(HNM) - Trong những ngày đầu năm mới, Tạp chí trực tuyến "Money Morning" (Mỹ) đã tạo ra sự kiện đất hiếm trên toàn Bắc Mỹ khi thông tin khá đầy đủ về phát hiện mỏ đất hiếm được cho là lớn nhất thế giới tại California - bang miền Tây nước Mỹ.
Mỏ đất hiếm Mountain Pass (California, Mỹ). |
Với phát hiện này, Mỹ có thể phá vỡ độc quyền của Trung Quốc - nước xuất khẩu hàng đầu thế giới loại nguyên liệu này; đồng thời làm yên lòng các đồng minh châu Âu và châu Á vốn đang phụ thuộc vào loại khoáng sản này từ đất nước của Vạn lý trường thành. Mỏ đất hiếm tại Cali có trữ lượng khoảng 4,9 triệu tấn, đủ để đáp ứng 25% nhu cầu công nghiệp toàn cầu về đất hiếm trong vòng 20 năm tới. Đây là khu mỏ urani đã đóng cửa từ thập niên 8 của thế kỷ trước.
Đất hiếm - còn gọi là các đất hiếm vì tùy thuộc vào lượng các nguyên tố hóa học có trong đất - là nguyên liệu quan trọng không thể thiếu trong ngành công nghệ cao. Đây là khoáng sản chứa tới 17 nguyên tố quan tối quan trọng có mặt trong hầu hết các sản phẩm công nghệ cao ngày nay từ chiếc máy nghe nhạc bỏ túi iPod cho đến xe hơi, tên lửa, tàu vũ trụ… Đất hiếm liên quan đến rất nhiều công nghệ năng lượng xanh, từ bóng đèn tiết kiệm năng lượng cho đến sản xuất xe điện, tuabin gió lớn, đều cần sử dụng đất hiếm. Vì thế, đây là một sự kiện tạo sinh khí mới cho ngành chế tạo của Mỹ trong bối cảnh lao đao về tài chính hiện nay; đặc biệt là công nghiệp năng lượng xanh, luôn cần đến các loại đất hiếm đang quá phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Trước đây, do chi phí khai thác đất hiếm quá cao, lại lo sợ rủi ro về môi trường, nhiều nước phát triển, trong đó có Mỹ đã đình chỉ khai thác đất hiếm để dựa vào nguồn cung ứng dồi dào với giá rẻ từ Trung Quốc. Theo thời gian, Trung Quốc đã mặc nhiên trở thành nhà phân phối độc quyền trong lĩnh vực đất hiếm. Hiện nay, trong các loại đất hiếm, ít nhất có 96% loại quan trọng nhất hiện đang được khai thác và sản xuất tại Trung Quốc. Vị thế độc quyền cũng đã mặc nhiên đã cho phép Trung Quốc tung hoành trên thị trường nguyên liệu này.
Trung Quốc đang trở thành một cường quốc về đất hiếm đã giúp Mỹ có được bài học cay đắng khi sao nhãng ngành công nghiệp khai thác đất hiếm trong những năm gần đây. Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ, trong những năm qua, do thiếu các linh kiện có dùng các đất hiếm (đặc biệt là các chất lantan, xeri, europium và gadolini), nhiều chương trình quân sự của Mỹ bị chậm trễ. Ý thức được rằng "Mỹ không thể tiếp tục lệ thuộc 100% vào việc nhập các đất hiếm Trung Quốc", Quốc hội Mỹ đang thảo luận dự luật "Phục hồi việc khai thác các nguyên liệu thiết yếu và các đất hiếm". Cục Địa chất Mỹ nhận định, tổng trữ lượng đất hiếm trên toàn cầu lên tới 99 triệu tấn, trong đó Trung Quốc có 36 triệu tấn và Mỹ có 13 triệu tấn. Ngoài mỏ Mountain Pass ở bang California,
Mỹ còn có mỏ Lemhi Pass cùng Diamond Creek ở Bắc Idaho và mỏ Bokan ở Nam Alaska… gần đây được xác định có trữ lượng đáng kể, từ hệ thống dò tìm của Tập đoàn Hàng không Boeing hợp tác với Công ty U.S. Rare Earths Inc. Molycorp - hiện là nhà sản xuất đất hiếm duy nhất tại Mỹ - đang chuẩn bị loạt chương trình khai thác quy mô có thể tung ra 20.000 tấn đất hiếm vào năm 2012 so với 2.000 tấn hiện tại.
Sự kiện Mỹ công khai mỏ đất hiếm trong bối cảnh nhiều nước đang lo ngại về nguồn cung loại khoáng sản này không chỉ cho thấy cuộc đua tranh mới mang tên đất hiếm đã bắt đầu, mà còn khiến nhiều nước, dù có hay không sở hữu loại khoáng sản này, buộc phải nhìn lại kho tài nguyên trong lòng đất của chính mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.