗi. Hoặc nhiều lần, cư dân bước vào thang máy phải chịu đựng những vũng nước bẩn cùng mùi hôi nồng nặc, dù trước đó nhân viên toà nhà đã làm vệ sinh. Nguyên nhân là người lớn để con trẻ “tè dầm”, để vật nuôi phóng uế trong thang máy nhưng khi đến tầng mình ở, vẫn bình thản bước đi…

Hành lang chung cư cũng là nơi thường xảy ra xung đột. Anh Nguyễn Văn Thảo, bảo vệ ở chung cư cao cấp Ecolife Capital (quận Nam Từ Liêm) cho biết, một trong những vấn đề gây tranh cãi hiện nay là nhiều khu chung cư cho phép cư dân tổ chức liên hoan ở hành lang các tầng. Nhiều gia đình còn tổ chức nấu ăn, thuê nấu cỗ tại khu vực hành lang, cầu thang bộ, không chỉ khiến chung cư nhếch nhác, mà còn gây mất an toàn cho cả toà nhà.

Những thực tế ấy khiến câu hỏi về “Cuộc sống lên tầng, văn hóa “lên” đâu?” lại thêm một lần trăn trở với những người luôn mong mỏi chung cư thực sự là một nơi đáng sống. Rõ ràng, bên cạnh những tiện ích sống hiện đại mà các tòa chung cư mang lại, nếp sống nơi đây vẫn còn nhiều khoảng trống, chưa thể “hài hoà” với hạ tầng.

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội liên tiếp ban hành các chương trình về xây dựng văn hoá, người Hà Nội thanh lịch nhằm tiến tới xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, thành phố sáng tạo nhưng vẫn đậm nét truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều vấn đề về văn hoá ứng xử tại chung cư đang gây lo ngại, mà nguyên nhân không chỉ xuất phát từ phía cư dân...

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, cùng với hơn 1.500 nhà chung cư cũ, trên địa bàn thành phố có 959 nhà chung cư mới, trong đó nhiều toà có sức chứa tới vài nghìn người. Khác với các KTT ngày xưa, giờ đây, việc cư dân chung cư có xuất phát điểm khác nhau, trình độ học vấn khác nhau, địa vị xã hội khác nhau… đã chứa đựng ẩn họa rạn nứt quan hệ ngay từ khi họ đến để cùng nhau thành lập cộng đồng. Bởi thế, dù các chung cư đều có nội quy, quy định chung, nhưng không phải ai cũng tự giác thực hiện. Tâm lý “cha chung không ai khóc”, “sạch mình, xấu người” đã khiến nhiều toà nhà khang trang, đẹp đẽ sớm hoá “lem nhem”.



Chị Nguyễn Hiền Chi, sống tại chung cư HH3, Linh Đàm (quận Hoàng Mai) kể, nhiều lần chị và những người khác đang dạo chơi thì bị hắt nước từ trên tầng cao xuống. Không hiểu nước từ nhà nào, sạch hay bẩn, nhưng hành động thiếu ý thức đó khiến mọi người rất khó chịu.

Chị Bùi Vân, ở chung cư 283 Khương Trung (quận Thanh Xuân), thậm chí còn nhặt được cả bỉm, tã trẻ em rơi xuống ban công nhà mình. Còn chị Thanh Hương, ở chung cư Royal City (quận Thanh Xuân), vốn tự hào về nơi mình ở là thế, mà cũng có lần buồn bã gửi cho bạn bè bức ảnh chụp đống phân chó bị kéo thành vệt dài trên sàn hành lang lát đá bóng loáng - “sản phẩm” của một cư dân khi dắt chó đi dạo.

Ngoài những mâu thuẫn nảy sinh từ lối sống, vấn đề ứng xử giữa cộng đồng cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý toà nhà, ban quản trị cũng đang khá nhức nhối, mà phần lớn bắt nguồn từ lợi ích kinh tế.

Đơn cử như tại quận Hà Đông, không ít người dân đã tổ chức treo băng rôn phản đối chủ đầu tư. Điển hình như chung cư The Silk (phường La Khê), cư dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư chậm bàn giao nhà; tại chung cư Booyoung Vina Mỗ Lao treo đầy biểu ngữ khắp các ban công với nội dung “Yêu cầu chủ đầu tư trả lại lối đi chung của cư dân”, “Yêu cầu chủ đầu tư trả lại hành lang sảnh B”; chung cư Nam Cường (khu đô thị Dương Nội) bị người dân phản ứng vì xây dựng sai thiết kế, trang thiết bị xây dựng không đúng chất lượng như cam kết…


Tất cả những câu chuyện ít nhiều gây bức xúc nói trên đều có chung một nguyên nhân: Chúng ta đang có những lỗ hổng trong quản lý! Chúng ta thiếu quy định quản lý riêng cho các chung cư, trong khi chế tài lại “mỏng”, nên khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, cả cư dân lẫn đơn vị quản lý đều lúng túng, bị động trong xử lý.

