(HNM) - Cuộc đời 15 năm đoạn trường của nàng Kiều được tái hiện trên sân khấu kịch thể nghiệm ra mắt tối 10-3 tại Nhà hát Tuổi trẻ đã tạo cho người xem cảm giác lạ...
Khi "Truyện Kiều" của Nguyễn Du luôn là "mảnh đất thiêng" mà chưa loại hình nghệ thuật nào chuyển thể xứng tầm, khi lời thơ mới là tuyệt tác thì NSND Lan Hương lại táo bạo thể nghiệm tác phẩm trên sân khấu kịch hình thể - loại hình ít dùng ngôn ngữ diễn đạt. Tuy nhiên, chị không bỏ qua những đoạn thơ hay nhất trong kiệt tác của Nguyễn Du.
Một cảnh trong vở diễn. Ảnh: Trần Lâm |
Gần với ý tưởng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, định đưa "Truyện Kiều" lên sân khấu opera - ballet, NSND Lan Hương cũng sử dụng nhiều thể loại để chuyển tải thơ Nguyễn Du một cách nhuần nhị. Các phần ngâm thơ, hát chèo, hát xẩm, ca Huế, ca vọng cổ được đưa vào hợp lý, theo hành trình lưu lạc của nàng Kiều.
Trong "Nguyễn Du với Kiều", NSND Lan Hương thể nghiệm hình thức kịch lồng trong kịch, muốn làm bật lên mối lương duyên đau đáu giữa cuộc đời Nguyễn Du với những nhân vật trong tác phẩm của ông. Chị để đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Hồ Xuân Hương và nàng Đạm Tiên đồng hành với các nhân vật. Nguyễn Du "được phân vai" Vương Ông, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải và Hồ Xuân Hương, có lúc hóa thân thành Vương Bà, Hoạn Thư, vãi Giác Duyên.
Vào vai Thúy Kiều là Như Quỳnh, bề ngoài giản dị nhưng rõ nội lực diễn xuất. Vở diễn hơn 2 tiếng, Như Quỳnh không lúc nào rời sân khấu, biến chuyển sắc thái liên tục từ yêu thương, hân hoan, hờn ghen đến cô đơn, buồn bã, đau đớn, vật vã... Nhưng vai diễn xuất sắc nhất có lẽ là của Như Lai - đạo diễn kiêm diễn viên nổi bật của sân khấu thể nghiệm trong những năm gần đây. Anh vào vai Nguyễn Du và các nhân vật khác rất mạch lạc. Chỉ cần thay màu áo ngoài, với cách bước lên sân khấu, khán giả nhận ra ngay lúc đó anh là Nguyễn Du đau đáu với số phận nàng Kiều; là Kim Trọng hào hoa, phong nhã; là Thúc Sinh háo sắc mà nhu nhược, hèn hạ hay là bậc đại trượng phu Từ Hải. Khả năng biến hóa của một người nhiều vai diễn trên sân khấu còn là điều đặc biệt mà đạo diễn muốn mang lại trong tác phẩm này.
Vì lý do sức khỏe, Nguyệt Hằng không đảm nhận vai Hồ Xuân Hương và đạo diễn phải đóng thế. Trong số các vai được tích hợp, vai Lan Hương diễn hay nhất vẫn là Hoạn Thư. Cách thể hiện nỗi ghen rất đàn bà lồng với tâm trạng đồng điệu của nhân vật Hồ Xuân Hương (trong câu thơ "Chém cha cái kiếp lấy chồng chung") khiến khán giả thỏa mãn. Các diễn viên thể hiện nhiều vai như Đàm Hằng - Thần Bạch My, Tú Bà, Hoạn Bà, Bạc Bà; Hoàng Tùng - Mã Giám Sinh, Hồ Tôn Hiến; Như Hiền - Thúy Vân, Mã Kiều… đều phô bày sự biến hóa, rõ sắc thái từng nhân vật. Sân khấu được thiết kế đơn giản, chỉ với bục thang trắng, những dải lụa, hình nộm mảnh… Phục trang cũng được tối giản, thuận lợi cho các màn múa, vũ đạo hình thể nhưng không làm mất đi dụng ý công phu mà các nghệ sĩ muốn thể hiện trong từng cảnh diễn.
Còn quá sớm để nói về thành công của vở diễn nhưng ít nhiều, buổi ra mắt đã cho người xem một cách tiếp cận với "Truyện Kiều" mới mẻ, bất ngờ. Một lần nữa, NSND Lan Hương cho thấy sức sáng tạo trong một loại hình nghệ thuật hiện đại với một đề tài lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.