(HNM) - Theo kết quả kiểm phiếu chính thức cuộc bầu cử Tổng thống Séc công bố ngày 14-1 cho thấy, cựu Thủ tướng kiêm Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội theo đường lối cánh tả Milos Zeman đã vượt qua 8 ứng cử viên khác và giành vị trí đứng đầu.
Tại Séc, Tổng thống chỉ có vai trò chủ yếu về mặt nghi thức-nguyên thủ quốc gia; song, cuộc bầu cử trực tiếp tại xứ Pha lê vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới vì đây là cuộc tìm kiếm gương mặt mới thay thế Tổng thống đương nhiệm Vaslaw Klaus - người đã đảm nhiệm vị trí này suốt 1 thập kỷ (2003-2013). Quan trọng hơn, đây cũng là lần đầu tiên Séc tiến hành bầu cử trực tiếp, tức là toàn dân đi bầu trực tiếp, thay vì do hai viện - tức Quốc hội - bầu như trước. Đây là một bước thay đổi mang tính lịch sử dựa trên cơ sở Hiến pháp được sửa đổi vào năm ngoái.
Hai ứng cử viên M.Zeman và K. Schwarzenberg sẽ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống Séc vòng 2 ngày 25 và 26-1. |
Chính vì vai trò mang tính "lễ tân" của chiếc ghế Tống thống tại Séc nên cuộc cạnh tranh giữa các đối thủ không khốc liệt như bầu cử Quốc hội. Do đó, các lá phiếu phân tán dẫn đến kết quả không ứng cử viên nào giành đủ 50% số phiếu bầu cần thiết tại vòng 1 của cuộc bầu cử để trở thành Tổng thống mới của Séc cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, dù nhiều gương mặt trong số 9 ứng cử viên tham gia tranh cử là các nhà chính trị quen thuộc tại Séc nhưng, dường như trong số này, chưa có chính trị gia nào thực sự nổi trội để thu hút ngay được tín nhiệm của đa số các cử tri. Bối cảnh người dân Séc đang thất vọng với tình hình kinh tế khó khăn kéo dài cũng như các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để tránh nợ công không được lòng dân cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến sự phân tán của các cử tri trong cuộc bầu cử lịch sử đang nhận được sự quan tâm của khu vực. Thêm vào đó, các biểu tình chống chính phủ thường xuyên xảy ra và chính trường liên tiếp xảy ra các vụ scandal, bê bối tham nhũng cũng khiến niềm tin của người dân vào các chính trị gia bị giảm sút nghiêm trọng.
Bất ngờ lớn ở vòng 1 là ứng cử viên kỳ vọng Jan Fisher thuộc đảng Quyền công dân chỉ giành được hơn 16,5% phiếu bầu, tụt xuống vị trí thứ 3. Kết quả này trái ngược với hầu hết các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử đều cho thấy ứng cử viên đường lối trung hữu J.Fisher sẽ là đối thủ nặng ký của cựu Thủ tướng M.Zeman. Trong khi đó, Ngoại trưởng Schwarzenberg luôn chỉ đứng thứ 4-5 trong các cuộc thăm dò dư luận thì lại vươn lên thứ nhì. Thực tế này cho thấy các cử tri Séc hiện đang rất dao động. Ngoài những cá nhân trung thành với các đảng phái của họ thì những cử tri độc lập chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Đây được cho là nhân tố mang tính quyết định tại vòng 2 của cuộc bầu cử.
Theo nhận định của giới phân tích, cơ hội với hai ứng cử viên bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Séc là ngang nhau do tại vòng 1, ông M.Zeman chỉ dẫn trước ông Schwarzenberg chưa đầy 1% số phiếu bầu. Cương lĩnh tranh cử của hai ứng cử viên không có quá nhiều điểm khác biệt vì cùng hướng tới thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với Liên minh Châu Âu (EU) và duy trì ổn định trong nước cũng như thúc đẩy nền kinh tế. Vì vậy, để tạo đà bứt phá, trong vòng 10 ngày tới, cả hai ứng viên M.Zeman và Schwarzenberg chỉ còn trông đợi vào các cử tri còn dao động nhằm giành được sự ủng hộ được xem là quyết định từ nhóm này. Đây chính là điểm nút tạo kịch tính tại vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Séc trong một cuộc đua tay đôi khó đoán định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.