Chúng ta không thể trách những người nhập cư mang theo tập quán, lối sống ở mặt đất lên nhà cao tầng. Bởi với chung cư cao tầng hiện nay, chúng ta mới thiên về tiếp cận dưới góc độ kinh tế, bất động sản, mà ít đề cập tới chuyện văn hóa, lối sống, trong khi đích đến của thiết kế đô thị không phải là kiến tạo ra những khối vật chất vô hồn, mà là kiến tạo xã hội, kiến tạo các cộng đồng dân cư có sự sẻ chia, đồng lòng...

PGS.TS Phạm Thuý Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia nhận xét, có vẻ như chất lượng sống của cư dân đang trong tay các nhà thầu xây dựng. Các nhà đầu tư xây chung cư với mục tiêu tăng lợi nhuận nên đã tăng mật độ xây dựng ở mức tối đa. Và cách nhanh nhất chính là cắt giảm không gian chung như sân chơi, không gian sinh hoạt cộng đồng, không gian xanh, thay vào đó là dựng lên dày sát các tòa nhà, khép kín, hành lang chật hẹp…, vô hình trung tạo nên rào cản để con người cởi mở với nhau.


Từ bất cập trong các mối quan hệ cộng đồng tại các chung cư, nhìn sang các KTT cũ, không ít người chạnh lòng, vì tuy không có được những thiết chế văn hoá hiện đại bằng, nhưng đời sống văn hoá nơi đây lại có phần bình yên hơn.

Trong câu chuyện của mình, GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, gốc rễ giúp nếp sống tại các KTT đang có phần “nhỉnh” hơn cư dân ở chung cư, đó chính là yếu tố dân cư đồng đều (do cơ chế chọn người vào ở thời bao cấp), ít bị xáo trộn bởi “người đến, kẻ đi” liên tục. Nhưng điều quan trọng nhất chính là quy tắc “nhìn nhau mà sống”, “mình vì mọi người”, thân thiện và bình đẳng đã thấm vào lối sống của mỗi người dân ở KTT, là nền tảng để “cảm hóa” cả người đến và đi.

Dưới góc độ không gian kiến tạo văn hóa cộng đồng, chúng ta dễ nhận thấy, các KTT cũ chỉ cao 4, 5 tầng và sử dụng cầu thang bộ. Đặc biệt, hành lang chung giữa các hộ trong từng tầng đều thông thoáng, mở trực tiếp ra không gian bên ngoài. Một cách tất yếu, hành lang này trở thành không gian sinh hoạt chung của cả tầng, rất phù hợp với văn hóa sinh hoạt truyền thống của người Việt là luôn đề cao sự tương tác, chia sẻ, gặp gỡ làng xóm.

Chị Phạm Thu Huyền, từng có thời gian dài sống ở KTT Thành Công kể, hàng xóm láng giềng trong khu gần như biết hết mặt nhau. Buổi sáng, người dân đi làm đã chào nhau rôm rả từ hành lang cho đến nhà để xe ở tầng 1. Buổi chiều, nhỡ giờ đón con, chị có thể điện thoại nhờ hàng xóm giúp. Vào bữa cơm tối, có nhỡ nhàng, chưa kịp mua quả chanh, quả ớt, cũng có thể sang hàng xóm xin “tiếp viện” mà không phải ngại ngần gì. Sống ở KTT giữa bầu không khí thân tình là thế, khi mới chuyển về chung cư mới, chị không khỏi hẫng hụt.



“Dù các gia đình sống cùng tầng hứa hẹn cùng tổ chức giao lưu, liên hoan trong những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, nhưng do toàn gia đình trẻ, bận rộn, được nghỉ dài ngày là lại rồng rắn về quê, nên cuối cùng vẫn là cảnh “nhà nào biết việc nhà nấy”. Vào thang máy có gặp nhau cũng chỉ kịp chào hỏi xã giao, về nhà là đóng cửa... Chung cư cao cấp có ưu điểm lớn về điều kiện bảo đảm an ninh, bảo mật, nhưng đó cũng là nguyên nhân khiến các hộ gia đình xa cách nhau hơn”, chị Huyền chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 9 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15-2-2016 của Bộ Xây dựng, các nhà chung cư phải có Bản nội quy quản lý, sử dụng, trong đó quy định cụ thể các nội dung có liên quan về ăn ở, sinh hoạt của người dân tại chung cư. Nhưng thực tế, những nội quy, quy định này đi vào cuộc sống ra sao, cư dân chấp hành thế nào cũng còn là vấn đề.

