Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc mặc cả vẫn chưa ngã ngũ

Vân Khanh| 08/11/2013 05:56

(HNM) - Trong vòng 4 tháng đã có thêm 2,5 triệu người Syria được đưa vào danh sách cần trợ giúp, như vậy, 40% dân số quốc gia này đang phải sống nhờ vào hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Sự khác biệt giữa Nga và Mỹ đang khiến những nỗ lực hội nghị Geneva 2 có nguy cơ tan vỡ.



Và con số này vẫn tăng lên một cách đáng kinh ngạc bất chấp việc ngòi nổ của một cuộc tấn công quân sự vào Syria đã được vô hiệu hóa bởi một thỏa thuận giải giáp vũ khí "xưa nay hiếm". Những nỗ lực đến thời khắc cuối cùng để cứu Damascus khỏi nanh vuốt của Thần chiến tranh thực sự xứng đáng để Tổng thống Nga Vladimir Putin được nhận giải Nobel Hòa bình danh giá. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp này mới chỉ giúp chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tránh được cuộc tấn công bên ngoài, chưa thể khiến gần 19 triệu người dân vô tội thoát khỏi những khổ hạnh của cuộc nội chiến dai dẳng. Tìm kiếm giải pháp toàn diện nhằm kết thúc hơn 3 năm chiến sự tại đất nước Trung Đông là mục tiêu mà các bên đặt ra khi lên kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình Syria lần thứ hai. Tuy nhiên, mọi hy vọng đã tan biến khi Geneva-2 dự kiến diễn ra vào cuối tháng này sẽ hoãn đến một thời điểm chưa xác định.

Dự kiến vào tháng 6, dời tới tháng 7 và rồi lại đến tháng 11, việc sự kiện được xem như là có ý nghĩa "hạ màn" cho cuộc chiến tàn khốc tại Syria cuối cùng vẫn "chưa đâu vào đâu". Dù niềm hoan hỉ sau thỏa thuận đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình hôm 7-5 đã thúc đẩy hai cường quốc đóng vai trò chủ chốt trên "sân khấu" Syria là Nga và Mỹ đồng ý về hội nghị thứ hai tại Geneva, thì những bất đồng cố hữu một lần nữa lại trì hoãn kế hoạch vãn hồi hòa bình. Quan điểm khác biệt mới chỉ được dung hòa một phần giữa hai siêu cường, chưa thể gặp nhau xung quanh nhiều vấn đề then chốt, từ thành phần tham gia hội nghị đến mục tiêu của sự kiện này.

Trong khi Mỹ quả quyết rằng Geneva-2 phải có sự tham gia của cả phái đoàn đại diện cho chính quyền Syria và lực lượng nổi dậy mà Liên minh dân tộc Syria (SNC) là đại diện duy nhất. Thì ở phía bên kia, Nga khẳng định phe đối lập phải bao gồm các thành phần đa dạng từ trong và ngoài nước. Nếu như Washington kiên quyết ngăn cản sự có mặt của Iran trên bàn đàm phán vì cho rằng Tehran đang hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Al-Assad thì Mátxcơva cũng chẳng nề hà cho rằng chính Mỹ cũng đang công khai hỗ trợ phe nổi dậy, thế nên tất cả các chủ thể có ảnh hưởng tới tình hình Syria phải được mời tham dự, bên cạnh các quốc gia Arab phải có Iran. Tuy nhiên, lập trường kiên định của Kremlin không hề "vừa ý" nhiều đồng minh Hồi giáo của Mỹ tại khu vực. Sau những động thái nhằm phá băng quan hệ thù địch giữa Washington và Tehran, chưa hẳn là Mỹ mà chính các đối tác Arab quan trọng của siêu cường đã không chấp nhận ngồi chung bàn với nước Cộng hòa Hồi giáo. Ngoài vương quốc dầu mỏ giàu có Qatar còn có Saudi Arabia, một nước lớn trong thế giới Arab vốn đã đổ rất nhiều tiền bạc giúp lực lượng đối lập Syria. Thậm chí, để tỏ thái độ không hài lòng với cách xử lý mà họ cho là yếu đuối của Mỹ trong vấn đề Syria, Riyadh đã sử dụng ảnh hưởng mạnh mẽ của mình khiến SNC tuyên bố không đến Geneva-2.

Tất nhiên, giải quyết vụ "lùm xùm" này không phải là bất khả thi. Nhưng, việc thay đổi chủ trương loại bỏ vai trò của ông Al-Assad trong chính quyền tương lai của Syria mà Mỹ và bạn hữu đã thống nhất lại không phải là chuyện dễ. Không chỉ Nga tỏ ra bực bội với chính sách trên mà Damascus cũng tuyên bố khước từ tới Geneva một khi mục đích chính của hội nghị là "xóa sổ" cái tên của vị tổng thống đương nhiệm Syria trên chính trường thời hậu nội chiến.

Vì vậy, phải nói rằng Mỹ cũng đang rất bối rối trong ván bài Syria trong bối cảnh nền hòa bình tại quốc gia có vị trí chiến lược tại Trung Đông nằm giữa sự giao thoa lợi ích của quá nhiều quốc gia mà hai người chơi chính là Mỹ và Nga không thể bỏ qua. Sự khác biệt về quan điểm của các bên cùng những nỗ lực lôi kéo đồng minh đã biến Syria thành một chiến trường mà đối thủ nào cũng muốn giành quyền kiểm soát. Nói cách khác, sự can dự của các nước là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xung đột kéo dài ở quốc gia Trung Đông. Do đó, một thỏa thuận chung giữa các nước liên quan sẽ là chìa khóa mở cánh cửa bế tắc hiện nay. Song, chừng nào cuộc mặc cả lợi ích, đặc biệt giữa hai cường quốc Nga - Mỹ chưa ngã ngũ thì đám mây mù trên thành Damascus sẽ không thể tan đi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc mặc cả vẫn chưa ngã ngũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.