Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc khủng hoảng tại Syria: Thách thức nan giải

Trung Hiếu| 24/08/2013 06:49

(HNM) - Hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn

Khát khao hòa bình là ý nguyện của hàng triệu người dân Syria.


Ngay sau lời cáo buộc của phe đối lập ở quốc gia Trung Đông được tung ra (21-8), cộng đồng thế giới đã có nhiều phản ứng khác nhau. Ngày 22-8, Trung Quốc, Nga, Anh, Đức, Ukraine và nhiều quốc gia đã ngay lập tức lên tiếng phản đối nếu sự việc là đúng sự thật. Thậm chí, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu còn tuyên bố cứng rắn rằng, toàn bộ "giới hạn đỏ" ở Syria đều bị vượt qua và kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) phải trừng phạt bổ sung với chính quyền Damascus ngay lập tức để răn đe hành động không thể chấp nhận này.

Rõ ràng, nếu thực tế đúng như vậy và hành động không chậm trễ từ một cơ chế tập thể lớn nhất hành tinh sẽ là cần thiết, nhưng đây không phải là lần đầu tiên vấn đề "vũ khí hóa học" được đưa ra trước cộng đồng quốc tế. Cách đây hơn 2 tháng, phe đối lập ở Syria cũng đã đưa ra cáo buộc tương tự và đến nay, sau một loạt cuộc điều tra của các thanh sát viên LHQ, sự thật vẫn chưa thể được khẳng định. Còn trong tình hình hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đồng tình với quan điểm rằng tất cả các lệnh trừng phạt, biện pháp mới với Damascus phải dựa trên kết quả điều tra khách quan và độc lập của phái bộ LHQ tại Syria.

Đó là sự cần thiết với cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại quốc gia Trung Đông. Bài học nhãn tiền mang tên Iraq cách đây hơn 10 năm vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó, với cớ chính quyền Baghdad tàng trữ và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, Washington đã mở chiến dịch quân sự ồ ạt lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Thế nhưng, khi cuộc chiến qua đi và đến nay giới chức Mỹ vẫn chưa thể tìm được cái gọi là "vũ khí hủy diệt hàng loạt" như đã tuyên bố. Điều đọng lại bây giờ ở Iraq là một quốc gia đầy bất ổn với các cuộc tấn công khủng bố, xung đột quyền lực giữa các phe phái. Bởi vậy, với Syria hiện nay, dư luận lo ngại rằng rất có thể bóng ma "vũ khí hóa học" lại là cái cớ để các cường quốc phương Tây can thiệp vào quốc gia Trung Đông này. Tòa thánh Vatican đã đúng khi đưa ra quan điểm rằng: "Không thể đánh giá khi chưa có bằng chứng thuyết phục. Chính phủ Damascus được lợi gì trước mắt nếu gây ra thảm kịch như vậy?". Giới phân tích nghi ngại rằng, rất có thể việc tung thông tin như vậy, Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập đang muốn "tạo cớ để nhận được sự ủng hộ từ HĐBA và như vậy sẽ làm giảm cơ hội triệu tập Hội nghị quốc tế Geneva về Syria". Đây thật sự là một toan tính chính trị lợi hại nếu một bên đạt được. Thế nhưng, viễn cảnh của Iraq và Afghanistan sau cuộc chiến đã cho thấy, mọi sự can thiệp vũ trang đều không thể đem lại kết quả tích cực. Với tình hình quốc gia Trung Đông hiện nay, mọi phương án phải được cân nhắc nếu cộng đồng quốc tế không muốn nhìn một Trung Đông có thêm hơn một cuộc khủng hoảng nữa.

Syria hiện nay đã và đang rất cần các biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình. Trong khi Tổng Thư ký Ban Ki moon yêu cầu Chính phủ Syria cho phép các thanh sát viên LHQ điều tra vụ tấn công khí ga và cho phép họ tới khu vực được cho là địa điểm xảy ra vụ tấn công tại ngoại ô Damascus, thì Mátxcơva đã xúc tiến nhiều hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị hòa bình về Syria - vốn đã bị trì hoãn trong một thời gian dài. Dự kiến, trong tuần tới, các quan chức Nga và Mỹ sẽ gặp nhau tại La Hay (Hà Lan) để thảo luận về cuộc gặp. Đó là bước đi cần thiết để từng bước tháo gỡ bế tắc cho cuộc khủng hoảng Syria trước khi có kết luận chính thức của LHQ về vấn đề vũ khí hóa học.

Tuy nhiên, có hóa giải được hay không bài toán Syria hiện nay đang phụ thuộc vào chính người dân Syria, giữa chính quyền đương nhiệm và phe đối lập. Đây là một thách thức nan giải từng khiến một đất nước vốn yên bình rơi vào hỗn loạn vì nội chiến suốt hơn hai năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc khủng hoảng tại Syria: Thách thức nan giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.