Theo ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và văn hoá gia đình (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội), trong khi chưa có quy tắc ứng xử riêng dành cho các khu nhà cao tầng, cả chung cư và KTT đều cần có sổ tay với những tiêu chí, tiêu chuẩn chung cho những người sống ở đó. Thành phố đã ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng, chỉ dẫn những việc nên làm và không nên làm. Các KTT và chung cư mới nên niêm yết những quy tắc ứng xử này, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc kiến tạo không gian sống văn minh, văn hoá.

Sống ở KTT hay chung cư đều đòi hỏi sự cộng sinh, ứng xử điềm tĩnh, hài hòa rất cao. Và việc xây dựng các thiết chế để mỗi người hướng tới cộng đồng luôn là lối sống lành mạnh, cần thiết. Trong một cuộc sống hối hả, tất bật, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, câu thành ngữ xưa "Bán anh em xa, mua láng giềng gần" có lẽ vẫn chưa hề cũ.

Với xu hướng tất yếu của đô thị hoá, một Hà Nội của những khu tập thể cũ rồi sẽ sớm biến mất, nhường chỗ cho các chung cư hiện đại. Sự phát triển của Thủ đô đang vô cùng hối hả. Và văn hoá chung cư cũng cần được nhanh chóng “nâng cấp”, cần sự nỗ lực vào cuộc một cách trách nhiệm của người dân và cả các cơ quan quản lý - Vì một chuẩn mực sống mới.

Dẫn chúng tôi đi dọc hành lang sạch bóng, sáng choang của tòa nhà, ông Hoàng Văn Yến, bà Lê Thị Quế, chị Trần Thị Nga, những cư dân chung cư Gelexia Riverside (quận Hoàng Mai) hồ hởi chỉ cho chúng tôi những điểm được đánh dấu trên tường để chuẩn bị treo các bảng quy tắc ứng xử. Cứ hễ có ai gợi lại vụ tiểu tiện trong thang máy, họ lại lảng đi. Họ muốn dùng những việc làm của hôm nay lấp chỗ của câu chuyện đáng xấu hổ hôm nào.

Cùng với Gelexia Riverside, chung cư An Bình City (quận Bắc Từ Liêm), nơi xảy ra vụ hoả hoạn do than tổ ong, cũng đang chuyển động. Những tấm biển "Vì một cộng đồng văn minh - an toàn. Hãy giữ vệ sinh chung" được treo ở hành lang, cầu thang... với hình ảnh trực quan, sinh động để người dân dễ tiếp thu, thực hiện, từ đề nghị nói nhỏ, đứng gọn, không làm ướt thang máy đến yêu cầu đeo rọ mõm cho chó, cấm hút thuốc không đúng nơi quy định...


Những "điểm nóng" về văn hóa ứng xử tại chung cư của Hà Nội đã tự sửa mình bằng nhiều việc làm tích cực như thế, để hoà chung vào nhịp chuyển động của cả Hà Nội, nhằm xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn cho cư dân.

Sau 2 năm triển khai hai quy tắc ứng xử ở công sở và nơi công cộng, công dân Thủ đô, trong đó có một phần không nhỏ sống ở chung cư, đã "ngấm" dần tinh thần sống văn minh. Và điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng tích cực đến lối sống của họ tại nơi cư trú. Do đó, khi những vụ việc nhức nhối xảy ra tại một số chung cư, vấn đề bảo đảm an toàn và thực hành ứng xử văn hoá trong các khu nhà cao tầng càng nhận được sự quan tâm lớn hơn bao giờ hết. Làm thế nào để hạn chế dần những hành vi thiếu ý thức, lệch chuẩn của một số cá nhân, để những chuyện buồn chung cư sẽ chỉ còn là "quá khứ" - đó là mong ước của mọi cư dân.

Từ cuối tháng 6-2019, nhiều quận như Hoàng Mai, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm đã phát động việc triển khai mô hình điểm "Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung". Bên cạnh những nội dung trong hai quy tắc ứng xử của thành phố, quy tắc ứng xử ở chung cư cũng được bổ sung với nhiều nội dung cụ thể như: Tôn trọng không gian chung; ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; không phá cây xanh, hoa cỏ; không hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế bừa bãi... Đơn cử, Ban quản lý Chung cư Ecolife Capital (quận Nam Từ Liêm) đã treo bảng nội quy trong khu với các mức xử phạt từ 1 đến 5 triệu đồng nếu cư dân có hành vi như: Làm bẩn khu vực công cộng, hành lang; ăn uống, nằm ngủ tại khu vực sảnh, hành lang, cầu thang; hút thuốc, tiểu tiện không đúng nơi quy định; đổ rác, vật liệu xây dựng bừa bãi...

