(HNM) - Ngày 12-4, Quốc hội Anh đã giải tán theo đề nghị của Thủ tướng Gođơn Brao. Hành động mang tính thủ tục này đã khởi đầu cho chiến dịch vận động tranh cử được dự báo là đầy kịch tính giữa các chính đảng tại
Từ trái qua phải: Thủ tướng Anh - lãnh đạo Công đảng G.Brao, thủ lĩnh đảng Bảo thủ Đ.Camơrun, thủ lĩnh đảng Tự do Dân chủ Ních Clếch. |
Trên thực tế, các kế hoạch trên đường đua tới cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 6-5 tới đã rục rịch từ vài tuần trước khi 3 đảng lớn nhất nước Anh, gồm Công đảng cầm quyền, đảng Bảo thủ và đảng Tự do Dân chủ đối lập liên tục công kích lẫn nhau nhằm chứng tỏ năng lực quản lý, điều hành các hoạt động tài chính của mình. Dĩ nhiên, trong bối cảnh nước Anh vừa bước vào giai đoạn phục hồi sau cuộc suy thoái lớn nhất trong lịch sử, kinh tế sẽ là trọng tâm trong chiến dịch vận động tranh cử tại nước này. Một giải pháp hữu hiệu nhằm ổn định nền kinh tế vừa "ốm dậy" sẽ là chìa khóa vàng dẫn đến thành công trong cuộc bầu cử tới. Ngược lại, những sơ hở trong kế hoạch tranh cử liên quan tới "cơm áo gạo tiền" của người dân sẽ bị đối phương tận dụng tối đa để giành phiếu bầu.
Vì vậy, ngoài cam kết sẽ tạo dựng lòng tin của người dân sau khi xảy ra vụ bê bối chi tiêu của các nghị sĩ, trong cương lĩnh tranh cử, Thủ tướng G.Brao - thủ lĩnh Công đảng - không quên tái khẳng định cam kết phục hồi kinh tế. Công đảng cho rằng, ông Brao đã chèo lái nước Anh qua thời kỳ khó khăn và việc chuyển giao nền kinh tế này cho một đối thủ thiếu kinh nghiệm có thể gây nguy hiểm cho đất nước. Trong khi đó, người phát ngôn về tài chính của đảng Bảo thủ thì chỉ trích kế hoạch tăng thuế được Công đảng cho là đòn bẩy tạo việc làm và đảo ngược chiều hướng thâm hụt ngân sách khổng lồ hiện nay, sẽ "bóp chết từ trong trứng" bất kỳ mầm mống phục hồi nào. Đảng Bảo thủ coi kế hoạch của đảng này cắt giảm chi tiêu của chính phủ và chấm dứt đánh thuế việc làm là động lực thúc đẩy kinh tế Anh phát triển.
Ngoài vấn đề kinh tế, "đạo đức nghị viện" cũng được các đảng tranh cử coi trọng, sau khi những vụ bê bối về lạm chi, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, tiêu xài cá nhân... của các ông nghị bị phanh phui thời gian gần đây khiến dân Anh phẫn nộ. Thủ tướng Brao cam kết tổ chức trưng cầu dân ý về hệ thống bầu cử và cải tổ Thượng viện.
Đến thời điểm này, chưa thấy có bước bứt phá nào của các đảng tham gia tranh cử. Vì thế, cuộc bầu cử Anh năm 2010 càng được cho là sẽ đầy kịch tính vào phút cuối và không thể đoán trước. Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Viện YouGov tiến hành vừa công bố, đảng Bảo thủ đối lập lần đầu tiên đã vươn lên dẫn điểm ở mức hai con số so với Công đảng cầm quyền. 39% số người được hỏi ủng hộ đảng Bảo thủ, trong khi Công đảng cầm quyền chỉ giành được 29% và đảng Dân chủ Tự do được 20%. Các nhà quan sát cho rằng nếu duy trì được tỷ lệ ủng hộ hiện nay trong cuộc tổng tuyển cử, đảng Bảo thủ có thể trở thành lực lượng đứng ra thành lập chính phủ mới ở Anh với đa số mong manh, hoặc phải liên danh với một đảng nhỏ khác trong Quốc hội.
Cơ hội đang chia đều cho cả 3 đảng trong thời gian 3 tuần vận động tranh cử. Song, nhiều ý kiến cho rằng, quyết định của cử tri sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả 3 cuộc tranh luận trên truyền hình giữa thủ lĩnh của 3 chính đảng dự kiến vào ngày 15, 22 và 29-4. Cuối cùng, cho dù đảng nào thắng cử cũng sẽ phải đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách 167 tỷ bảng (254 tỷ USD) đang có nguy cơ làm chao đảo nền kinh tế Anh hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.