Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đua giảm lãi suất cho vay bắt đầu

Thanh Hương| 16/04/2010 16:16

(HNMO) - Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND thời gian tới sẽ giảm đáng kể bởi ngân hàng thương mại đã bắt đầu vào cuộc giảm lãi suất.

(HNMO) - Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND thời gian tới sẽ giảm đáng kể bởi ngân hàng thương mại đã bắt đầu vào cuộc giảm lãi suất.

Hôm qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố, từ ngày 16/4, BIDV áp dụng lãi suất thỏa thuận và niêm yết công khai trên toàn hệ thống trong cả nước.

Theo đó, với lãi suất cho vay ngắn hạn, Ngân hàng này cho vay tối đa ở mức 14%/năm. Riêng đối với lãi suất cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức lãi suất tối đa là 13%/năm.

Với các khoản cho vay trung dài hạn, BIDV áp dụng mức lãi suất tối đa 14,5%/năm đối với các khoản vay/dự án phục vụ sản xuất - kinh doanh. Cùng với các mức lãi suất cho vay trên, BIDV áp dụng mức lãi suất huy động không quá 11,5%/năm nhằm ổn định đầu ra.

BIDV niêm yết công khai thực hiện huy động và cho vay bằng VND theo lãi suất thoả thuận trên tại các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống.


Mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ ở quanh mức 14%/năm

Như vậy, BIDV là ngân hàng đầu tiên công khai lãi suất sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư ngày 14/4 hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng VND đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay bằng VND phải niêm yết công khai lãi suất cho vay ở mức hợp lý trên cơ sở cung-cầu. Cũng theo thông tư này thì các ngân hàng chính thức cho vay thỏa thuận với cả các khoản vay ngắn hạn thay vì chỉ đối với các khoản vay trung và dài hạn như trước.

Mặc dù công bố sau BIDV nhưng từ ngày 15/4 Ngân hàng An Bình (ABBANK) đã xác lập một mặt bằng lãi suất cho vay thoả thuận mới ở mức 14-16%/năm tùy vào đối tượng khách hàng. Đối tượng mà ngân hàng này ưu tiên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa quản trị tốt, các khoản vay tài trợ xuất khẩu, các khách hàng sản xuất kinh doanh các sản phẩm, mặt hàng có thị trường tiêu thụ ổn định, trực tiếp sản xuất tạo ra sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế.

Theo lãnh đạo ABBANK, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, cả doanh nghiệp và ngân hàng cần thực hiện các giải pháp thiết thực và rõ ràng hơn từ cả hai phía. Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, minh bạch về tài chính, có tình hình tài chính lành mạnh và thuyết phục được ngân hàng về hiệu quả kinh doanh.Còn ngân hàng cần thiết kế quy trình, thủ tục vay vốn ngắn gọn cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ cho vay; đồng thời hoàn thiện các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu cạnh tranh của thị trường theo từng thời điểm. Và ABBANK đang thực hiện điều đó.

Trước hai ngân hàng này, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho biết kế hoạch hạ lãi suất cho vay nhưng không nói rõ thời điểm áp dụng. Mức lãi suất tối đa tại đây sẽ là 15%/năm. Riêng lãi suất trung dài hạn đối với tín dụng nông nghiệp là 13,8%/năm, đối với tín dụng xuất khẩu là 14%/năm. Các mức lãi suất trên được Sacombankáp dụng đối với những hồ sơ và khách hàng đạt tiêu chuẩn tốt, rủi ro thấp.

Với việc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ xuống quanh mức 14%/năm, doanh nghiệp sẽ có điều kiện vay nhiều hơn. Dự báo tín dụng sẽ tăng trưởng tốt trong quý 2 này, thay vì thấp như quý 1. Kết thúc 3 tháng đầu năm, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 2,95% so với cuối năm trước, trong đó tín dụng bằng VND chỉ tăng 0,57% và tín dụng bằng ngoại tệ tăng 14,07%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua giảm lãi suất cho vay bắt đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.