(HNM) - Ngày 22-9 tới, lần đầu tiên những họa sĩ sinh ra từ quê hương Cổ Đô (Ba Vì) ở khắp mọi miền đất nước tổ chức triển lãm tranh “Sắc màu quê hương” tại Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô - Bảo tàng mỹ thuật làng đầu tiên và duy nhất của cả nước.
Chuyện về những người cầm cọ...
Sinh ra và lớn lên ở làng họa, làng thơ, những người con Cổ Đô dù già hay trẻ, dù lam lũ trên đồng ruộng quê hương hay công tác trong các lĩnh vực khác, bất cứ lúc nào có thời gian, họ lại cầm cọ sáng tác bằng tất cả tình yêu, niềm đam mê hội họa. Mỗi khi trái gió trở trời, thương binh 1/4 Nguyễn Ngọc Kũi khó lòng tự chăm sóc bản thân, nhưng “năng lượng” dành cho hội họa trong ông chưa bao giờ giảm. Những “đứa con” tinh thần của Nguyễn Ngọc Kũi như “Tháng Mười”, “Nước qua đồi”, “Bến sông quê”… gần gũi, giản dị, tươi sáng như chính tâm hồn và con người ông vậy.
Những tác phẩm tiêu biểu sẽ được giới thiệu tại triển lãm "Sắc màu quê hương". |
Ngoài phong cảnh quê hương, những họa sĩ Cổ Đô với tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ còn quan tâm đến nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động khác. Như họa sĩ trẻ Nguyễn Hoàng Tùng, vốn được bố là họa sĩ Nguyễn Ngọc Thạch trao truyền tình yêu hội họa, nhưng hai bố con họa sĩ lại theo đuổi hai mảng đề tài khác nhau. Nếu như họa sĩ Nguyễn Ngọc Thạch lưu giữ “hồn quê” trong từng tác phẩm, thì Nguyễn Hoàng Tùng lại tả thực đến từng chi tiết nhịp sống đô thị. Họa sĩ Sỹ Tuấn, Sỹ Thiết… quan tâm đến cảnh sinh hoạt của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc; họa sĩ Giang Khích dành trọn các sáng tác của mình cho đề tài lực lượng vũ trang…
Không ai rõ làng Cổ Đô có nhiều họa sĩ từ bao giờ, chỉ biết rằng người được tôn vinh nhiều nhất là họa sĩ Sỹ Tốt (1920-2002). Ông có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng như “Tiếng đàn bầu”, “Em nào cũng được hoa cả”, “Đan mũ”, “Lúa non buổi sớm”… Sau Sỹ Tốt, Cổ Đô có lớp họa sĩ kế tiếp, thành danh, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam như: Sỹ Thiết, Trần Hòa, Giang Khích, Ngô Bình Thiểm, Sỹ Tuấn, Quang Trung, Huỳnh Mai, Nguyễn Ngọc Thạch, Văn Võ… Từ những lớp dạy hội họa miễn phí do cố họa sĩ Sỹ Tốt mở ra và được các thế hệ nối tiếp duy trì đến ngày nay, Cổ Đô hiện có hàng trăm người biết vẽ và vẽ thường xuyên.
Bảo tàng đầu tiên, triển lãm đầu tiên
Với kho tàng tranh đồ sộ, những họa sĩ Cổ Đô luôn mong muốn có một bảo tàng tranh làm nơi trưng bày, giới thiệu tác phẩm, giao lưu và nuôi dưỡng niềm đam mê hội họa. Nhờ sự quan tâm của các cơ quan chức năng, Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô dần hình thành với diện tích trưng bày lên đến hàng trăm mét vuông. Đầu năm 2016, Bảo tàng chính thức đi vào hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Song song với việc xây dựng bảo tàng, CLB Mỹ thuật Cổ Đô được thành lập, tập hợp các hội viên yêu hội họa là người Cổ Đô khắp mọi miền đất nước.
Giúp công chúng hiểu hơn về vùng đất, con người và hội họa Cổ Đô, từ ngày 22-9 đến 22-10 tới đây, lần đầu tiên CLB Mỹ thuật Cổ Đô tổ chức triển lãm “Sắc màu quê hương” tại Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô. Triển lãm giới thiệu gần 300 tác phẩm tiêu biểu, giàu giá trị nghệ thuật, thuộc nhiều thể loại của 32 họa sĩ chuyên và không chuyên là người Cổ Đô. “Triển lãm là cuộc chơi, là sự tiếp nối dòng chảy hội họa, mỹ thuật của các thế hệ đi trước. Các tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm phản ánh đầy đủ cuộc sống sinh hoạt, phong cảnh làng quê bình dị, những con người cần cù lao động, lịch lãm, mến khách”, họa sĩ Nguyễn Ngọc Nho, Phó Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Cổ Đô cho hay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.