(HNM) - 769 người thiệt mạng và 934 người bị thương trong thảm họa giẫm đạp kinh hoàng khi đang tham gia hành hương về thánh địa Mecca nhân tháng Hajj thiêng liêng của người Hồi giáo. Đáng nói, đây không phải là thảm họa lần đầu diễn ra, nhưng số tín đồ Hồi giáo đổ về Mecca hằng năm vẫn không hề thuyên giảm.
Đối với tất cả những người theo đạo Hồi, hành hương là đỉnh cao tinh thần mộ đạo và ai cũng mong muốn một lần trong đời trải qua nghi lễ thiêng liêng này. Theo trụ cột thứ năm của đạo Hồi, mỗi giáo dân ít nhất một lần phải hành hương về thánh địa Mecca bằng chính kinh phí của mình và trước khi đi phải chuẩn bị đồ ăn thức uống cho người thân, những người ở nhà trong thời gian họ đi vắng. Họ cũng không thể thực hiện việc hành hương trong tình trạng nợ nần và thậm chí phải xin lỗi những người mà họ có thể có xích mích trước đó. Phụ nữ phải đi cùng với một người giám hộ nam, nếu không phải là chồng thì phải là những người ruột thịt, trừ khi họ trên 45 tuổi
. Song, những người này phải đi theo nhóm và có chữ ký chứng nhận sự đồng ý của người giám hộ. Sau khi hành hương đến Mecca, tín đồ Hồi giáo sẽ có được danh hiệu “Haji" nếu là đàn ông và "Hajah" nếu là phụ nữ. Khi tham gia lễ Hajj, những tín đồ Hồi giáo phải thực hiện một loạt nghi thức như đi bộ ngược chiều kim đồng hồ 7 lần xung quanh Kaaba ở giữa sân nhà thờ Hồi giáo Masjid al-Haram, chạy qua lại giữa các ngọn đồi Al-Safa và Al-Marwah, uống nước từ giếng Zamzam, đi tới vùng đồng bằng sát núi Arafat để thức thâu đêm và quan trọng nhất là tham gia "ném đá quỷ dữ" ở khu Mina trừ tà 3 lần trong ngày 10-11 theo lịch Hồi giáo và lần đầu tiên bắt buộc phải trước khi mặt trời bắt đầu ngả bóng.
Hành hương không phải là quy định bắt buộc cho tất cả tín đồ nhưng là minh chứng thể hiện sự đoàn kết của người Hồi giáo cũng như sự quy phục của họ trước Thánh Allah. Vì thế, lượng người tập trung về Mecca trong mỗi mùa hành hương luôn vượt qua con số vài triệu. Nhiều người còn phải tiết kiệm tiền trong hàng chục năm chỉ để được một lần đặt chân đến khu vực được xem là linh thiêng nhất của người Hồi giáo. Theo Kinh Quran, vào Ngày phán xét, Thượng đế sẽ cân nhắc giữa điều ác và những việc thiện mà một người làm trong đời để quyết định đưa họ tới thiên đàng hay địa ngục. Lễ Hajj được xem như cơ hội để họ tẩy rửa những tội lỗi trong quá khứ và sau đó họ trở thành một con người trong sạch không lỗi lầm như một đứa trẻ mới sinh.
Trước đây, khi giao thông vận tải chưa phát triển, chưa có những hãng hàng không phù hợp với túi tiền của người dân, hiện tượng chết người do chen lấn tại Mecca là rất hiếm. Đến nay, khi việc di chuyển bằng máy bay đã phổ biến, ngày càng nhiều giáo dân có điều kiện hành hương tới thánh địa mỗi năm và đây cũng là tác nhân chính gây ra cảnh đông đúc đến nghẹt thở tại thánh đường Hồi giáo. Ước tính mỗi năm có khoảng 13 triệu tín đồ Hồi giáo tới Mecca và riêng lễ Hajj năm nay là gần 3 triệu người. Trên thực tế, chính quyền Saudi Arabia đã rất vất vả để đón tiếp lượng khách hành hương quá lớn. Saudi Arabia đã phải thành lập Bộ Hành hương chuyên phụ trách vấn đề này. Chính quyền cũng đưa ra những quy định riêng về nhập cảnh đối với các tín đồ muốn hành hương đến thánh địa. Thị thực nhập cảnh Saudi Arabia cấp cho các nước trên cơ sở hạn ngạch theo số lượng người Hồi giáo của mỗi quốc gia. Gần đây, để giảm bớt tình trạng quá tải, Saudi Arabia đã hạn chế cấp thị thực cho những tín đồ đã đến thánh địa Mecca, dành quyền cho những người chưa thực hiện cuộc hành hương. Nếu người nộp đơn xin thị thực vào Saudi Arabia để hành hương không phải sinh ra trong một gia đình Hồi giáo, họ phải xuất trình giấy chứng nhận do nhà thờ Hồi giáo cấp.
Bên cạnh việc hạn chế thị thực, Saudi Arabia cũng đưa ra nhiều biện pháp như tăng cường an ninh, kiểm tra các khâu tổ chức nhằm phòng ngừa tai nạn xảy ra trong lễ hành hương, nhưng đôi khi những nỗ lực đó vẫn chưa đủ. Năm nay, thảm họa giẫm đạp một lần nữa lại xảy ra và trở thành tai nạn nghiêm trọng nhất trong vòng 25 năm qua ở Mecca. Giới chức địa phương đổ lỗi cho người hành hương không đi đúng lịch trình và chỉ dẫn khiến hỗn loạn xảy ra, còn người hành hương tố cáo chính quyền điều tiết kém, khiến hai dòng người đấu đầu nhau, dẫn đến xô đẩy chết người. Cho dù thế nào thì thảm họa cũng để lại nỗi đau tinh thần cho rất nhiều gia đình dẫu theo quan niệm của người Hồi giáo việc qua đời khi đang hành hương tại Mecca có thể khiến linh hồn họ được lên thiên đàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.