Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc hội ngộ của nghị lực và tình người

Vân Nga| 12/04/2016 07:22

(HNM) - Ba năm một lần, vào dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4), người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ (NKT, TMC, NBT) tiêu biểu trong cả nước lại về Thủ đô tham dự hội nghị biểu dương NKT, TMC và NBT toàn quốc.

Những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực và những tấm lòng nhân ái được biểu dương tại hội nghị.


Ý chí, khát vọng

Giọng nói ấm áp, đầy sức cuốn hút của cô sinh viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội - Lê Hương Giang cất lên đã khiến cả hội trường lặng đi. Sinh ra vốn bình thường, lành lặn như bao đứa trẻ khác, đến năm học lớp 6, thị giác mờ dần và ánh sáng với Giang tắt hẳn bởi căn bệnh thoái hóa võng mạc. Những tưởng cánh cửa cuộc đời sẽ khép lại với cô bé 12 tuổi, nhưng cơ duyên đã đến với Giang khi em được đưa vào làm quen với những con chữ đặc biệt và kỹ năng sống tự lập tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. Ở đó, em thấy mình may mắn hơn các bạn cùng khiếm thị là có ký ức đẹp về thế giới muôn màu. Vì vậy, kết thúc học THCS, em mạnh dạn vào học ở một môi trường hoàn toàn mới với NKT, Trường THPT Thăng Long.

Giang chia sẻ: "Tôi muốn được học trong môi trường tốt nhất để được hòa nhập với cộng đồng, để thử thách bản thân và để những ước mơ không chỉ là ước mơ". Trong 3 năm học THPT, em đã hiện thực hóa từng ước mơ của mình đó là: Hai lần dự hội thi "Thách thức công nghệ thông tin" dành cho thanh niên khuyết tật toàn cầu tại Hàn Quốc năm 2012 và Thái Lan 2013. Liên tục đoạt Giải thưởng "Hội thi khoa học kỹ thuật toàn quốc" từ năm 2012 đến 2014… Giang còn là Chủ tịch CLB Phóng viên và trở thành cộng tác viên của bản tin VOV…

Cả nước hiện có 2,64 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, trong đó có 896 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng, 37 nghìn trẻ mồ côi, 88 nghìn người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, 1,48 triệu người trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hằng năm…


Không khiếm khuyết như Giang nhưng cậu bé Vàng Mí Lềnh, dân tộc Mông, ở Hà Giang, mới 12 tuổi đã phải trải qua những nghịch cảnh khắc nghiệt: Cha mẹ bị sát hại, Lềnh cùng hai anh bị bắt cóc đưa sang Trung Quốc. May mắn hơn hai anh, Lềnh được giải cứu và được đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang. Vượt qua những cú sốc tưởng chừng như không thể, Lềnh đã làm các bạn và thầy cô khâm phục khi 5 năm liên tục đạt học sinh giỏi và đoạt các giải thưởng qua các cuộc thi toán, tiếng Anh trên mạng.

... và những tấm lòng nhân ái

Không cam chịu số phận, là đặc điểm chung của những NKT, TMC tiêu biểu, nhưng để góp phần làm nên thành công đó là những NBT luôn kề vai, sát cánh, trợ giúp không biết mệt mỏi. Đó là anh Phan Thông Anh, một nhà bảo trợ điển hình đến từ TP Hồ Chí Minh. Đồng cảm với những thiệt thòi của NKT, TMC, anh đã xây dựng một chương trình độc lập mang tên "Tìm một chút thanh thản" tự trang trải về tài chính, đồng thời vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay trợ giúp NKT, TMC.

Năm năm gần đây, anh và những người cùng tâm nguyện đã ủng hộ được hơn 3,5 tỷ đồng cho học sinh, bệnh nhân, NKT, người nghèo… Đó còn là sư thầy Trương Thị Chu, trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu Như, tỉnh Sóc Trăng. Nhiều năm gắn bó với hoạt động trợ giúp NKT, TMC, người nghèo, năm 2015 sư thầy đã cùng các phật tử trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn tổng trị giá lên đến 16 tỷ đồng… Bên cạnh những tấm gương tiêu biểu như anh Phan Thông Anh, sư thầy Trương Thị Chu, còn rất nhiều tấm lòng thiện nguyện, vì nhân sinh đang ngày đêm thắp ngọn lửa sưởi ấm những cuộc đời vượt qua khó nhọc…

Nói về những nỗ lực của NKT, TMC, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Họ đã cho chúng ta thêm những bài học lớn về ý chí, khát vọng, nghị lực mà nhiều người lành lặn không có được. Riêng đối với những NBT, họ đã có công rất lớn, là những nhân tố không thể thiếu đối với những người vốn thiệt thòi để họ có thêm nguồn động viên vượt qua nghịch cảnh. Nếu như 5-10 năm trước, NKT ít có cơ hội đến trường và rất ít điều kiện tiếp cận với xã hội thì nay họ đã cho thấy một khả năng bền bỉ, có thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc.

Nhiều NKT không chỉ lao động, sản xuất giỏi, học tập, văn hóa, thể thao tốt mà còn giỏi trong lĩnh vực quản lý, làm chủ doanh nghiệp, cơ sở, gây dựng thương hiệu của riêng mình. Có những NKT là công chức, viên chức được tổ chức tin tưởng giao cho những trọng trách lớn như bà Nguyễn Thị Dân (Trà Vinh), dân tộc Khơme, khuyết tật chân, đảm nhiệm chức Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh và là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; anh Nguyễn Mạnh Tuấn (Cao Bằng) dân tộc Tày, khuyết tật chân, tốt nghiệp Học viện Tài chính, Giám đốc BHXH Cao Bằng…

Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống cho NKT. Ngược lại, NKT, TMC đã, đang và tiếp tục nỗ lực vươn lên khẳng định mình, truyền nghị lực phi thường cho những người đồng cảnh cũng như lan tỏa cho toàn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc hội ngộ của nghị lực và tình người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.