Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đối đầu nguy hiểm

Trung Hiếu| 14/09/2012 06:49

(HNM) - Vụ tấn công phái đoàn ngoại giao Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya, khiến Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens cùng 3 nhà ngoại giao khác thiệt mạng ngày 11-9, đã gây cú sốc mạnh trong cộng đồng quốc tế.


Ngày 12-9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra thông cáo cực lực lên án vụ tấn công. Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Ramussen và Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách an ninh đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Catherine Ashton tỏ thái độ "bàng hoàng trước vụ tấn công" và hối thúc Libya "có những biện pháp không chậm trễ" bảo vệ tính mạng của các nhà ngoại giao, nhân viên nước ngoài đang làm việc tại nước này. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga quan ngại sâu sắc về vụ tấn công và nêu rõ, Mátxcơva coi mọi hành động tấn công các nhà ngoại giao là "hình thức khủng bố"...


Đại sứ Mỹ tại Libya cùng 3 nhà ngoại giao khác đã thiệt mạng trong vụ tấn công vào Tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở thành phố Benghazi.

Vụ tấn công được xem như đỉnh điểm của xung đột kéo dài mấy ngày vừa qua. Dư luận khu vực cho rằng, mấu chốt của vụ việc bắt nguồn từ bộ phim dài 13 phút mang tên "Sự vô tội của người Hồi giáo", do một số thành viên cộng đồng Thiên chúa giáo Ai Cập sống lưu vong tại Mỹ sản xuất nhân kỷ niệm 11 năm cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9 tại Mỹ. Ngay lập tức, bộ phim đã gây làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng Hồi giáo ở nhiều quốc gia. Tổng thống Afghanistan Karzai cho rằng, bộ phim có nội dung chế nhạo Nhà tiên tri Muhammad đã tạo ra sự phẫn nộ trong dân chúng Hồi giáo. Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil chỉ rõ, bộ phim xúc phạm Hồi giáo và kêu gọi những người tức giận hãy kiềm chế. Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và đối ngoại của Quốc hội Iran Ala'eddin Borujerdi yêu cầu Tổng thống Mỹ Obama "xin lỗi" người Hồi giáo và ra lệnh ngưng chiếu bộ phim... Bộ phim đã thổi bùng làn sóng phản đối Mỹ trong thế giới Hồi giáo. Tại Ai Cập, những ngày qua đã có khoảng 2 nghìn người tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Cairo; một số người quá khích đã trèo lên tường của Đại sứ quán, xé cờ Mỹ và thay bằng lá cờ Hồi giáo. Chính phủ kêu gọi người dân Ai Cập kiềm chế nhưng tổ chức Huynh đệ Hồi giáo quyền lực của nước này lại kiên quyết kêu gọi người dân biểu tình trên khắp đất nước. Trong khi đó tại Tunisia, khoảng 100 người Hồi giáo Salafist cũng đã biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ. Cảnh sát đã được tăng cường để bảo đảm an ninh cho tòa Đại sứ. Còn tại Libya, bạo động đã bùng nổ khi hàng nghìn người phẫn nộ bao vây, đập phá Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi và một số phần tử vũ trang đã dùng súng phóng lựu tấn công tòa nhà khiến Đại sứ Mỹ tại nước này cùng 3 nhân viên thiệt mạng. Và mới nhất, ngày 13-9, một đám đông biểu tình ở Yemen đã xông vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Sanaa bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của lực lượng cảnh sát chống bạo động. Đây không phải là lần đầu tiên một sự việc liên quan tới tôn giáo đã làm bùng phát bạo động. Đầu năm 2012, sau khi binh sĩ Mỹ tại một căn cứ quân sự tại Afghanistan đốt kinh Koran đã khiến làn sóng bạo lực tại nước này dâng cao, khiến gần 40 người thiệt mạng. Năm 2010, thế giới cũng đã chứng kiến sự phẫn nộ của những người Hồi giáo khi một mục sư Mỹ ở bang Florida, đốt kinh Koran. Nhiều cuộc biểu tình đẫm máu sau đó nhằm vào lực lượng NATO ở Afghanistan và làn sóng chống Mỹ và phương Tây của người Hồi giáo nổ ra khắp thế giới... Và những gì vừa diễn ra là một cú giáng mạnh vào nền hòa bình và sự chung sống giữa các tôn giáo tại một khu vực đang lâm vào bất ổn.

Giới chức Libya cáo buộc những phần tử ủng hộ chế độ của tổng thống bị lật đổ Muanmar Gaddafi và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đứng sau vụ tấn công. Chủ tịch Quốc hội Libya Mohamed Al-Megaryef (ngày 12-9), đã lên tiếng xin lỗi chính phủ và người dân Mỹ cũng như toàn thế giới về vụ Tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi bị người biểu tình tấn công. Cùng ngày, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, nước này đã cử 50 binh sĩ thủy quân lục chiến tới Libya để tăng cường an ninh sau vụ tấn công Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi. Tổng thống B.Obama cũng đã ra lệnh thắt chặt an ninh tại các cơ quan ngoại giao của Mỹ trên toàn thế giới...

Nhưng có lẽ cấp thiết hơn cả với Washington là sự ngăn ngừa trước những nguy cơ lợi dụng nền dân chủ Mỹ của một số tổ chức, cá nhân để cố tình gây những tổn thương về tín ngưỡng cũng như chia rẽ dân tộc không chỉ với cộng đồng Hồi giáo. Và chỉ như vậy, nước Mỹ mới tránh được cuộc đối đầu nguy hiểm không đáng có với phần còn lại của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đối đầu nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.