(HNM) - Tối 17-10, Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam lần thứ I (VNIFF) sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình) với sự tham gia của 500 đại biểu, trong đó có 140 khách nước ngoài và 30 NSND Việt Nam. Giới điện ảnh và những người hâm mộ môn nghệ thuật thứ bảy đang chờ đợi những ngày thực sự sôi động và thiết thực của VNIFF tại Hà Nội (từ nay tới 21-10).
“Long thành cầm giả ca” sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam lần thứ I. |
Điểm hẹn Việt Nam
Vẫn biết mục đích của VNIFF, như Ban tổ chức nói, là "xây dựng một thương hiệu liên hoan phim mới, khẳng định vị thế và xu thế hội nhập của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế…" nhưng cảm giác về một điểm đến mang tên điện ảnh Việt Nam chỉ thực sự rõ nét vào những ngày cận kề LHP.
Đạo diễn Phillip Noyce - Chủ tịch BGK phim truyện nhựa VNIFF được báo giới "săn lùng" nhiều nhất, nhưng tới đêm 16-10, vị đạo diễn của những tác phẩm "bom tấn" này mới đặt chân tới Khách sạn Melia (Hà Nội). Cùng với Phillip Noyce, sự xuất hiện lần lượt của các nghệ sĩ tên tuổi thế giới, thành viên BGK phim truyện nhựa những ngày qua cũng mang lại ít nhiều không khí náo nhiệt cho VNIFF, một địa chỉ điện ảnh mới của châu Á. Đó là Francois Cantonné (Pháp), người đoạt giải César dành cho nhà quay phim xuất sắc nhất năm 1993. Rồi là sự xuất hiện của Marco Mueller, Giám đốc LHP Quốc tế Venice, hay Kang Su Yeon đến từ xứ sở Kim chi, diễn viên nữ xuất sắc nhất tại LHP Venice và Nantes năm 1986… Trong số các nghệ sĩ Pháp góp mặt trong chương trình "Tiêu điểm điện ảnh" của VNIFF, có người đến Việt Nam từ ngày 12-10 như Pascal Chaumeil, đạo diễn phim "Phỉnh tình", nhưng cũng có những người tới Việt Nam ngay trước thềm lễ khai mạc VNIFF vào sáng nay 17-10 như Jacques Cluzaud (đạo diễn phim "Đại dương"), Thomas Balmes (đạo diễn phim "Nhóc tì"). Còn người vào vai bà hoàng trong "Coco Chanel" tới muộn hơn cả, chỉ có thể tham dự LHP bắt đầu từ chiều 18-10.
Cùng với báo giới, khán giả trẻ chắc chắn sẽ chờ đón những ngôi sao điện ảnh châu Á như Ngô Ngạn Tổ, Trương Gia Huy… Có thể những nhân vật này đã từng xuất hiện tại Việt Nam vào một dịp nào đó, song sự có mặt đồng thời của họ tại Hà Nội lần này nhắc nhở rằng chúng ta đang có những chuyển động đầu tiên cho sự hình thành một điểm hẹn điện ảnh mang tên Việt Nam.
Phim Việt Nam, một dòng riêng biệt?
Như các LHP khác trên thế giới, hạng mục tranh giải của phim truyện nhựa luôn thu hút sự chú ý cao nhất của giới chuyên môn, báo giới cũng như khán giả. Nhìn vào 10 phim truyện nhựa tranh giải có thể thấy một số điểm đáng chú ý. Đó là các phim "Lâu đài cát" (đạo diễn Boo Junfeng, Singapore), "Người nước ngoài" (đạo diễn Fabien Gaillard, Trung Quốc), "Đôi giày đỏ" (đạo diễn Raul Jorolan, Philippines), "Kẻ mơ mộng" (đạo diễn Riri Riza, Indonesia), "Kem Kacang và tình yêu trẻ con" (đạo diễn Aniu, Malaysia), "Hanamizui" (đạo diễn Nobuhiro Doi, Nhật Bản), "Bé lớn" (đạo diễn Monthon Arayangkoon, Thái Lan), "CLB Chia tay" (đạo diễn Barbara Wong, Hong Kong - Trung Quốc), "Long thành cầm giả ca" (đạo diễn Đào Bá Sơn, Việt Nam) và "Trung úy" (đạo diễn Hà Sơn, Việt Nam). Đa số phim dự thi mang đề tài tình cảm, tâm lý xã hội, phản ánh cuộc sống, tâm tư giới trẻ thời hiện đại. Các đạo diễn phần lớn thuộc thế hệ trẻ, nhiều phim không chỉ lần đầu tiên được công chiếu tại liên hoan phim quốc tế và khu vực mà còn là "tác phẩm đầu tay" của đạo diễn. Một không khí mới mẻ, trẻ trung tràn ngập VNIFF lần I.
Một vấn đề đặt ra là hai phim Việt Nam tham dự VNIFF có vẻ thuộc một dòng riêng - một phim chọn đề tài lịch sử để làm nổi chiều sâu danh nhân, văn hóa ("Long thành cầm giả ca"), một phim có đề tài chiến tranh đan cài yếu tố tâm lý xã hội ("Trung úy"). Sự "khác biệt" này của hai tác phẩm điện ảnh Việt Nam dự giải khiến một số người băn khoăn. Nhà báo Diệu Hà (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: "Vậy, nên đặt câu hỏi thế nào về việc chọn phim Việt Nam để tham gia vào VNIFF 2010. Vì chúng ta chủ động muốn tạo ra sự "khác biệt" hay điện ảnh Việt Nam, cho dù là nước chủ nhà nhưng đã bị động trong việc làm phim tham dự VNIFF 2010? Và có chăng việc điện ảnh Việt Nam không "cập nhật" với tình hình điện ảnh thế giới nói chung, khu vực nói riêng?".
Tại buổi họp báo công bố chương trình VNIFF lần I, nhiều nhà báo đã đặt câu hỏi về tiêu chí chấm giải của LHP. Trong những tiêu chí chung như tính nhân văn, có sáng tạo, tìm tòi trong nghệ thuật điện ảnh… thì có cần một tiêu chí - điểm nhấn nào đó để góp phần tạo nên bản sắc riêng cho VNIFF?
Quả thật, để trở thành một điểm hẹn điện ảnh của khu vực, như mong muốn của nhà tổ chức VNIFF, có lẽ còn phải qua một chặng đường dài. Nhưng những ngày diễn ra VNIFF sẽ là khoảng thời gian trải nghiệm thiết thực với điện ảnh Việt Nam, ở đó không chỉ có những lời khen mà có thể có cả những tiếng "chê" bổ ích.
Xin lấy ý kiến của đạo diễn Phillip Noyce làm lời kết: "Những ngày ở Hà Nội sẽ cho chúng tôi cơ hội gặp gỡ những đạo diễn mới, chia sẻ những câu chuyện, trao đổi các ý tưởng và khẳng định lại niềm đam mê với loại hình nghệ thuật phức tạp nhất này. Điện ảnh có sức mạnh bắc cầu giúp vượt qua các rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, kết nối người xem thông qua sự mê hoặc của ánh sáng màn bạc. Có thể sự kỳ diệu của điện ảnh và VNIFF sẽ còn tiếp tục trong hàng ngàn năm tới và còn hơn thế!"
Lịch chiếu phim tranh giải và giải netpac (mạng lưới phát triển điện ảnh châu Á) (Hai Ban giám khảo xem chung) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.