(HNM) - Cuộc khủng hoảng tại Syria đang rơi vào vòng xoáy khó đoán định. Vụ thảm sát tại thị trấn Houla ở tỉnh miền Trung Homs, hồi cuối tháng 5 vừa qua, với việc các quan sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) tìm thấy 108 thi thể, trong đó có 32 trẻ em chưa lắng dịu thì ngày 7-6, lại có ít nhất 86 người gồm cả phụ nữ và trẻ em thiệt mạng tại tỉnh Hama.
Phe đối lập ngay lập tức cho rằng, vụ việc này do các lực lượng thân chính quyền của Tổng thống B.A.Assad gây ra. Trong khi đó, quân đội Syria tuyên bố có bàn tay của các phần tử "khủng bố" nhúng vào vụ việc. Tuy chưa rõ do bên nào gây ra, nhưng hai vụ thảm sát xảy ra chỉ trong thời gian rất ngắn đã cho thấy tính khốc liệt của cuộc khủng hoảng mà sự hứng chịu đầu tiên là người dân vô tội.
Các vụ thảm sát, đánh bom xảy ra liên tục đẩy cuộc khủng hoảng tại Syria rơi vào vòng xoáy khó đoán định. |
Ở một khía cạnh khác, trong khi kế hoạch hòa bình theo sáng kiến của Đặc phái viên chung LHQ - Liên đoàn Arab (AL) Kofi Annan đang bị đình trệ thì ngày 10-6, trong cuộc họp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), tổ chức đối lập chính tại nước này, đã bầu nhà hoạt động người Kurd, ông Abdelbasset Sida, làm lãnh đạo mới. Ông A.Sida, người đã sống lưu vong nhiều năm tại Thụy Điển và dư luận lo ngại, việc ông này được bầu làm chủ tịch mới có thể thu hút thêm nhiều người Kurd (chiếm khoảng 1 triệu người trong số 21 triệu dân Syria), vào cuộc nổi dậy kéo dài 15 tháng qua tại nước này, đẩy căng thẳng tiến thêm những nấc thang mới.
Hiện tại, Syria đang cần một giải pháp toàn diện, sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế mới hy vọng tìm được hướng đi phù hợp. Nhưng đáng tiếc, điều này lại không được như mong đợi. Bằng chứng là ngay sau khi xảy ra 2 vụ thảm sát, quốc gia này liên tiếp hứng chịu làn sóng bạo lực dồn dập. Ngày 8-6, một quả bom đã phát nổ ở một đồn cảnh sát tỉnh Idlib, miền Tây bắc Syria, làm 2 sĩ quan thiệt mạng và một số người bị thương. Vài giờ trước đó, tại thủ đô Damascus, các nhóm vũ trang đã tấn công một nhà máy điện, gây mất điện tại một số thị trấn phía Bắc thủ đô. Còn theo đánh giá của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), với các nhân viên cứu trợ đang có mặt tại thực địa thì tình hình tại nhiều khu vực ở Syria là "vô cùng căng thẳng"...
Cuộc khủng hoảng tại Syria được cho là bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược của nước này ở Trung Đông. Chính điều này đã đẩy căng thẳng lên cao. Trong một động thái mới, ngày 8-6, Anh, Pháp và Mỹ, 3 ủy viên thường trực của HĐBA, đã chuẩn bị soạn thảo một nghị quyết mới về các biện pháp trừng phạt với Syria. Trước đó, ngày 7-6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, sau cuộc gặp đại diện các cường quốc phương Tây và các nước Arab nhằm thảo luận cách thức gia tăng sức ép lên chế độ ở Damascus tuyên bố Tổng thống B.A.Assad "cần phải ra đi". Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron cũng khẳng định, cộng đồng quốc tế phải hành động hơn nữa để cô lập chế độ Syria...
Một kịch bản tương tự Libya hay Ai Cập đang lấp ló lại tại quốc gia Trung Đông này. Nhưng, điều đó chưa xảy ra. Trong một diễn biến mới, ngày 9-6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Nga sẽ không phê chuẩn việc sử dụng vũ lực chống chế độ Syria tại LHQ. Mátxcơva nêu rõ, mặc dù kế hoạch hòa bình theo sáng kiến của Đặc phái viên chung Kofi Annan đang bị đình trệ, nhưng hiện không có sáng kiến nào thay thế kế hoạch này. Ngoại trưởng S.Lavrov cũng khẳng định sẽ không có việc HĐBA LHQ thông qua một hành động can thiệp từ bên ngoài vào Syria. Trong khi đó, Chủ tịch HĐBA LHQ trong tháng 6-2012, Đại diện thường trực Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông khẳng định, HĐBA hoàn toàn ủng hộ kế hoạch hòa bình sáu điểm và nỗ lực trung gian hòa giải của Đặc phái viên chung Kofi Annan và hối thúc việc triển khai toàn bộ kế hoạch này...
Cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn chưa có lối thoát. Dư luận lo ngại, nếu bất đồng trong cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng không sớm được hóa giải thì Syria sẽ lún sâu vào bạo lực, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả vùng Trung Đông vốn đã căng thẳng trong thời gian gần đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.