Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc khủng hoảng Ukraine: Phép thử khó cho ngoại giao Mỹ

Thùy Dương| 22/04/2014 06:22

(HNM) - Cuộc khủng hoảng tại Ukraine trong thời gian qua đã đưa Mỹ và các nước phương Tây vào thế đối đầu với Nga. Đặc biệt khi Crimea đã thuộc Nga như

Khủng hoảng chính trị ở Ukraine đang thách thức chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống B.Obama.



Sau sự kết thúc của thời kỳ Chiến tranh lạnh kéo dài, Mỹ và Nga nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác mới, thay thế cho cấu trúc đối lập về tư tưởng và chính sách. Trong suốt gần 3 thập kỷ qua, mối quan hệ này trải qua nhiều thử thách, nhưng vẫn được duy trì với một phương thức hợp tác đặc biệt. Bất kể rạn nứt sau khủng hoảng tại Kosovo, chiến tranh Iraq hay vấn đề Gruzia… quan hệ Nga - Mỹ vẫn luôn được điều chỉnh để tái lập trạng thái cộng sinh, dù không phải lúc nào cũng vững chắc và ổn định. Tuy nhiên, ngày 18-3 vừa qua, Điện Kremlin tổ chức lễ ký kết hiệp ước sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga và Tổng thống Vladimir Putin có bài phát biểu lịch sử. Theo các nhà phân tích, quyết định này đã mở ra một thời kỳ mới đầy thử thách cho mối quan hệ giữa hai cường quốc. Dẫu vậy, vẫn có những quan điểm lạc quan cho rằng thế giới khó có thể trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh như trước đây. Do lợi ích chiến lược của từng nước nên các cường quốc thực chất vẫn rất cần tới nhau, vẫn phải dựa vào nhau để phát triển. Nói cách khác, mối quan hệ giữa Nga - Mỹ dẫu đầy gập ghềnh nhưng lại có quá nhiều điểm cần phải nương tựa vào nhau, đặc biệt trong việc chấm dứt cuộc chiến dai dẳng ở Syria, hồ sơ hạt nhân Iran, lộ trình cắt giảm vũ khí hạt nhân, triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu...

Theo đánh giá của giới quan sát, đến năm 2020 kinh tế Nga có thể ngang bằng Mỹ. Hiện kinh tế Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ; GDP đã lần lượt vượt Pháp, Brazil, Italia và vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Dự kiến trong 5 năm tới, Nga sẽ đứng thứ 5 thế giới với dự trữ ngoại tệ tới trên 600 tỷ USD và cũng là nước đứng ngoài Tổ chức OPEC có sản lượng dầu lửa lớn nhất thế giới. Thêm nữa, Nga chỉ đứng sau Mỹ về thực lực quân sự. Trong khi đó, do sa lầy trong hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, tiếp đó là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, nền kinh tế Mỹ sa sút khiến nội lực của cường quốc số 1 thế giới bị tổn thất ít nhiều. Cùng với đó, nền kinh tế Châu Âu ngày càng lún sâu vào khủng hoảng và suy thoái trầm trọng. Do vậy, với Washington, đối đầu quân sự với Nga - một cường quốc quân sự và kinh tế đang nổi có thể sẽ gây mất mát nhiều hơn là thành công.

Với hàng loạt vấn đề đang cùng hợp tác, nếu cục diện căng thẳng, bế tắc hiện nay cứ kéo dài thì cả Nga và phương Tây đều thiệt hại. Hiển nhiên Mỹ và EU ý thức rõ điều này, cho nên dù đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với Nga nhưng trên thực tế cũng chỉ ở chừng mực nhất định. Ngược lại, Nga vẫn cần tới Mỹ và phương Tây, nhất là Châu Âu, một thị trường lớn nhất của Nga. Kim ngạch buôn bán Nga - EU chiếm tới 50% tổng kim ngạch buôn bán của Mátxcơva. Bởi vậy, Tổng thống V.Putin từng tuyên bố Châu Âu là mái nhà chung của Nga và Nga mong muốn hợp tác với EU.

Trên tinh thần đó, ngày 17-4 vừa qua, Nga, Mỹ, EU và Ukraine đã đạt được thỏa thuận tạm gọi là "lịch sử" về vấn đề Ukraine. Những điều khoản của thỏa thuận có trở thành hiện thực hay không, cần phải có thời gian dài để kiểm chứng. Nhưng vấn đề quan trọng là tất cả các bên đã đồng ý cùng ngồi lại với nhau tại Geneva để thảo luận về các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo đó, Mỹ và EU đã đồng ý không áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga nhằm hướng tới hạ nhiệt cuộc đối đầu. Đổi lại, Chính phủ lâm thời Ukraine hứa sẽ phân cấp quyền lực, cho phép khu vực phía đông có nhiều người gốc Nga có quyền tự chủ hơn. Để khẳng định sự hợp tác tích cực sau thỏa thuận này, giữa lúc căng thẳng ở miền Đông Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, chiều 21-4, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Ukraine. Chuyến thăm 2 ngày của vị lãnh đạo số 2 nước Mỹ diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Mỹ đồng thời muốn tạo những cơ hội hợp tác với Nga nhưng cũng không quên thể hiện sự ủng hộ với chính quyền lâm thời Ukraine.

Vì vậy, có thể nói rằng, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã trở thành một phép thử khó khăn trong chính sách ngoại giao của xứ Cờ hoa, nhất là việc duy trì quan hệ Nga - Mỹ mà vẫn không tổn hại đến uy tín và lợi ích của Washington. Nhưng dù có nhiều điểm bất đồng đến đâu thì quan hệ này vẫn chưa ra khỏi xu thế hòa bình, đối thoại và hợp tác đang chi phối sự phát triển của thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc khủng hoảng Ukraine: Phép thử khó cho ngoại giao Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.