Mới đây nhất, ngày 9-8-2019, UBND quận Cầu Giấy đã trao quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư Home City (phường Yên Hòa). Đây là khu chung cư đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, đến mức người dân từng đỗ xe kín lòng đường gây ách tắc giao thông, giơ băng rôn, biểu ngữ, buộc chính quyền địa phương phải can thiệp. Xác định thành lập ban quản trị chung cư là cánh tay nối dài để chính quyền địa phương nắm được tâm tư, nguyện vọng của cư dân, quận Cầu Giấy đã tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, khoảng 90% nhà chung cư thương mại trong tổng số 140 tòa, cụm tòa nhà trên địa bàn quận đã được thành lập ban quản trị.

Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 950.000 người đang sống ở các chung cư. Dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ tăng thêm 1,5 triệu người nữa. Vì vậy, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử là rất cần thiết, qua đó góp phần hình thành nhân cách, kỹ năng sống tốt hơn cho thế hệ trẻ.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cùng với việc xây dựng các quy tắc ứng xử riêng tại chung cư, điều quan trọng là phải có những biện pháp, chế tài để xử lý người vi phạm. Chế tài ấy không nhất thiết đánh vào kinh tế, mà có thể có những cách thức nhắc nhở, răn đe, để mỗi người tự thấy xấu hổ nếu có hành xử không đúng.

Mặc dù loại hình chung cư mới phát triển ở Hà Nội quãng 20 năm, nhưng nhiều chuyên gia đã cảnh báo về hội chứng cô đơn, sống tách biệt, khép mình - “không ở đâu và cũng chẳng thuộc về đâu” như đã từng xảy ra ở nhiều nước phương Tây đang hình thành.

Theo PGS.TS.KTS Khuất Tân Hưng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, mỗi người đều cần một chốn đi về mà ở đó có những thanh âm cuộc sống: tiếng cười - khóc của con trẻ, lời chào và những câu chuyện phiếm của hàng xóm… để thấy mình liên kết với xã hội. Vì vậy, bên cạnh bộ quy tắc ứng xử, một yếu tố vô cùng quan trọng là phải bảo đảm cơ sở hạ tầng, kiến trúc của các công trình chung cư duy trì được đặc trưng văn hóa bản địa nhưng vẫn có tính thống nhất chung để định hướng ứng xử và điều chỉnh hành vi của cư dân theo hướng phù hợp với đời sống văn minh đô thị.

Muốn vậy, các khu chung cư phải tuân thủ quy hoạch, thiết kế xây dựng đã được phê duyệt, trong đó dành quỹ đất cho các không gian mang tính cộng đồng cao để người dân có cơ hội giao tiếp, gắn kết tình cảm như: Nhà cộng đồng, thư viện, sân chơi ngoài trời, sân thể thao; tách biệt giao thông cơ giới với các lối đi bộ hay xe đạp dẫn đến các địa điểm sinh hoạt công cộng để khuyến khích người dân tham gia các hoạt động cộng đồng ngoài trời....

Nhận thức rõ những yếu tố mới đang nảy sinh, đặc biệt là vai trò kiến tạo văn hóa của không gian sống, để bảo đảm sự phát triển bền vững của đời sống đô thị, trong rất nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề đô thị, quản lý chung cư, lãnh đạo thành phố luôn nhấn mạnh việc phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng xây dựng công trình, nghiêm khắc xử lý những chủ đầu tư để xảy ra sai phạm, không bảo đảm hạ tầng.

Trong buổi làm việc với Sở Xây dựng về nhiệm vụ năm 2019, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng ngoài việc làm tốt hơn nữa chương trình phát triển nhà ở và cải tạo chung cư cũ, còn phải có các giải pháp khắc phục hiệu quả những bất cập, hạn chế tồn tại trong vận hành nhà chung cư. “Không để các chủ đầu tư đưa người dân vào ở khi nhà chưa đủ điều kiện”, Bí thư Thành ủy lưu ý.

Ngày 28-6-2019, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Nghị quyết xác định rõ, đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hiện nay của cả hệ thống chính trị thành phố để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.


Quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền Hà Nội, sự chủ động tham gia của người dân đang là đòn bẩy tạo ra những chuyển động tích cực trong đời sống văn hoá tại các KTT và chung cư, từng bước xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh, đáng sống. Và quan trọng hơn, để cuộc sống “lên tầng” luôn song hành cùng nâng tầm văn hoá.


Bài viết: Hồng Vân - Hoàng Quyên
Ảnh: Lê Đức Kim, Quang Thái và một số tác giả
Infographic: Trung Trực
Video clip: Quang Thái
Trình bày: Thành Phong

Back To Top