Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc rượt đuổi ngoạn mục

Đình Hiệp| 22/08/2010 07:57

(HNM) - Chính trường Australia vừa chứng kiến thời khắc lịch sử căng thẳng khi 1.198 ứng cử viên tham gia cuộc đấu giành quyền lực hết sức cam go tại hai viện của Quốc hội, với nhiệm kỳ 6 năm (trừ 4 ghế dành cho vùng lãnh thổ thủ đô và vùng lãnh thổ phía bắc có nhiệm kỳ 3 năm).

Thủ tướng Julia Gillard bỏ phiếu bầu cử Quốc hội liên bang ngày 21-8.


Cuộc bầu cử Quốc hội liên bang khóa 43 diễn ra ngày 21-8 đã đi vào lịch sử của xứ sở Kangaroo, bởi suốt 50 năm qua, chưa từng có cuộc đua nào lại gay cấn đến phút chót như lần này giữa hai đối thủ nặng ký là Công đảng cầm quyền của Thủ tướng Julia Gillard và liên đảng Tự do - Dân tộc đối lập do ông Tony Abbott lãnh đạo.

Cuộc rượt đuổi khó lường đến phút chót, khi kết quả sơ bộ mới nhất tính đến tối 21-8 (giờ Việt Nam) cho thấy, không đảng nào hội tụ đủ 76 trong tổng số 150 ghế tại Hạ viện để có thể đứng ra thành lập chính phủ. Kết quả sơ bộ cho thấy, Công đảng chỉ giành được 71 ghế, trong khi liên đảng Tự do - Dân tộc đối lập chiếm 74 ghế, đảng Xanh 1 ghế và các đảng khác 4 ghế. Như vậy, cán cân quyền lực trên chính trường Australia lại đang phụ thuộc vào quyết định của các ứng cử viên độc lập. Nếu kết quả chính thức đúng như kết quả sơ bộ, điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại nhất - một Quốc hội "treo" đầu tiên trong vòng 70 năm qua khi không đảng nào giành chiến thắng áp đảo để thành lập chính phủ - đã trở thành hiện thực tại Australia.

Lên nắm quyền cách đây chưa đầy 2 tháng sau cuộc "đảo chính không đổ máu" gây nhiều tai tiếng trong nội bộ Công đảng cầm quyền khiến người tiền nhiệm Kevin Rudd phải ra đi, nữ Thủ tướng Julia Gillard đang phải gồng mình chèo lái con thuyền kinh tế đất nước trước nguy cơ rơi vào suy thoái và để giành lại uy tín của cử tri Australia khi tỷ lệ ủng hộ Công đảng sụt giảm nghiêm trọng. Điều này giải thích vì sao trong chiến dịch tranh cử vừa qua, nữ Thủ tướng Julia Gillard lại tập trung vào một loạt vấn đề nóng như chính sách kinh tế và việc làm, dân số và người nhập cư, kế hoạch "siêu thuế" 30% đánh vào lợi nhuận của ngành khai mỏ, biến đổi khí hậu và môi trường, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội... Cùng với nhiệm vụ kế tục những "di sản" còn dang dở của người tiền nhiệm Kevin Rudd để lại, việc thúc đẩy chuyện rút sớm 1.550 binh sĩ Australia ra khỏi Afghanistan trong nỗ lực xoa dịu sự bất mãn của cử tri về cuộc chiến cũng là quan tâm hàng đầu của Thủ tướng Julia Gillard.

Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội liên bang - với sự tham gia của hơn 14 triệu cử tri để bầu ra 150 ghế Hạ viện và một nửa Thượng viện (40 trong tổng số 76 ghế) lần này - như "phép thử" đầu tiên với khả năng lãnh đạo đất nước của nữ Thủ tướng Julia Gillard. Cuộc bầu cử lần này không chỉ mang ý nghĩa sống còn với Công đảng cầm quyền mà còn có thể ảnh hưởng tới chiếc "ghế nóng" mà nữ Thủ tướng Julia vừa ngồi lên. Theo quy định, liên đảng đối lập chỉ cần giành thêm 17 ghế Hạ viện, trong khi Công đảng cầm quyền hiện đang nắm 83 ghế phải cố gắng chỉ được để mất tối đa 7 ghế là có thể thành lập chính phủ mới. Song kết quả sơ bộ trên đều bất lợi cho cả đôi bên. Điều này cũng không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia phân tích, bởi các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử  một ngày cho thấy, liên đảng Tự do - Dân tộc ở vị trí ngang bằng 50-50 với Công đảng cầm quyền trong cuộc đua này.

Với quyết tâm thực hiện thành công cuộc tổng tuyển cử - cơ hội của người dân để lựa chọn liệu Australia sẽ "tiến về phía trước" hay sẽ "quay trở lại" - Thủ tướng Julia mong muốn cùng người dân đưa đất nước Australia phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, kết quả bất lợi trên như một gáo nước lạnh dội vào những tham vọng còn dang dở của bà Julia. Kết quả này cũng đồng nghĩa với việc nữ Thủ tướng Julia khó có cơ hội để hiện thực hóa những cam kết của mình.

Song dù đảng nào lên nắm quyền đi chăng nữa, gánh nặng vực dậy nền kinh tế cùng một loạt vấn đề cấp thiết mà Australia đang phải đối mặt là những thách thức không dễ vượt qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc rượt đuổi ngoạn mục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.