Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đối đầu dai dẳng

Vân Khanh| 24/11/2011 06:53

(HNM) - Những tưởng thỏa thuận vào phút chót nhằm cứu nước Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ hồi tháng 8 với việc thông qua các mục tiêu cắt giảm ngân sách lịch sử có thể khiến xứ Cờ hoa hết vướng bận chuyện tiền nong.

Các cuộc thảo luận liên tiếp của "siêu ủy ban" gồm 12 nghị sĩ đại diện cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa suốt nhiều ngày qua về một chương trình thắt lưng buộc bụng trong thập kỷ tới cho nước Mỹ đã không mang lại kết quả nào. Thời hạn chót 22-11, cho một sự đồng thuận để chú Sam có thể bước vào liệu trình kiêng khem từ năm 2013 đã qua đi khi tất cả các thành viên ủy ban đặc biệt của Quốc hội Mỹ rời phòng họp mà không thể đưa ra thông tin tích cực nào. Thông báo cuối cùng khẳng định lưỡng đảng chưa thể thu hẹp bất đồng quá lớn về quan điểm chi tiêu đã lập tức gây sốc trên thị trường chứng khoán Mỹ vốn đang thấp thỏm dõi theo tín hiệu từ tòa nhà Quốc hội. Bảng điện tử trên Phố Wall ngập sắc đỏ khi các cổ phiếu ào ào mất giá, mở đầu cho đợt giảm điểm 5 phiên liên tiếp và xuống mức đáy của một tháng qua. Cùng không gian u ám của cuộc khủng hoảng nợ ngày càng diễn biến phức tạp tại châu Âu, nỗi thất vọng của nhà đầu tư với cuộc đối đầu chưa hồi kết ở đồi Capitol đã xóa đi tổng cộng hơn 5% giá trị chứng khoán Mỹ.

Vẫn như bao lần trước, màn tranh cãi giữa các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa như để tìm ra bên chịu trách nhiệm cho bế tắc đáng buồn hiện nay lại làm nóng bầu không khí chính trị Mỹ. Phe Dân chủ bị cho là đã không có sự nhượng bộ cần thiết về cắt giảm lớn trong các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là lĩnh vực y tế. Ngược lại, những người Cộng hòa trở thành tâm điểm chỉ trích do kiên quyết không chấp nhận tăng thuế nhằm vào tầng lớp giàu có nhất xã hội với lập luận điều đó sẽ giảm kích thích tạo ra việc làm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động Mỹ. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng để bảo vệ lợi ích nhóm khẳng định thực tế chia rẽ giữa lưỡng đảng Mỹ về ngân sách - từng có lúc tạm lắng dịu nhưng chưa hề được thu hẹp trong suốt thời gian qua. Hồi kết gây lo lắng không phải là một đáp án ngoài dự đoán, nhưng rõ ràng cuộc tranh chấp đang tạo thêm thách thức mới nguy hiểm trước những cố gắng lánh xa bờ vực suy thoái của kinh tế Mỹ.

Khi lưỡng đảng không có chung tiếng nói về kế hoạch cắt giảm nợ đầy tham vọng, theo các quy định hiện hành, một chương trình tiết kiệm ngân sách khoảng 1.200 tỷ USD sẽ được tự động kích hoạt vào tháng 1- 2013. Tuy nhiên, chương trình lại nhằm vào những lĩnh vực quan trọng như: bảo hiểm, giáo dục, an ninh quốc phòng... đã làm dấy lên quan ngại gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất hành tinh cũng như vị thế siêu cường của Mỹ trên vũ đài chính trị thế giới. Giảm ngân sách cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp đầu tư cho quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng nhiều lần cảnh báo hành động như vậy sẽ làm suy yếu quân đội Mỹ cũng như vai trò của Washington trên quy mô toàn cầu trước sự lớn mạnh của các đối thủ đáng gờm trên thế giới.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, tổng nợ chính phủ đã vượt con số 15.000 tỷ USD, tương đương 99% GDP ước tính trong năm 2011. Do vậy, một thỏa thuận cân bằng để thiết lập trật tự tài chính cho cường quốc kinh tế số 1 hành tinh hơn bao giờ hết có vai trò quan trọng không chỉ với nước Mỹ mà còn với cả nền kinh tế thế giới trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay. Một thời cơ cần thiết vừa bị bỏ lỡ nhưng vẫn chưa quá muộn để xứ Cờ hoa tìm kiếm một sự đồng thuận nữa trước khi cơn bão khủng hoảng nợ nần kiểu châu Âu ập vào nước Mỹ. Nếu điều tồi tệ xảy ra, nền kinh tế toàn cầu sẽ hứng chịu thêm những giông bão chưa thể dự báo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đối đầu dai dẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.