Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đời hòa trong trang sử đất nước

Nguyễn Huy Thắng| 25/11/2011 06:22

(HNM) - Hôm nay 25-11, tại Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về cuộc đời, sự nghiệp của GS-VS, nhà sử học Trần Huy Liệu nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.

Nhân dịp này, Hànộimới trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết dưới đây, những câu chuyện kể về dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng và tham gia định hướng công tác nghiên cứu khoa học của Trần Huy Liệu.

Sách có sự tham gia của Trần Huy Liệu và về Trần Huy Liệu.

Thảo Quân lệnh số 1

Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) bàn việc phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Sáng 15-8-1945, được tin Nhật Hoàng đã ra lệnh cho quân đội Nhật đầu hàng, Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định khai mạc Quốc dân đại hội Tân Trào. Đại hội đã bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trần Huy Liệu, nhà báo nổi tiếng, nhà cách mạng lão luyện từng vào tù ra tội, được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch… Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, tại Đại hội, Trần Huy Liệu được giao viết bản Quân lệnh số 1 và ông đã "ngồi viết suốt đêm dưới bóng đèn mờ quên cả đám muỗi rừng bám vào người đốt"...

Bản Quân lệnh lịch sử ấy có đoạn:
Hỡi quốc dân toàn quốc!
Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến.

Cơ hội có một không hai cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!

Dưới mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đoàn quân giải phóng; xung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù.

Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta.

Cuối cùng là dòng chữ đề: "Ủy ban Khởi nghĩa" và ngày giờ ban bố bản Quân lệnh: Ngày 15 tháng 8 năm 1945, 11 giờ đêm. Đó chính là thời điểm, như ta có thể hình dung qua hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch Trần Huy Liệu rũ muỗi đứng dậy, giao bản Quân lệnh vừa thảo xong để mọi người xem và cho ý kiến trước khi công bố.

Tiếp nhận ấn kiếm Bảo Đại

Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Hà Nội thì đến ngày 23, khởi nghĩa cũng thành công ở Huế. Ủy ban Hành chính Trung bộ đánh điện ra, báo cáo vua Bảo Đại xin thoái vị, đề nghị Chính phủ Lâm thời phái đại biểu vào để nhận lễ thoái vị của ông ta.

Bấy giờ, Hồ Chủ tịch chưa về tới Hà Nội. Trung ương quyết định cử phái đoàn vào Huế ngay. Phái đoàn gồm ba người: Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận, do Trần Huy Liệu làm Trưởng đoàn.

Ngày 25, phái đoàn lên đường. Đến Huế, đoàn yêu cầu gặp ngay Bảo Đại để thông báo về ngày làm lễ thoái vị và nghi thức của buổi lễ, đồng thời cũng nêu các điều kiện đối với ông ta sau khi thoái vị.

Ngày 30-8-1945, theo giờ đã định, xe của phái đoàn từ từ tiến vào cửa chính Ngọ Môn. Bảo Đại chít khăn vàng, mặc hoàng bào đứng chực sẵn ở cửa. Trần Huy Liệu cùng phái đoàn ra khỏi chiếc xe mui trần, bước lên Ngọ Môn, giữa tiếng hoan hô vang dậy của đồng bào. Sau các thủ tục đã định, đến lượt Bảo Đại đọc Chiếu thoái vị. Đọc xong, ông ta giơ hai tay nâng chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn hình vuông, biểu tượng của vương triều. Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận. Lần đón thanh kiếm không có vấn đề gì. Nhưng đến chiếc ấn vàng thì ông bất ngờ phải chịu một sức nặng chưa lường được: nó nặng đến 7 kilôgam! Trần Huy Liệu đã phải dùng hết sức bình sinh để giữ chiếc ấn với vẻ bình thường, không để trĩu xuống, nhất là không được để người nghiêng đi, mất tư thế của vị đại diện Chính phủ. Khó nhất là lúc, đáp lại niềm hân hoan của dân chúng, ông phải giơ cao ấn lên cho mọi người thấy. Ông càng giơ, đồng bào càng hoan hô, ông càng phải cố giơ cao và đưa đi đưa lại. Sau này, Trần Huy Liệu có kể lại sự việc này trong hồi ký: "Cũng may là tôi đã làm tròn trách nhiệm "nặng nề" ấy… không ai biết đến sự "nỗ lực" của tôi đến tột bực trong khi hai cánh tay như muốn rời ra"…

Ba ngày sau, tại lễ Quốc khánh trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Trần Huy Liệu cũng báo cáo về việc phái đoàn vào Huế nhận thoái vị của Bảo Đại, và đệ ấn kiếm lên Hồ Chủ tịch.

“Diệt Pháp” bằng võ khí “sử - địa - văn”

Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, Trần Huy Liệu được cử làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền. Ông cũng được giới văn hóa tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc. Đến khi thành lập quân đội chính quy do Võ Nguyên Giáp phụ trách quân sự, thì Trần Huy Liệu làm Chính trị Quân sự Ủy viên hội, đồng thời làm chủ bút tờ Sao Vàng của quân đội. Giặc Pháp càng gây hấn càng bộc lộ dã tâm xâm lược và càng khiến ông chủ bút bức xúc. Ngày

19-12-1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Theo nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, 8 giờ 5 phút tối hôm ấy, bóng đèn điện ven đường nơi các ông tạm dừng chân trên đường vào Hà Đông đang sáng bỗng mờ dần rồi tắt hẳn. Vài tiếng súng nổ, ban đầu còn rời rạc, rồi bắt đầu rền. Trần Huy Liệu đang ngồi trầm ngâm, bỗng chồm dậy thét:

- Diệt Pháp!

Tiếng thét ấy có thể coi là lòng căm phẫn tích tụ suốt bao năm của người dân Việt Nam mà Trần Huy Liệu là một đại diện, đến lúc bung ra đáp trả quân xâm lược đang lăm le chiếm lại nước ta…

Năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp đã gần đến thắng lợi, Trần Huy Liệu, với mẫn cảm của một nhà văn hóa và tố chất của một nhà khoa học, đã có một đề xuất vô cùng ý nghĩa: Đề nghị Trung ương Đảng cho thành lập Ban Nghiên cứu sử - địa - văn. Bản đề nghị của ông có nêu: "Muốn dựng nước và giữ nước thành công, mỗi người dân Việt Nam phải có được lòng tự tin dân tộc, lòng tự tôn dân tộc, kết hợp với lòng yêu nhân loại… Học tập lịch sử của dân tộc, địa lý của dân tộc, văn học của dân tộc chính là vũ khí để phát huy những tinh thần ấy".

Ban Nghiên cứu sử - địa - văn được thành lập trong điều kiện kháng chiến gian khổ, đã quy tụ được nhiều bậc trí thức lớn thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn, như Tôn Quang Phiệt, Vũ Ngọc Phan, Trần Đức Thảo… Bản thân Trần Huy Liệu cũng đóng góp nhiều công trình quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của ban (sau đổi tên thành văn - sử - địa), hiện nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Trong số đó, phải kể đến bộ sách Lịch sử tám mươi năm chống Pháp mà với nó, sau này ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt phong tặng đầu tiên năm 1996…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đời hòa trong trang sử đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.