(HNM) - Quan hệ giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga có chiều hướng gia tăng căng thẳng khi Bộ trưởng Quốc phòng của 28 quốc gia thuộc liên minh này đã thông qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu với các lực lượng đa quốc gia trên mặt đất, trên không và trên biển.
Lực lượng này đồn trú tại ba quốc gia Baltic (Litva, Latvia, Estonia), Ba Lan, Bulgaria, Romania, nơi sẽ diễn ra các chiến dịch chung dựa trên lực lượng phản ứng nhanh của NATO. Quân số của lực lượng phản ứng nhanh sẽ tăng gấp ba lần, từ 13.000 lên 40.000 người; đồng thời NATO sẽ thành lập một lực lượng can thiệp hiệu quả có thể được triển khai trong vài ngày, với số lượng 5.000 binh sĩ được không quân và hải quân yểm trợ. Đây được xem là một tín hiệu mạnh của NATO ngoài các biện pháp đã được áp dụng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine nhằm trấn an các đồng minh ở Đông Âu.
Một cuộc tập trận của NATO ở Estonia. |
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg viện dẫn điều 5 về nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO, trong đó nhấn mạnh: Chống lại một nước đồng minh cũng là tấn công chống lại tất cả các thành viên khác. Trong trường hợp bị tấn công, tất cả các quốc gia trong NATO sẽ cùng đáp trả. Cùng thời điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công bố kế hoạch đưa thêm vũ khí hạng nặng đến các khu vực ở Đông Âu nhằm trang bị đầy đủ vũ khí cho hai sư đoàn đang đóng tại biên giới phía Đông của NATO. Một khoản ngân sách trị giá 3,4 tỷ USD đã được Nhà Trắng phê duyệt dành cho các hoạt động của Mỹ ở khu vực trọng yếu trên. Số tiền này cho phép Washington có kinh phí để thực hiện các yêu cầu như gia tăng lực lượng quân sự Mỹ hiện diện ở Châu Âu trên cơ sở luân chuyển, bố trí thêm và lưu trữ các loại vũ khí hạng nặng để có thể nhanh chóng triển khai các đơn vị khi khủng hoảng xảy ra.
Kế hoạch gia tăng lực lượng NATO ở Châu Âu được nhìn nhận là có quy mô lớn nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh đến nay. Mục đích tăng cường quân lực về phía Đông của liên minh được giải thích bởi sự lo ngại trước các hành động của Nga, đặc biệt, sau khi Nga sáp nhập Crimea. Trên thực tế, mở rộng NATO về phía Đông là một phần không thể thiếu trong việc chuyển đổi mô hình chiến lược NATO và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Đông Âu thay đổi nhanh chóng, Hiệp ước Vácsava hủy bỏ, Liên Xô tan rã, Chiến tranh lạnh kết thúc. Tuy nhiên, NATO - sản phẩm còn sót lại sau Chiến tranh lạnh không những không mất vai trò mà còn không ngừng tăng thêm thành viên mới, mở rộng thế lực. Tháng 3-2014, khủng hoảng Ukraine nóng lên nhanh chóng, Nga sáp nhập Crimea, dẫn đến cuộc khủng hoảng Đông - Tây tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Quan hệ Nga - NATO chuyển sang giai đoạn căng thẳng nghiêm trọng bằng nhiều động thái và ở các cấp độ khác nhau.
Trong năm 2015, NATO tăng bất thường các cuộc tập trận ở khu vực Châu Âu, mở đầu là chuỗi các cuộc tập trận ở Đông Âu trong khuôn khổ kế hoạch mang tên "Lá chắn Liên minh" (Allied Shield). Sau đó là hàng loạt cuộc tập trận với Ukraine trên Biển Đen và lãnh thổ phía Tây nước này và loạt tập trận hải quân ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương, đặc biệt là vùng biển Baltic. Giới chuyên gia quân sự Nga nhận định, trong chuỗi các cuộc tập trận này, Mỹ và NATO đang xây dựng một "tuyến nghiêng", đối đầu với Nga ở biên giới phía Tây và phía Nam, chạy suốt từ Baltic tới Biển Đen. Những cuộc tập trận này hướng tới việc đối đầu chỉ với "những đối thủ giả định", nhưng tính chất và quy mô của các hoạt động lại nói lên điều ngược lại: Dường như cả hai bên đang tập luyện biện pháp đè bẹp các khả năng của đối phương.
Trong phản ứng đầu tiên trước quyết định gia tăng sự hiện diện quân sự tại Đông Âu của NATO, Cục trưởng Cục kiểm soát và không phổ biến vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Ulianov cho rằng: Việc NATO gia tăng hoạt động quân sự tại Châu Âu là "con đường không có triển vọng". Đồng thời khẳng định, nước Nga không phải là mối đe dọa thực tế đối với các nước thành viên NATO và khi NATO gia tăng hoạt động, Nga cũng sẽ tiến hành một sự gia tăng tương ứng. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga Yevgeny Serebrennikov cho biết: Nga sẽ tăng cường tiềm lực quốc phòng nói chung, vũ khí hạt nhân nói riêng nhằm đối phó với sự gia tăng chiến lược răn đe của NATO.
Xu thế đối đầu liên tục leo thang giữa Nga và phương Tây, từ các vấn đề địa - chính trị ở bên ngoài như Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… đến các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ đang khiến bàn cờ chính trị thế giới ngày càng trở nên phức tạp và khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.